Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính

Thứ sáu, 18/07/2014 08:02

(Cadn.com.vn) - 2 năm 2012-2013, Q. Liên Chiểu được UBND TP Đà Nẵng đánh giá là đơn vị dẫn đầu khối các quận, huyện về công tác cải cách hành chính (CCHC). Thành công ấy có đóng góp không nhỏ vai trò của phần mềm một cửa hiện đại, của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Trên đà thành công này, chiều nay (18-7), Q. Liên Chiểu phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP tổ chức khai trương thí điểm mô hình quận, phường điện tử. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Ông Văn Dũng - Chánh Văn phòng UBND Q. Liên Chiểu - xung quanh việc ra đời mô hình thí điểm này.

Ông Ông Văn Dũng 

P.V: Mặc dù 2 năm liền xếp hạng nhất về công tác CCHC, nhưng tại hội nghị sơ kết về công tác CCHC 6 tháng 2014 vừa qua, UBND Q. Liên Chiểu đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Việc thẳng thắn, “bắt đúng bệnh” đó đã thể hiện được tinh thần cầu thị nhằm ngày càng hoàn thiện hơn công tác CCHC để phục vụ dân tốt hơn. “Bắt đúng bệnh” rồi, vậy giải pháp tiếp theo là gì, thưa ông?

Ông Ông Văn Dũng: Trong quá trình thực hiện CCHC, Q.Liên Chiểu nhận thấy vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục đó là: Tình trạng trễ hẹn hồ sơ trên phần mềm vẫn còn xảy ra; thỉnh thoảng, thái độ cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) trong ứng xử với dân chưa được tế nhị; một bộ phận nhỏ CBCCVC chưa thực hiện nghiêm quy chế, nội quy cơ quan như đi trễ, về sớm, sử dụng thời gian làm việc không hiệu quả; việc khảo sát mức độ hài lòng của người dân qua phần mềm trực tuyến 6 tháng qua chưa cao...

Để công tác CCHC ngày càng tốt hơn nữa, đối với CBCCVC tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 29 trong việc quán triệt, giáo dục đạo đức, kỹ năng chuyên môn; kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên việc thi hành công vụ, thái độ tác phong của CBCCVC.

Ngoài CBCC trực tiếp làm việc với dân ở bộ phận 1 cửa thì CBCC liên quan đến công tác tác nghiệp hồ sơ cũng phải không ngừng nâng cao trách nhiệm, thái độ đối với kết quả giải quyết công việc theo hướng đúng thời gian, hạn chế sai sót, trả hồ sơ kịp thời cho người dân. Về mức độ hài lòng của dân, chúng tôi rất mong người dân cứ mạnh dạn đánh giá. Chúng tôi không né tránh, không ngại vấn đề này, chỉ yêu cầu người dân đánh giá khách quan.

Có một thực tế, người dân không hài lòng ở 2 khía cạnh: Thủ tục hành chính, thái độ CBCC. Cho nên trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính, thấy còn rườm rà, rắc rối gây phiền hà cho dân thì tiếp tục kiến nghị các cấp để giảm bớt. Tiếp tục thực hiện “3 hơn” trong phong trào thanh niên đó là: hợp lý hơn, thân thiện hơn, nhanh hơn... Đó là một số giải pháp căn cơ để công tác CCHC ngày càng tốt hơn.

P.V: Trong quá trình CCHC, phải nói rằng, CNTT đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, thực tế không phải người dân Liên Chiểu nào cũng có điều kiện tiếp xúc và sử dụng thành thạo CNTT. Sự ra đời của mô hình quận, phường điện tử liệu có gặp trở ngại?

Ông Ông Văn Dũng: CCHC hiện đại là dựa trên nền tảng của việc sử dụng CNTT. Việc xây dựng chính quyền điện tử nói chung, hay hệ thống quận, huyện điện tử là một trong những yêu cầu của hiện tại và tương lai. Theo đó, hiện tại, sự ra đời của quận, huyện điện tử có 2 vấn đề quan trọng đó là: xây dựng phần mềm xử lý hồ sơ chuyên môn bằng điện tử. Đây là phần dành cho CBCCVC.

