Ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường, trong dạy học: Có làm giáo viên lười?

Thứ hai, 12/01/2015 11:34

(Cadn.com.vn) - Đầu năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT có chỉ thị quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trong nhà trường, trong giảng dạy, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, đội ngũ giáo viên sử dụng thành thạo các trang thiết bị dạy học như máy vi tính, PowerPoint, khai thác hiệu quả mạng internet phục vụ giảng dạy.

Cùng với phát triển, bùng nổ mạnh mẽ của cả nước về CNTT, internet, nhiều năm qua, ngành giáo dục, các đơn vị trường học đã có bước chuyển biến đáng kể về lĩnh vực trên, từ số lượng đến chất lượng, từ thiết bị đến con người. Có thể nói, đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục, kể cả vùng sâu, vùng xa đã được "phủ sóng" máy tính, internet, nhiều cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên từ chỗ "mù" tin học, internet nay đã biết và vận dụng tương đối thành thạo cách thao tác, kỹ năng cơ bản. Công việc văn thư, quản lý điểm... qua máy tính, qua mạng trở nên hiệu quả, gọn gàng, nhẹ nhàng,  giảm được hao tốn về thời gian, công sức, tiền bạc không hề nhỏ cho nhà trường, Nhà nước. Đồng thời, cũng góp phần  củng cố, nâng cao kiến thức chuyên môn, hiểu biết cho nhiều giáo viên  khi thường xuyên nối kết, cập nhật, học hỏi, chọn lọc từ kênh mạng.

Cô Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Kiệt huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho biết: "Trường tôi thuộc diện vùng sâu, vùng xa nhất, cách trung tâm tỉnh lỵ đến 70 cây số, được sự quan tâm, đầu tư lớn của Nhà nước, địa phương nên về cơ sở vật chất, phòng học, trong đó có phần CNTT cũng tương đối đầy đủ. Nhiều năm nay, máy tính, internet trở thành những "người bạn" vô cùng thân thiết, hữu ích đã hỗ trợ đắc lực, giải quyết kịp thời, nhanh chóng một khối lượng công việc, văn bản giấy tờ hằng ngày. Bây giờ, nếu không có nó, nhà trường, nhân viên, thầy cô giáo chúng tôi làm không xuể. Nó làm cho giáo viên miền núi "gần" đồng bằng, thành thị hơn".

Các bài giảng của giáo viên trở nên sinh động, trực quan nhờ việc trang bị máy chiếu trong phòng học.

Đáng mừng, đội ngũ thầy cô giáo trẻ tiếp cận và vận dụng khá tốt CNTT vào giảng dạy, còn những giáo viên lớn tuổi thì chịu khó mày mò, tập tành làm quen máy tính, mạng internet để phù hợp với yêu cầu mới của nghề nghiệp. Nhờ có  CNTT hỗ trợ, quá trình dạy-học của thầy và trò có nhiều tiện ích và khởi sắc:  tiết kiệm được thời gian, chuyển tải được nhiều điều cần thể hiện hơn, bài học trở nên sinh động, hấp dẫn, trực quan hơn với học sinh... Tuy nhiên, nhiều trường, nhiều giáo viên còn lạm dụng, phụ thuộc, ôm đồm quá nhiều vào CNTT, giáo án điện tử, biến giờ dạy thành nhìn- chép, thay cho đọc- chép như trước đây, dẫn đến chất lượng giáo dục vẫn "dậm chân tại chỗ".

Thầy Nguyễn Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) nêu kinh nghiệm: "Thầy cô giáo không chỉ biết soạn giáo án điện tử mà còn biết vận dụng nó trên lớp sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Theo tôi, CNTT chỉ mang tính chất hỗ trợ một phần nào đó trong bài dạy thôi chứ không thể làm thay hết vị trí, vai trò của người thầy được. Tức là ứng dụng CNTT cũng cần có sự chọn lọc. Điều đó phụ thuộc nhiều đến khả năng linh hoạt, uyển chuyển, sáng tạo của người thầy. Ví dụ như môn văn, dạy các tác phẩm văn học, mà toàn dùng giáo án điện tử cứ bấm tới hết mục này đến phần kia thì có hỏng hết, còn đâu là giờ cảm thụ văn học nữa".

Nhiều năm nay, Bộ GD- ĐT, các Sở, Phòng Giáo dục có yêu cầu, qui định tất cả giờ thao giảng, hội giảng, hội thi dạy giỏi của giáo viên đều phải có sử dụng  CNTT. Mặt khác, khuyến khích và cho phép tất cả thầy cô giáo được soạn giảng giáo án bằng vi tính. Soạn giáo án vi tính có nhiều cái được: trình bày sạch, đẹp hơn, soạn năm trước rồi, năm sau chỉ cần điều chỉnh, sửa chỉnh gì đó là được, đỡ tốn thời gian ngồi phải chép tay như trước.

Soạn tay, nét chữ của ai biết ngay. Soạn bằng vi tính, copy giáo án lẫn nhau, thì đố ai biết được. Đã khá phổ biến tình trạng giáo viên copy giáo án của đồng nghiệp, trên mạng, sửa chữa sơ sơ gì đó, biến thành cái của mình , để "chữa cháy" đối phó khi tổ, nhà trường, cấp trên  kiểm tra, đánh giá hồ sơ cá nhân, thậm chí để dạy trên lớp. Các nhà trường, thầy cô giáo bây giờ cũng không đặt nặng chuyện giáo án như thế nào, nguồn gốc ở đâu, mà cái quan trọng là chất lượng, hiệu quả giờ dạy trên lớp của anh, chị ra sao thôi. Quan điểm và cách xử lí như vậy có phần thoáng, đỡ cho giáo viên về khâu thủ tục, hành chính. Song nhà trường, tổ chuyên môn đâu phải ngày nào cũng có thời gian đi dự giờ giáo viên để mà biết anh, chị dạy thế nào trên lớp. Làm thế, phải chăng, nhà trường "tiếp tay" cho giáo viên vốn lười biếng lại thêm lười biếng, không có thói quen soạn, chuẩn bị bài ở nhà nữa?

Mà không tự soạn, không chuẩn bị bài kỹ thì làm sao dạy cho tốt được? Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Phương Lan, giáo viên ngữ văn Trường THPT Chư Sê (Gia Lai) chia sẻ: "Soạn giáo án vi tính là một chủ trương đúng. Nó mang lại nhiều tiện lợi cho những giáo viên có ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp cao. Nhưng nó cũng có chỗ hở để cho giáo viên yếu và lười dễ tận dụng, khai thác triệt để. Vấn đề ở chỗ là nhà trường, các tổ chuyên môn phải có biện pháp điều chỉnh, ngăn chặn những lệch lạc đó theo hướng tích cực, tăng cường dự giờ đột xuất... Với chúng tôi, giáo án phải là của mình, do mình soạn ra mới dạy được. Còn toàn cóp nhặt, lấy hết của thiên hạ mà đem dạy thì gặp khó khăn, lúng túng là cái chắc".

 Nói cho cùng, chất lượng, hiệu quả giáo dục, được quyết định chính bởi năng lực, trách nhiệm, tâm huyết và cách làm của thầy, cô giáo, nhà trường. Có CNTT, được soạn giáo án vi tính... nhiều tiện ích đến thế, chẳng lẽ giáo viên dạy học thời nay không tốt lên hay sao?

Đỗ Tấn Ngọc