Ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân nặng
Ngày 14-12, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng phối hợp với Hội Hồi sức cấp cứu - chống độc (HSCC-CĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học HSCC-CĐ khu vực miền Trung năm 2018 với chủ đề “Ứng dụng kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân nặng trong kỉ nguyên đề kháng kháng sinh”. Tại hội nghị, Phân hội HSCC-CĐ miền Trung ra mắt, Ban Chấp hành lâm thời nhiệm kỳ 2018-2010 gồm 27 thành viên, do Ts.Bs Lê Đức Nhân – Giám đốc BV Đà Nẵng làm Chủ tịch.
Ban Chấp hành Phân hội HSCC-CĐ miền Trung ra mắt tại hội nghị. |
CỨU SỐNG NHIỀU BỆNH NHÂN NẶNG
Theo Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, chuyên ngành HSCC-CĐ ngày càng có những bước tiến rất lớn và có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực y tế. Ngành y tế TP Đà Nẵng đã tạo ra được một đội ngũ y bác sỹ nhiệt tình, tận tâm, có kiến thức vững vàng và đặc biệt đã áp dụng được rất nhiều những tiến bộ, kỹ thuật mới vào trong điều trị. Nhờ đó, những người thầy thuốc công tác tại lĩnh vực HSCC-CĐ trên địa bàn thành phố đã điều trị thành công hàng ngàn ca bệnh khó, “thập tử nhất sinh” hoặc mắc phải một lúc nhiều bệnh lý nặng tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên tạo sự tin tưởng cho người nhà bệnh nhân và là nơi bệnh nhân gửi gắm niềm tin…
Gần đây nhất, Khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc (BV Đà Nẵng) đã kịp thời cứu sống nam bệnh nhân bị ngừng tim hơn 1 giờ bằng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Bệnh nhân T.H.V (36 tuổi, trú Quảng Ngãi) được chuyển ra BV Đà Nẵng trong tình trạng hoại tử ruột, suy hô hấp do nhiễm trùng nặng. Trước đó, bệnh nhân V. được một BV ở Quảng Ngãi phẫu thuật điều trị tiêu hóa nhưng gặp “sự cố” nên chuyển ra BV Đà Nẵng để điều trị. Chỉ sau 12 giờ nhập viện, bệnh nhân V. đã bị suy hô hấp cấp độ 2, các động mạch phổi bị tắc dẫn đến suy tuần hoàn và ngưng tim. Do biểu hiện của bệnh nhân sau khi đã phẫu thuật tiêu hóa nên rất khó chẩn đoán. Các bác sĩ nghi bệnh nhân bị tắc động mạch phổi cấp và các nhánh nhỏ cũng bị bít. Bệnh nhân tiếp tục có biểu hiện suy tuần hoàn và ngưng tim 1 giờ đồng hồ. Nhiều ê kíp bác sĩ của các chuyên khoa đã nhanh chóng vừa tiến hành nhồi tim, vừa khởi động ECMO - một kỹ thuật cao cấp, tiến bộ của y học thế giới với chức năng thay thế cho hoạt động tim, phổi, tổ chức lọc, oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể. Sau 10 ngày áp dụng kỹ thuật ECMO khôi phục lại hoạt động của hệ tuần hoàn và hô hấp, bệnh nhân V. đã hoàn toàn khỏe mạnh và được các bác sĩ cho xuất viện về nhà nghỉ dưỡng…
Dịp này, bệnh nhân P.T.Z (42 tuổi, trú TP Đà Nẵng) cũng được đưa vào BV Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng “phổi câm”, hệ hô hấp không hoạt động. Mặc dù được các bác sĩ cho thở máy hỗ trợ hô hấp nhưng không đáp ứng được nhu cầu khiến bệnh nhân bị suy hô hấp dẫn đến suy tuần hoàn. Sau 4 ngày điều trị bằng phương pháp ECMO, bệnh nhân D. đã hoàn toàn khỏe mạnh, xuất viện…Ts.Bs Lê Đức Nhân cho biết, ECMO là phương pháp điều trị cuối cùng, được áp dụng cho những bệnh nhân có khả năng sống sót rất thấp. Kỹ thuật ECMO hiện ngoài Hà Nội và TPHCM thì Đà Nẵng là trung tâm thứ 3 của cả nước được triển khai từ năm 2015 cứu sống rất nhiều