Ukraine quyết tâm nhanh chóng gia nhập EU

Thứ bảy, 13/05/2023 06:31
Ukraine chính thức nộp đơn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) ngày 28-2-2022. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ mong muốn đẩy nhanh tiến trình gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau ở Kiev ngày 20-4. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau ở Kiev ngày 20-4. Ảnh: Reuters

Thông qua kế hoạch cải cách luật pháp

Ngày 11-5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo đã phê duyệt kế hoạch cải cách các hệ thống thực thi pháp luật và hình sự của nước này, yếu tố quan trọng trong kế hoạch của Kiev để nhanh chóng trở thành thành viên EU. Phía EU coi việc chấm dứt nạn tham nhũng tràn lan, nâng cấp hoạt động lập pháp và cải thiện hệ thống tư pháp là những điều kiện chính để Ukraine có thể gia nhập khối này.

Trong bài phát biểu qua video, ông Zelensky nêu rõ cần xây dựng một hệ thống đảm bảo công lý và pháp quyền tại Ukraine, phù hợp với mục tiêu của Kiev nhanh chóng gia nhập EU. Ông đánh giá niềm tin vào hệ thống hành pháp và tư pháp là nền tảng tạo dựng niềm tin của người dân vào chính phủ và những người làm việc trong bộ máy nhà nước. Ông Zelensky khẳng định những thay đổi này sẽ là một phần của khế ước xã hội mới sẽ đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Để được chấp nhận là một thành viên chính thức của EU, các luật và quy định của quốc gia ứng cử viên cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với các quy tắc của khối. Điều này dẫn tới việc các đơn xin gia nhập EU thường mất nhiều năm để xử lý và phê duyệt. Ông Zelensky bày tỏ mong muốn đẩy nhanh tiến trình, với các cuộc đàm phán về tư cách thành viên sẽ bắt đầu trong năm nay. Ông cho biết các nỗ lực để xây dựng nền tảng cho việc gia nhập sẽ được kéo dài đến hết năm 2027. Ngoài ra, ông Zelensky cũng thông báo Kiev đã điều chỉnh luật pháp và đưa ra các biện pháp nhằm củng cố vai trò của các cơ quan trọng điểm, như một động thái nhằm đảm bảo nguồn tài chính từ các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Các thành viên NATO đều ủng hộ Ukraine gia nhập khối

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post vào tuần trước tại trụ sở của NATO ở Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, tất cả các quốc gia thành viên đều ủng hộ Ukraine gia nhập khối, nhưng phải sau khi xung đột với Nga kết thúc.Tuy nhiên hiện ông Stoltenberg vẫn chưa biết thời gian cụ thể cũng như không có quyền quyết định thời điểm mà Kiev có thể trở thành một thành viên NATO.

Tháng trước, khi đến thăm Kiev, nhà lãnh đạo NATO cũng từng đưa ra tuyên bố tương tự. Vào thời điểm đó, ông Stoltenberg cam kết tiếp tục hỗ trợ để Kiev sớm gia nhập khối liên minh quân sự này. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có khung thời gian cụ thể cho việc gia nhập của Kiev. Ông Stoltenberg cũng đã công bố một chương trình hỗ trợ mới để đưa Ukraine trở thành thành viên NATO theo kế hoạch. Tuy nhiên, ý định của nhà lãnh đạo NATO sau đó đã vấp phải phản ứng từ Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ông Orban tỏ ra ngạc nhiên khi Hungary chưa được các đồng minh tham vấn về vấn đề này. Ông Stoltenberg cho biết, NATO đang giúp Kiev “chuyển đổi từ các vũ khí, học thuyết và tiêu chuẩn thời Liên Xô để có thể tương thích với các lực lượng NATO”, đồng thời cải cách và hiện đại hóa các thể chế quân sự và quốc phòng của nước này. Người đứng đầu NATO nhấn mạnh vấn đề cấp bách hiện nay là đảm bảo Ukraine có thể bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ bởi nếu Kiev không làm được điều đó, sẽ không có gì để đàm phán.

Theo ông Stoltenberg, NATO có 2 nhiệm vụ cơ bản trong cuộc xung đột giữa Moscow với Kiev. Thứ nhất là hỗ trợ Ukraine. Thứ hai là ngăn chặn leo thang dựa trên quan điểm rõ ràng rằng “NATO không tham gia vào cuộc xung đột”. Ông lập luận rằng việc triển khai 40.000 quân tới Đông Âu là nhằm mục đích tránh leo thang với Nga.

Cảnh báo của Nga

Về phần mình, giới chức Nga nhấn mạnh rằng Mỹ và các đồng minh NATO đã cam kết sẽ không mở rộng khối này sang Đông Âu sau khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, kể từ đó, NATO đã kết nạp thêm 15 thành viên mới, tất cả đều là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ hoặc các quốc gia tham gia Hiệp ước Warsaw.

Mới đây, hôm 21-4, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra cảnh báo về thông báo “nguy hiểm” của NATO liên quan đến việc Ukraine gia nhập liên minh. “NATO đang tự đặt ra mục tiêu đánh bại Nga ở Ukraine và để tạo động lực cho Kiev, liên minh này cam kết rằng sau khi xung đột kết thúc, Ukraine có thể được chấp nhận để tham gia vào liên minh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói. Điện Kremlin hôm 20-4 nhắc lại rằng việc ngăn Kiev gia nhập NATO là một trong những mục tiêu then chốt của nước này. "Những tuyên bố như vậy thật thiển cận và vô cùng nguy hiểm. Điều đó có thể dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của hệ thống an ninh châu Âu", bà Zakharova cảnh báo.

AN BÌNH