Tường thuật của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng từ Hoàng Sa: Tàu kéo, hải cảnh, hải giám và máy bay Trung Quốc cùng uy hiếp tàu chấp pháp Việt Nam
(Cadn.com.vn) - Trong cuộc điện đàm về đất liền lúc 15 giờ ngày 1-6, phóng viên Công Khanh của Báo Công an TP Đà Nẵng tiếp tục cho biết tình hình ngoài thực địa Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên Công Khanh, trong ngày 1-6, Trung Quốc đã huy động khá nhiều tàu kéo, hải cảnh, hải giám và máy bay trinh sát để uy hiếp các biên đội tàu chấp pháp của Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên biển, đồng thời duy trì bán kính khu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 ở mức 10 hải lý. Cao điểm nhất là lúc 13 giờ 45 chiều 1-6, Trung Quốc huy động hơn 10 tàu các loại áp sát biên đội tàu kiểm ngư vùng 4 của chúng tôi, khi biên đội đang cơ động vào hướng giàn khoan.
Không chỉ lượng tàu lớn, 2 máy bay trinh sát của Trung Quốc cũng luôn quần thảo trên bầu trời với độ cao so với mặt nước biển chỉ vài trăm mét, gầm rú inh ỏi. Sau khi tàu hải cảnh mang số hiệu 32102 cố tình lấn tới phá đội hình tàu Việt Nam đang cơ động vào hướng giàn khoan tuyên truyền do tàu KN 628 làm biên đội trưởng, thì hướng khác, hai tàu kéo lớn của Trung Quốc cũng tăng tốc rẽ sóng bám theo tàu KN 762 của chúng ta. Trong khi đó, cách mạn phải của chúng tôi khoảng 1 hải lý, tàu hải giám 2168 và hải cảnh 2350 lợi dụng sự to lớn của mình đã ép tàu KN 761 từ phía sau, khiến thuyền trưởng phải đánh vô lăng tránh né kịp thời tránh cú va chạm.
Dù bị các tàu Trung Quốc liên tục áp sát, gây hấn, phá đội hình tàu ta, nhưng với sự chỉ huy của biên đội trưởng, các tàu KN 628, 762, 634, 764 và tàu CS biển 2013 của chúng ta vẫn bình tĩnh phản ứng, khôn khéo tránh đâm va. Theo ghi nhận của phóng viên, trong tất cả các tình huống tàu Trung Quốc xông ra uy hiếp tàu chấp pháp Việt Nam, các tàu Trung quốc luôn "ưu tiên chăm sóc" kỹ nhất cho tàu CSB 3013 với nhiều cú lao mạnh như muốn "ăn tươi, nuốt sống". Mục đích đuổi tàu CSB của ta càng xa càng tốt. Dù tàu CSB cũng có tốc độ cao nhưng phải rất khôn khéo lái tàu mới luồn tránh được những lần vây ép hung hãn của các loại tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc to lớn hơn nhiều.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam quan sát các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại Hoàng Sa. |
Theo thuyền trưởng tàu KN 762 Ngô Quốc Tuấn, những ngày qua, tàu Trung Quốc rất ranh ma bằng cách dựng hiện trường giả để tàu chấp pháp của chúng ta rơi vào bẫy, song tất cả các thuyền trưởng và chỉ huy tàu đều tỉnh táo để tránh đâm va nên chỉ giữ khoảng cách trên 10 hải lý so với nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.
Phóng viên Công Khanh cũng cho biết, trước đó, chiều 31-5, ngoài bộ phận lái và bộ phận trực được phân công làm nhiệm vụ, số còn lại trên các tàu của biên đội tàu Kiểm ngư vùng 4 của chúng ta đã tập trung về phòng câu lạc bộ để chỉ huy tàu tặng quà cho những cán bộ có con nhỏ nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6. Là phóng viên duy nhất trên tàu của biên đội, phóng viên Công Khanh cũng vinh dự được nhận những phần quà danh dự, hết sức có ý nghĩa cho hai con nhỏ đang ở đất liền cùng mẹ và người thân. Dịp này, chỉ huy tàu cùng các cán bộ kiểm ngư và phóng viên còn được thưởng thức "bữa tiệc" bánh kẹo trên tàu do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi tặng.
Vào khoảng 8 giờ 40 đến 8 giờ 50 ngày 1-6, xuất hiện một máy bay trinh sát điện tử mang số hiệu 81223 của Trung Quốc bay hai vòng trên khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Đại lễ cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông Ngày 1-6, tại chùa Phổ Quang, Q. Tân Bình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM tổ chức Đại lễ cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông, với sự tham gia của hơn 1.000 tăng ni, Phật tử trên địa bàn thành phố. Đại lễ cầu nguyện diễn ra trong không khí trang nghiêm với các nghi lễ truyền thống như niệm hương, hướng về Đức Phật thực hiện khóa lễ cầu nguyện, thực hiện khóa tụng chú Đại Bi, cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông, cho đất nước. Đồng thời tại đại lễ đã phát động trong toàn thể chư tôn đức, tăng ni, Phật tử ủng hộ ngư dân, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đang bám biển bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Nhân dịp này, chư tôn đức và các tăng ni, Phật tử đến từ các chùa, các Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng tổ chức hội thu, đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu-Vì tuyến đầu Tổ quốc” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM phát động với số tiền hơn 200 triệu đồng. M.Danh |
Cũng trong sáng 1-6, qua quan sát từ phía Tây Nam giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 11 hải lý, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu dịch chuyển với tốc độ 0,5 hải lý/giờ. Tốc độ di chuyển và hướng di chuyển không ổn định. Cho đến 16 giờ chiều 1-6, giàn khoan Hải Dương 981 đã dịch chuyển so với vị trí cũ khoảng 140m về phía Tây Bắc.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc tiến hành dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 sau khi hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam.
Về lực lượng trên thực địa, Trung Quốc vẫn duy trì 38 - 40 tàu Hải cảnh; 25 - 30 tàu vận tải và tàu kéo; 40 - 45 tàu cá; 4 tàu quân sự. Ngoài ra, còn có 1 máy bay chiến đấu bay quanh khu vực giàn khoan ở độ cao khoảng 1.000m. Việt Nam vẫn duy trì lực lượng bám trụ, tổ chức đấu tranh với cường độ cao phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 khỏi vùng biển Việt Nam. Các tàu Kiểm ngư hoạt động cách giàn khoan 6 - 8 hải lý; tàu cá Việt Nam hoạt động cách giàn khoan khoảng 25 - 30 hải lý về phía Tây và Nam, tiếp tục đánh bắt cá, tổ chức đấu tranh đòi ngư trường, phản đối giàn khoan trái phép.
Công Khanh
(từ Hoàng Sa)