Tuy Phước (Bình Định): Một gia tộc giàu truyền thống cách mạng

Thứ hai, 16/09/2019 20:30

Gia tộc ông Trần Cừu (xã Phước Sơn, H. Tuy Phước, Bình Định) có 3 thế hệ đều tham gia cách mạng, đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc; là "địa chỉ đỏ" về truyền thống yêu nước. Cả gia tộc có 16 người đã anh dũng hy sinh, được Nhà nước công nhận liệt sĩ và 5 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Nơi thờ tự ông Trần Cừu, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các liệt sĩ tại nhà bà Mười.

Chúng tôi tình cờ biết được truyền thống cách mạng hào hùng của gia tộc ông Trần Cừu (đã qua đời)- trong một chuyến tác nghiệp. Sau nhiều ngày "lục lọi", chúng tôi may mắn gặp được bà Trần Thị Mười (1939, thương binh hạng 2/4, trú TT Tuy Phước, H. Tuy Phước) là cháu gọi ông Cừu bằng ông nội. Đến nay đã 80 tuổi nhưng bà Mười còn khá minh mẫn, nhớ rõ quá trình tham gia, hoạt động cách mạng của bản thân và các thế hệ trong gia tộc. Bà Mười hồi tưởng: Ông nội tham gia kháng chiến chống Pháp khi bà chưa ra đời, chỉ biết được qua lời kể của cha, mẹ và các bác, chú trong gia đình. Ông Cừu có 4 người con trai là Trần Kim Anh, Trần Thuần (cha bà Mười), Trần Thể và Trần Hạo. Cả 4 người đều noi theo cha tham gia hoạt động cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nối tiếp truyền thống yêu nước của gia đình, những người cháu của ông Cừu, trong đó có bà Mười, tiếp tục tham gia, hoạt động liên lạc, nuôi giấu cách mạng ở tại địa phương và thoát ly, trực tiếp ra chiến trường chiến đấu.

"Trong 2 cuộc kháng chiến, nhà ông nội, nhà cha tôi và nhà các chú, bác là cơ sở hoạt động, nuôi giấu nhiều cán bộ của Tỉnh ủy Bình Định, Huyện ủy Tuy Phước và xã Phước Sơn. Bản thân tôi là cán bộ giao liên của Huyện ủy Tuy Phước, được tổ chức phân công phụ trách đường dây bí mật đưa đón cán bộ từ vùng kháng chiến vào hoạt động trong lòng địch; nắm tình hình hoạt động của địch, rồi báo cho mật cứ. Ngoài ra, tôi còn hoạt động cất giấu vũ khí, chuyên chở thương binh, tiếp tế lương thực cho cách mạng. Trong một lần đưa đại đội đặc công Đ10 đánh chiếm đồn địch tôi đã bị thương", bà Mười kể.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, mặc dù bị địch khủng bố ác liệt, nhưng những người con, cháu của ông Cừu bất chấp nguy hiểm, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, làm cơ sở vững chắc nuôi giấu cán bộ, trong đó có đồng chí Nguyễn Trung Tín - Nguyên ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Suốt 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, 16 người con, cháu trong gia tộc ông Cừu đã anh dũng hy sinh để giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Ghi nhận công lao này, Nhà nước công nhận liệt sĩ cho những người đã ngã xuống; đồng thời, phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 5 mẹ là bà Nguyễn Thị Đức (vợ ông Trần Thuần, có 5 con là liệt sĩ); Đoàn Thị Mắn (vợ ông Trần Thể, có 3 con là liệt sĩ); Nguyễn Thị Nhơn (vợ ông Trần Hạo, có 2 con là liệt sĩ); Trần Thị Khang (con ông Trần Thể, có chồng và 2 con là liệt sĩ); Huỳnh Thị Nguyệt (con ông Trần Thuần, có chồng và 2 con liệt sĩ).

Hiện nay, tại thôn Dương Thiện - nơi ở trước kia của ông Cừu chỉ còn ông Trần Ngọc Minh (cháu gọi ông Cừu bằng ông cố nội) sinh sống. Những người cháu khác đang sinh sống tại TT Tuy Phước, H. Vân Canh và TP Quy Nhơn. Với thành tích 3 thế hệ tham gia cách mạng, gia tộc ông Cừu xứng đáng là "địa chỉ đỏ" tại xã Phước Sơn nói riêng, H. Tuy Phước nói chung.

Thiết nghĩ, ngoài những danh hiệu mà Nhà nước đã ghi nhận, chính quyền cấp xã, huyện nên có hành động, việc làm thiết thực tri ân công lao to lớn mà gia tộc ông Cừu đã đóng góp cho cách mạng. Biến "địa chỉ đỏ" này thành nơi giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho các thế hệ trẻ sau này.

D.MINH