Ukraine rút quân khỏi "chảo lửa" Severodonetsk

Thứ bảy, 25/06/2022 13:37
Ngày 24-6, các phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin binh sĩ Ukraine đã được lệnh rút khỏi thành phố chiến lược Severodonetsk khi cuộc xung đột hiện nay giữa nước này và Nga bước sang tháng thứ 4.
Binh sĩ Ukraine điều khiển xe tăng trên đường phố tỉnh Luhansk hôm 23-6. Ảnh: AFP
Binh sĩ Ukraine điều khiển xe tăng trên đường phố tỉnh Luhansk hôm 23-6. Ảnh: AFP

Cố thủ không còn ý nghĩa

BBC dẫn lời Thống đốc khu vực Luhansk, miền đông Ukraine, ông Serhiy Gaidai, ngày 24-6 cho biết các lực lượng Ukraine sẽ rút khỏi "chảo lửa" Severodonetsk, nơi quân đội Nga đang dần chiếm ưu thế trong vài tuần trở lại đây. Trên trang mạng cá nhân, ông Serhiy Gaidai viết: "Các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ phải rút lui khỏi Severodonetsk. Việc cố thủ tại những vị trí bị tan vỡ từng mảnh suốt nhiều tháng qua không còn ý nghĩa gì. Số binh sĩ thương vong ngày càng tăng". Ông cho biết, các binh sĩ Ukraine trong thành phố "đã nhận được lệnh di chuyển đến các vị trí mới" nhưng không nêu rõ họ đã rời đi hay chưa và sẽ đi tới đâu.

Severodonetsk là thành phố lớn cuối cùng của khu vực Luhansk mà các lực lượng Ukraine vẫn còn kiểm soát một phần trong thời gian gần đây. Theo Thống đốc Gaidai, binh sĩ Ukraine đã đẩy lùi các đợt tấn công của quân đội Nga ở ngoại ô thành phố Lysychansk, song đã để mất quyền kiểm soát ngôi làng Mykolaivka, nơi án ngữ gần tuyến đường huyết mạch tới Lysychansk. Ông Gaidai không nói rõ các lực lượng Ukraine sẽ rút ngay lập tức khỏi Severodonetsk hay khi nào hoạt động đó sẽ diễn ra.

Trong khi đó, Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 23-6 dẫn một nguồn tin thân cận với lực lượng dân quân của Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng ở miền Đông Ukraine cho biết, các binh sĩ thuộc tiểu đoàn Aidar của Ukraine đang ẩn náu bên trong nhà máy Azot ở thành phố Severodonetsk đã ra tín hiệu sẵn sàng đầu hàng nếu lệnh ngừng bắn và sự an toàn của dân thường được đảm bảo. "Các binh sĩ Aidar ẩn náu bên trong nhà máy Azot đã bày tỏ sự sẵn sàng ngừng kháng cự và đầu hàng. Họ yêu cầu ngừng bắn và đưa dân thường ra khỏi khu công nghiệp này một cách an toàn. Sau đó, họ sẵn sàng hạ vũ khí và đầu hàng", nguồn tin cho biết.

Để mất khu vực chiến lược quan trọng

Trong giai đoạn hai của chiến dịch quân sự đặc biệt, quân đội Nga đã tập trung lực lượng nhằm cố gắng giành quyền kiểm soát hoàn toàn Luhansk và Donetsk, hai tỉnh hợp thành khu vực Donbass. Theo AP, việc để mất Severodonetsk đồng nghĩa với việc Ukraine đã mất quyền kiểm soát gần như toàn bộ khu vực Donbass.

Tổng thống Volodymyr Zelensky trước đó từng nhận định trận chiến tại Severodonetsk rất khốc liệt và khó khăn. Đây có thể là trận đánh quyết liệt nhất trong toàn bộ tiến trình cuộc chiến ở Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Ukraine, số phận của vùng Donbass có thể sẽ được quyết định bởi cục diện chiến trường tại Severodonetsk.

Severodonetsk quan trọng với Ukraine và Nga trên một số khía cạnh. Về kinh tế, đây là trung tâm công nghiệp hóa chất của Ukraine. Trước chiến tranh, thành phố này có quy mô dân số vào khoảng 100.000 dân. Về phương diện quân sự, cùng với Lysychansk, Severodonetsk có tầm quan trọng chiến lược, vì hai thành phố này có các tuyến giao thông kết nối với các khu vực khác của Ukraine. Nổi bật là tuyến đường cao tốc nối Lysychansk với Bakhmut ở khu vực Donetsk. Nó được quân đội Ukraine sử dụng làm tuyến đường tiếp tế, đồng thời cũng là tuyến đường sơ tán dân thường để tránh các vụ pháo kích nguy hiểm.

Việc giành quyền kiểm soát Severodonetsk và Lysychansk sẽ cho phép quân đội Nga tiếp cận biên giới hành chính của khu vực. Từ đây, quân đội Nga có thể tiến xa hơn về phía Tây tới Kramatorsk, một trung tâm hành chính khác ở vùng Donetsk. Kramatorsk là một trong những thành phố công nghiệp lớn cuối cùng tại Donetsk hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Kiev.

AN BÌNH

Ukraine đệ đơn kiện Nga lên Tòa án Nhân quyền châu Âu

Bộ trưởng Tư pháp Ukraine Denis Malyuska cho biết, nước này vừa đệ đơn kiện Nga lên Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Đây là vụ kiện mới và Ukraine yêu cầu Nga rút quân và bồi thường tài chính; cùng với cáo buộc chính phủ Nga vi phạm Công ước châu Âu về nhân quyền. Vụ kiện được áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24-2 đến ngày 7-4 - thời điểm quân đội Nga rút khỏi khu vực ngoại ô thủ đô Kiev. Hiện chưa rõ Tòa án Nhân quyền châu Âu tiếp nhận vụ kiện như thế nào; song trước đó vào ngày 11-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành dự luật không tuân thủ các quyết định của Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Nga.