Tương lai mịt mờ chờ Hy Lạp
(Cadn.com.vn) - Một tương lai mịt mờ đang chờ đón Hy Lạp ngay sau khi Liên minh Châu Âu (EU) đáp trả quyết định tổ chức cuộc trưng cầu dân ý của chính phủ Athens bằng cách từ chối gia hạn gói cứu trợ tối cần thiết cho nước này.
Cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch cải cách và thắt lưng buộc bụng để nhận cứu trợ tài chính vốn được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 5-7 tới, đã được Quốc hội Hy Lạp chấp thuận vào đêm 27-6 (sáng 28-6, giờ Việt Nam). Trong bài phát biểu trước khi bỏ phiếu, Thủ tướng Alexis Tsipras cho biết, ông tin tưởng “người dân Hy Lạp sẽ nói một cách rõ ràng và không có tối hậu thư” cho các chủ nợ EU, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)”. Trong cuộc trưng cầu dân ý này, người dân Hy Lạp sẽ bỏ phiếu đồng ý hay bác bỏ các yêu cầu do các chủ nợ đưa ra cho Athens, chứng kiến một trong những vòng đối đấu cuối cùng giữa hai bên.
Động thái này của Hy Lạp khiến các ông lớn trong EU, các chủ nợ bất ngờ và nổi giận. Theo các nguồn tin, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tspiras không hề thông báo trước cho Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker về ý định tiến hành trưng cầu dân ý lần này. Kế hoạch của Athens chỉ được ông Tsipras thông báo vào giờ trước khi kế hoạch được chính thức đưa ra và sau khi tuyên bố bác bỏ một thỏa thuận nợ vì nó liên quan đến các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà ông cho là có thể gây ra “sự sỉ nhục” cho người dân Hy Lạp.
Đáp trả, tại phiên họp cuối ngày 27-6, Bộ trưởng tài chính các nước trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) - còn gọi là Eurogroup - cáo buộc Athens “đơn phương” phá bỏ các cuộc đàm phán và nói rằng họ sẽ không mở rộng gói cứu trợ Hy Lạp qua ngày 30-6, ngày mà Athens sẽ phải trả 1,5 tỷ EUR tiền nợ đến hạn. Đây là cuộc họp được xem là cơ hội cuối cùng để tránh cho Athens rơi vào tình trạng vỡ nợ khi chỉ còn 3 ngày nữa là tới ngày 30-6.
Ngay sau khi Eurozone quyết định không gia hạn chương trình cứu trợ cho Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Gianis Varoufakis bày tỏ lo ngại uy tín của Eurogroup, vốn được coi là một thể chế dân chủ, “chắc chắn sẽ bị tổn hại”. Theo ông, quyết định này là điều đáng buồn bởi trong cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, nhân dân Hy Lạp có thể sẽ ủng hộ gói cứu trợ mới. Ông dẫn kết quả thăm dò dư luận tại Hy Lạp cho biết, có đến 57% số người dân được hỏi ủng hộ một thỏa thuận của nước này với bộ 3 chủ nợ quốc tế.
Trước tình hình khó khăn hiện nay, trong ngày 28-6, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tiếp tục nhóm họp trong bối cảnh dấy lên nhiều lo ngại các ngân hàng của Hy Lạp sẽ không thể mở vào tuần tới. Eurogroup cũng nhóm họp 1 lần nữa mà không có sự tham gia của Hy Lạp để thảo luận về “các hậu quả” và “chuẩn bị những điều cần thiết nhằm đảm bảo sự ổn định của Eurozone sẽ được duy trì ở mức cao nhất” – tuyên bố ám chỉ đến khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone.
Thanh Văn