Ukraine đối mặt với một mùa đông khó khăn

Thứ bảy, 27/08/2022 16:30
Ukraine có nguy cơ phải đối mặt với mùa đông khó khăn nhất trong lịch sử hiện đại do thiếu khí đốt. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của châu Âu đối với Kiev khó có thể duy trì trong bối cảnh châu lục này bước vào một mùa đông ảm đạm với giá lương thực tăng, nguồn năng lượng có hạn để sưởi ấm và nguy cơ nhiều quốc gia chìm trong suy thoái.
Đường ống dẫn khí đốt tại trạm bơm khí đốt ở thị trấn Boyarka, Ukraine. Ảnh: AFP
Đường ống dẫn khí đốt tại trạm bơm khí đốt ở thị trấn Boyarka, Ukraine. Ảnh: AFP

Khó đạt mục tiêu dự trữ khí đốt

Mục tiêu của Chính phủ Ukraine là tích trữ đủ 19 tỷ m3 khí đốt tự nhiên trước mùa đông năm nay. Ở Ukraine, vào mùa đông, khí đốt tự nhiên chủ yếu được dùng để sưởi ấm. Việc đạt được mục tiêu của chính phủ là tích trữ đủ 19 tỷ m3 khí đốt có thể trấn an người dân nước này đang có nguy cơ đối mặt với một mùa đông khó khăn do thiếu năng lượng nghiêm trọng mà lại đang trong tình trạng xung đột. Tuy nhiên, Ukraine đã từ bỏ nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga từ năm 2015 và hiện mua khí đốt từ các nước còn lại của châu Âu, nhưng giá cả tăng vọt và chi phí quá lớn cho cuộc xung đột đã gây lo ngại về tính khả thi của việc thiết lập một lượng nhiên liệu dự trữ lớn như vậy.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko hôm 25-8 cho rằng ông tin có đủ nhiên liệu để vượt qua mùa đông tới. Tuy nhiên, ông vẫn nhận định mùa đông tới sẽ là mùa đông tồi tệ nhất mà Ukraine phải trải qua kể từ khi Liên Xô giải thể năm 1991. Thậm chí, ông còn cho rằng không chỉ Ukraine mà còn nhiều quốc gia châu Âu khác cũng phải đối mặt với những thách thức chưa từng thấy.

Người đứng đầu công ty năng lượng quốc gia Naftogaz của Ukraine, ông Yuriy Vitrenko, đầu tháng này cho biết nước này đã tích trữ được hơn 12 tỷ m3 khí đốt. Hiện chưa rõ Ukraine sẽ bổ sung 7 tỷ m3 khí đốt từ nguồn nào.

Mất đi sự hỗ trợ của châu Âu

6 tháng kể từ xung đột Nga-Ukraine, phản ứng của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng về cơ bản vẫn mạnh mẽ và thống nhất. Tuy nhiên, giới chức trên khắp châu Âu lo ngại rằng sự đồng thuận trên có thể tan rã khi châu lục này bước vào một mùa đông ảm đạm với giá lương thực tăng, nguồn năng lượng có hạn để sưởi ấm và nguy cơ nhiều quốc gia chìm trong suy thoái.

Cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào mùa đông là điều mà các giới chức châu Âu đang nhắc đến hàng ngày, khi Nga là nhà cung cấp đáp ứng 55% nhu cầu khí đốt của châu lục trong năm 2021. Các nước châu Âu cũng rất "khát" dầu thô của Nga, với một nửa sản lượng xuất khẩu dầu Nga có điểm đến là châu Âu. Khi mùa đông tới, luôn có nguy cơ rằng một số nước EU không còn giữ cam kết như ban đầu.

Giới chức châu Âu cũng lo ngại rằng chính sách cung cấp vũ khí cho Ukraine của phương Tây đang trở thành giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề dài hạn. Đó là một cuộc chiến không có hồi kết. "Ban đầu, phương Tây phản ứng quyết liệt hơn những gì Nga dự đoán. Nhiều nước châu Âu ủng hộ vũ khí và tiền bạc cho Ukraine", một quan chức NATO giấu tên nói với CNN. Nhưng hiện giờ, ngoài thách thức về kinh tế và chi phí quân sự, phương Tây đối mặt với sự mệt mỏi khi xung đột có dấu hiệu rơi vào bế tắc.

Dĩ nhiên, các quốc gia châu Âu không thể đơn giản là ngừng hỗ trợ Ukraine. Nhưng một số quốc gia có thể yêu cầu các kết quả cụ thể hơn nếu Ukraine muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ. Vài tháng tới sẽ là giai đoạn khó khăn nhất với nhiều quốc gia châu Âu kể từ khi cuộc xung đột nổ ra. Chi phí sinh hoạt ở nhiều nước châu Âu sẽ tăng vọt. Nhiều hộ gia đình sẽ phải lựa chọn giữa việc mua thực phẩm và chi tiền để sưởi ấm mỗi ngày. Trong bối cảnh đó, rất khó để một số nước châu Âu tiếp tục gửi tiền bạc, vũ khí hỗ trợ Ukraine.
Nhiều quan chức phương Tây cho rằng, đến một lúc nào đó trong mùa đông, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ quyết định cần thúc đẩy thỏa thuận hòa bình và cắt giảm sự hỗ trợ cho Ukraine.

Trong những tháng tới, nhiều quốc gia châu Âu sẽ đối mặt với giai đoạn biến động chính trị. Italia sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới, Mỹ trải qua bầu cử giữa kỳ còn Anh sắp bầu thủ tướng mới. "Khi các vấn đề đối nội trở thành chủ đề được quan tâm nhiều hơn, người dân ở nhiều nước châu Âu có thể sẽ đặt câu hỏi rằng vì sao lại hỗ trợ Ukraine thay vì đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng", bà Fallon nhận định.

Nhìn chung, trong những tháng mùa đông tới, đối với nhiều quốc gia châu Âu, đàm phán với Nga có thể không còn là điều bất khả thi, đặc biệt là đối với các nước không có chung đường biên giới với Nga.

AN BÌNH