Tức là toàn bộ quy trình tác nghiệp, hồ sơ của dân được thông qua hệ thống điện tử để tiếp nhận, luân chuyển, trả hồ sơ. Hệ thống quận/phường điện tử cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 77/136 thủ tục hành chính cấp quận, 64/93 thủ tục hành chính cấp phường, để sẵn lộ trình này dành cho những người có điều kiện sử dụng CNTT.

Tất nhiên, không thể đòi hỏi ngay cùng một lúc người dân có thể thực hiện thành thạo CNTT, mà trong quá trình nâng cao dân trí và tiếp cận dịch vụ hành chính cộng với sự tuyên truyền, hỗ trợ của chính quyền tại phường, quận, người dân tập quen dần với dịch vụ công trực tuyến.

Phần mềm đã xây dựng sẵn chương trình này để chờ dân, chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân tham gia dịch vụ này. Bởi lẽ, trình độ mặt bằng dân trí nói chung, người dân tham gia dịch vụ công sẽ ngày càng đang được trẻ hóa nên có trình độ chuyên môn về CNTT hơn và sẽ tiếp cận nó ngày một nhiều hơn. Còn hiện tại, chính quyền phải hỗ trợ cho dân theo hướng khi người dân đến phường, quận để liên hệ giao dịch sẽ có lực lượng hướng dẫn, có cán bộ “cầm tay, chỉ việc” giúp dân làm quen với mô hình này...

Hiện nay, quan trọng nhất vẫn là ứng dụng CNTT trong tác nghiệp hồ sơ của cán bộ công chức cho dân. Giai đoạn tiếp theo tiếp tục hướng dẫn cho dân tham gia các dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến... Xin được nói rõ thêm, ngoài nhiệm vụ công trực tuyến, phần mềm một cửa điện tử đang sử dụng hiện nay bằng phần mềm mới, nhiều ứng dụng... Hiện đại hơn, phần mềm này kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư do Sở Thông tin - Truyền thông tích hợp, sử dụng cơ sở dữ liệu phục vụ tác nghiệp thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính cho tổ chức công dân, đồng thời qua tác nghiệp, sẽ bổ sung thông tin công dân, tổ chức vào cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất của TP...

Mô hình một cửa điện tử tại Q. Liên Chiểu góp phần nâng cao chất lượng phục vụ dân trong CCHC. Ảnh: P.T

P.V: Trang thiết bị, phần mềm hỗ trợ tác nghiệp có hiện đại đến đâu đi nữa thì con người vẫn là yếu tố quyết định đến sự thành bại của mọi vấn đề. Có một thực tế, không phải CBCCVC nào cũng sử dụng CNTT thành thạo. Vậy yêu cầu của Q.Liên Chiểu đối với CBCCVC như thế nào để đáp ứng được với yêu cầu của chính quyền điện tử?

Ông Ông Văn Dũng: Là quận đầu tiên của thành phố thí điểm mô hình chính quyền quận, phường điện tử, thái độ chung là rất quyết tâm thực hiện với mục tiêu thành công, hiệu quả thực sự cao nhất. Chúng tôi yêu cầu CBCC phải có ý thức sử dụng phần mềm, vừa sử dụng hồ sơ bằng giấy vừa tác nghiệp, sử dụng hồ sơ trên môi trường điện tử để giải quyết hồ sơ cho dân, dần dần hướng đến scan thông tin điện tử hồ sơ... Hiện nay, đội ngũ CBCC sử dụng, ứng dụng CNTT trên địa bàn quận khá tốt, bởi phần lớn đều trẻ, có cơ hội và điều kiện tiếp xúc CNTT từ rất sớm nên sử dụng rất thành thạo.

Mặt khác, CBCCVC được tập huấn, kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế cũng có một số ít lãnh đạo phòng ban vì bận nhiều công việc, họp hành nên có ít thời gian tác nghiệp, dẫn đến việc chưa rành trong môi trường mạng. Về vấn đề này, Q.Liên Chiểu cũng có những giải pháp căn cơ. Theo đó, những CBCCVC nào không sử dụng thành thạo CNTT thì không tham gia trong lĩnh vực CCHC. Bên cạnh đó, quận cũng có biện pháp để hồ sơ không tồn đọng dưới bất kỳ hình thức nào...

P.V: Xin cảm ơn ông!

P.Thủy
(thực hiện)