người. Đây là một kỹ thuật cao của y tế. Sau khi thực hiện thành công 2 ca trên, BV Đà Nẵng được đánh giá là một trong 675 trung tâm ECMO của thế giới. Trước đó không lâu, các y bác sỹ Khoa HSTC-CĐ (BV Đà Nẵng) đã cứu sống thành công bệnh nhân L.T.T. (42 tuổi, trú Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bị nhồi máu cơ tim cấp vùng trước rộng trong tình trạng hôn mê sâu, không có huyết áp, suy hô hấp nặng, ngừng tim, ngừng thở. Cùng lúc này, Khoa HSTC-CĐ cũng đã tiến hành hồi sức tích cực và cứu sống bệnh nhân Trần Đại Th. (46 tuổi, trú Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị nhồi máu cơ tim ở vùng sau dưới, tắc ba thân động mạch vành, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, Khoa HSTC-CĐ còn cấp cứu thành công cho một bệnh nhân L.T.N. (19 tuổi, quê Nghệ An, sinh viên đang học ở Đà Nẵng) bị viêm cơ tim cấp, suy đa tạng (suy gan, suy thận, suy tim) nguy hiểm đến tính mạng…
Y bác sỹ Khoa HSTC-CĐ BV Đà Nẵng tích cực cứu chữa bệnh nhân ngừng tim. |
CẬP NHẬT NHỮNG KIẾN THỨC MỚI NHẤT
Ts.Bs Lê Đức Nhân – Phó Chủ tịch Hội HSCC-CĐ Việt Nam, Giám đốc BV Đà Nẵng cho rằng, dù còn non trẻ so với bề dày truyền thống và lịch sử ngành y học nhưng chuyên ngành HSCC-CĐ đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc hồi phục và hỗ trợ các chức năng sống cho các bệnh nhân nặng. Các kỹ thuật HSCC – CĐ tiên tiến trên thế giới đã được người thầy thuốc áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng cũng như góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền y học Việt Nam và hội nhập quốc tế.
Theo Ts.Bs Lê Đức Nhân, Hội nghị HSCC-CĐ khu vực miền Trung năm 2018 và việc ra mắt Phân hội HSCC-CĐ khu vực miền Trung là bước tiến rất lớn trong quá trình hội nhập với 2 đầu đất nước. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của chuyên ngành HSCC-CĐ tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung. Hội nghị còn là dịp để các thầy thuốc chuyên ngành trong lĩnh vực HSCC-CĐ trong khu vực miền Trung có cơ hội gắn kết và thể hiện ý chí, quyết tâm đề ra mục tiêu, giải pháp trong việc xây dựng và phát triển nhằm giúp Hội HSCC-CĐ khu vực miền Trung ngày càng phát triển mạnh. “Hội nghị lần này tập trung vào những chủ đề thiết thực và cập nhật, trong đó có những vấn đề mà chuyên ngành HSCC-CĐ khu vực miền Trung mong muốn phát triển. Do đó, chúng tôi mời các báo cáo viên đầu ngành HSCC-CĐ với những báo cáo, đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, cập nhật những thông tin mới, kỹ thuật mới để các đồng nghiệp tiếp cận các thành tựu y học tiên tiến của thế giới và Việt Nam hiện nay”, Ts.Bs Lê Đức Nhân khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh: “Với sự nhiệt tình tham gia và sự am hiểu sâu sắc của các chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành HSCC-CĐ trong cả nước và hơn 300 hội viên khu vực miền Trung, hội nghị sẽ là cơ hội để xem xét nhiều vấn đề của chuyên ngành HSCC-CĐ. Những báo cáo và kết quả thu được từ hội nghị này sẽ góp phần mở rộng tầm nhìn, đem lại nguồn thông tin quý giá giúp đẩy mạnh các hoạt động tăng cường hợp tác giữa các trung tâm của khu vực miền Trung và Việt Nam. Sự hợp tác giữa các trung tâm HSCC-CĐ sẽ có tác động tích cực đến việc nâng cao hơn nữa chuyên ngành HSCC-CĐ trong bối cảnh đầy thử thách hiện nay”.
LÊ HÙNG