Tuyển sinh Đại học 2023: Dự báo điểm chuẩn xét tuyển điểm thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông biến động nhẹ

Thứ ba, 25/07/2023 08:20
Đến thời điểm này, các trường Đại học (ĐH) đã công bố điểm sàn cho phương thức xét kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023. Đây là căn cứ để thí sinh lựa chọn, đăng ký nguyện vọng phù hợp với kết quả thi của mình. Năm nay, dù sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh, nhưng ở hầu hết các trường Đại học, phương thức xét kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức chính để tuyển sinh.
Thí sinh trao đổi cách làm bài sau khi kết thúc Kỳ thi Tốt nghiệp THPT (Ảnh minh họa).
Thí sinh trao đổi cách làm bài sau khi kết thúc Kỳ thi Tốt nghiệp THPT (Ảnh minh họa).

Điểm chuẩn các ngành không biến động nhiều

Trước đó, lượng thí sinh xét tuyển bằng các phương thức sớm ở các trường đều giảm mạnh so với năm trước. Do đó, chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi Tốt nghiệp THPT ở các trường còn khá nhiều.

Đơn cử, trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh còn 60 - 65% chỉ tiêu các ngành, chương trình đào tạo sẽ tuyển sinh bằng phương thức xét kết quả thi Tốt nghiệp THPT; đặc biệt các ngành đào tạo quy chuẩn dành đến 90% cho phương thức này. Điểm sàn xét tuyển vào các ngành của trường là 18 điểm. Mức này đã bao gồm điểm ưu tiên đối tượng, khu vực, áp dụng cho tất cả ngành, chương trình đào tạo.

Năm 2023, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 3.599 sinh viên vào 34 ngành học. Trong đó, phương thức xét tuyển kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp THPT chiếm 40 - 55% tổng chỉ tiêu của trường. Theo công bố của trường, điểm sàn xét tuyển các ngành từ 18 - 20 điểm, tùy ngành. Mức điểm này đã bao gồm điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng) hoặc đã nhân hệ số ở một số ngành nhất định theo quy định của trường…

Từ phổ điểm các môn thi Tốt nghiệp THPT và điểm trung bình các tổ hợp xét tuyển, các chuyên gia tuyển sinh nhận định, điểm chuẩn các ngành ở các trường năm nay không có biến động nhiều. Điểm chuẩn có thể tăng, giảm nhẹ tùy thuộc vào tổ hợp các môn thi dùng để xét tuyển. Theo phân tích từ các chuyên gia, kết quả thi Tốt nghiệp THPT cho thấy, điểm thi các môn có tăng, giảm so với năm trước. Cụ thể, điểm thi môn Sinh tăng đến 1,37 điểm; môn Toán, Lý, Sử, Địa giảm nhẹ. Như vậy, điểm chuẩn những ngành xét tuyển tổ hợp có môn Sinh có thể tăng, thậm chí tăng cao; ngành có môn Toán, Lý có khả năng giảm nhẹ. Ở 5 tổ hợp xét tuyển phổ biến và 2 tổ hợp mới "lên ngôi” trong những năm gần đây (gồm: A00, A01, B00, C00, D01, D07 và D08) cho thấy, điểm trung bình năm nay tăng so với năm trước. Tùy mức điểm tăng, điểm chuẩn xét tuyển theo tổ hợp B00, D01 và D08 có khả năng tăng nhiều hơn; các tổ hợp còn lại tăng nhẹ. Tuy nhiên, không phải điểm chuẩn tất cả ngành xét tuyển các tổ hợp này đều tăng mà còn tùy thuộc vào lượng thí sinh đăng ký xét tuyển.

Chọn ngành theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành

Theo quy định, đến 17 giờ ngày 30-7, thí sinh phải hoàn tất việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển Đại học trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT. Việc đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng này không giới hạn số lượng cũng như số lần điều chỉnh. Thí sinh phải thực hiện đúng, đủ các bước đăng ký theo quy định mới được xét tuyển và công nhận trúng tuyển, kể cả thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức tuyển sinh sớm.

Ở thời điểm nước rút này, nhiều em vẫn còn băn khoăn trong việc lựa chọn ngành học, cách đăng ký nguyện vọng để có khả năng cao nhất trúng tuyển vào ngành yêu thích. Chia sẻ với thí sinh, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với việc xác định được đam mê của mình để chọn ngành phù hợp, thí sinh cũng cần hiểu được xu hướng đào tạo, nghề nghiệp hiện nay. Thực tế, trong đào tạo nghề nghiệp có 3 nhóm, đó là lĩnh vực đào tạo, nhóm ngành và ngành đào tạo. Trong đó, ngành đào tạo là tập hợp các kiến thức, kỹ năng có liên quan đến một chuyên môn đặc thù nhất định; nhóm ngành là các ngành có những kiến thức nền tảng chung; còn lĩnh vực là tập hợp các nhóm ngành có kiến thức liên quan đến nhau.

Cũng theo Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, trong bối cảnh hiện nay, các em nên chọn ngành theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, không nên quá chú trọng đến tên của ngành, chương trình đào tạo. Yếu tố quan trọng nhất để chọn ngành vẫn là dựa trên đam mê, yêu thích của bản thân. Tuy nhiên, nếu ngành mình chọn có điểm chuẩn cao quá, không phù hợp với năng lực, thí sinh nên xem xét chọn ngành khác trong cùng nhóm ngành đào tạo.

Thu Hoài