Tuyệt đối không để người dân trong các khu phong tỏa thiếu thốn

Thứ ba, 10/08/2021 11:25

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng chiều 9-8, trước việc người dân trong các khu cách ly y tế, phong tỏa phản ánh công tác cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu còn chậm trễ, không đảm bảo chất lượng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các đơn vị, địa phương, đặc biệt là Q. Sơn Trà phải chủ động trong việc cung ứng hàng hóa cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu đói.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP chiều 9-8.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh, trong ngày 9-8, Đà Nẵng ghi nhận 60 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 51 F1 đã được cách ly, 9 trường hợp trong khu vực phong tỏa. Trong số 60 ca mắc mới, Sơn Trà vẫn đang là điểm nóng khi ghi nhận 46 trường hợp, tập trung ở một số địa phương như Mân Thái (10 trường hợp), Nại Hiên Đông (13 trường hợp), Thọ Quang (15 trường hợp), An Hải Bắc (7 trường hợp).

Chậm cung ứng hàng hóa

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, trong ngày 9-8, qua kiểm tra thực tế tại các điểm nóng trên địa bàn Q. Sơn Trà, người dân vẫn tiếp tục phản ánh thiếu nhu yếu phẩm, đặc biệt là rau sạch. “Có trường hợp người dân phản ánh đặt hàng rồi đợi 8 ngày mới được đáp ứng. Một số khu vực thì 4 đến 5 ngày nay không có rau sạch, hàng hóa đến thì không đảm bảo chất lượng”, ông Quảng nói.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà xác nhận, có chậm trễ trong việc cung ứng hàng hóa cho người dân trong các khu vực cách ly y tế, phong tỏa. Tuy nhiên, theo ông Nam, nguyên nhân là do các đơn vị cung ứng không đảm bảo năng lực. “Đơn vị cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn quận là công ty Vựa miền Trung năng lực yếu kém nhưng lại nhận đến 3 - 4 nghìn đơn hàng của người dân để rồi không thể đáp ứng hết. Hiện, quận đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị này. Để đáp ứng nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân những ngày tới, hiện quận cũng đã ký hợp đồng mới với 20 nhà cung ứng khác. Các đơn vị này cam kết có thể cung ứng 11 ngàn đơn hàng cho người dân/ ngày. Trong khi đó tổng cộng nhu cầu của người dân trong các khu phong tỏa trên địa bàn quận vào khoảng 8 ngàn đơn/ngày”, ông Nam giải thích.

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Quảng yêu cầu Q. Sơn Trà phải chủ động trong việc cung ứng hàng hóa cho người dân, tuyệt đối không để tình trạng người dân phản ánh thiếu đói tiếp tục diễn ra. Song song đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Sở Công thương lên kế hoạch triển khai ngay các điểm bán hàng lưu động cho người dân ở các quận/huyện khác ngoài khu vực phong tỏa. Hiện, trên địa bàn một số quận/huyện, nhiều chợ đã dừng hoạt động do liên quan đến các ca F0. Vì thế, Sở Công thương phải chủ công đưa hàng hóa đến cho người dân có nhu cầu, không để người dân đi đến các chợ ở địa bàn khác mua hàng làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của thành phố.

Trong ngày 10-8, Quảng Nam sẽ chuyển hơn 30 tấn hàng hóa ra hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng chống dịch. Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Công thương và Q. Sơn Trà phối hợp triển khai tiếp nhận và chuyển ngay xuống cho người dân trong các khu phong tỏa đang cần.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu các địa phương phải chủ động cung ứng hàng hóa cho người dân trong các khu phong tỏa, tuyệt đối không để người dân thiếu đói.

Nhiều ca bệnh tiến triển nặng

Liên quan đến công tác điều trị cho các ca F0, bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho hay, hiện các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân mắc COVID-19, tập trung chủ yếu ở bệnh viện dã chiến phía Tây tại Q. Liên Chiểu. Những ngày qua, số ca bệnh tiến triển nặng phải thở máy, lọc máu, thậm chí sử dụng ECMO đang tăng lên. Con số này chiếm đến 5% tổng số ca mắc COVID-19 đang được điều trị. Theo bà Yến, đây là tín hiệu đáng lo ngại, cho thấy biến thể virus Delta đang lây lan tại thành phố cũng như nhiều nơi khác là rất nguy hiểm. Người đứng đầu ngành y tế Đà Nẵng yêu cầu người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K của Bộ Y tế.

Hiện, con số bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố vẫn không ngừng tăng, thống kê đã lên đến hơn 1.200 bệnh nhân trong đợt dịch bùng phát từ tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, khi so sánh con số này với hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày ở tâm dịch TP Hồ Chí Minh, một số người dân vẫn chưa thấy hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên còn chủ quan, bất chấp các quy định phòng, chống dịch của thành phố để ra đường không cần thiết.

So với đợt dịch trước xuất hiện tại Đà Nẵng, đợt dịch này đang chứng minh mức độ lây lan nhanh và mạnh hơn rất nhiều nên Đà Nẵng mới áp dụng các biện pháp siết chặt, mạnh hơn Chỉ thị 16 của Chính phủ. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, quan điểm của thành phố là hạn chế thấp nhất chứ không phải tạo điều kiện cho người dân ra đường. Bởi thế, hơn lúc nào hết, người dân cần nâng cao ý thức, chung tay cùng thành phố dập dịch để sớm đưa cuộc sống bình thường trở lại.

PHI NÔNG