Ứng phó với bệnh bạch hầu: Đắk Lắk huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Những ngày qua, tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận nhiều ca bệnh mắc bạch hầu ở các địa phương, đặc biệt nhiều ca bệnh có yếu tố dịch tễ phức tạp, làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh ở cộng đồng. Diễn biến phức tạp và sự gia tăng nhanh số ca mắc bạch hầu đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải chung tay hành động nhằm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. |
Thêm một huyện ở Kon Tum xuất hiện ca bạch hầu Ngày 17-7, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, trong 3 ngày từ 16 đến 18-7, tỉnh Kon Tum ghi nhận thêm 3 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu, nâng số ca mắc của toàn tỉnh lên 23 trường hợp. Trong đó có 13 ca bệnh và 10 trường hợp người lành mang trùng. Đáng chú ý, một trường hợp mới xuất hiện tại huyện Kon Rẫy – địa phương trước đây chưa từng có ca mắc bệnh. Theo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, hiện nay, cùng với cách ly, tích cực điều trị cho các trường hợp dương tính với bạch hầu, ngành y tế tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương tiếp tục duy trì khoanh vùng, cách ly, kiểm soát ổ dịch. |
Diễn biến phức tạp
Ngày 7-7, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu đầu tiên tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk. Những ngày tiếp theo, nhiều ca bệnh bạch hầu xuất hiện thêm tại các địa phương. Tính đến sáng 17-7, toàn tỉnh ghi nhận 17 ca bệnh tại các huyện MĐrắk, Cư Mgar, Cư Kuin, Krông Bông, Lắk.
Quá trình điều tra dịch tễ cho thấy, nhiều ca bệnh trước khi phát bệnh không đi đâu xa và không xác định được nguồn lây nhiễm. Nhiều ca bệnh có diễn biến dịch tễ phức tạp, sau khi khởi bệnh đã tiếp xúc với nhiều người, làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh trong cộng đồng. Theo thống kê, khoảng 50% số ca bệnh nhiều ngày liền không đi đâu xa và không tiếp xúc với người mắc bệnh. Đơn cử như trường hợp của bé Y K. K. (sinh năm 2016, ở buôn Bling, xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar), trước và trong thời gian bệnh khởi phát, cháu không đi đâu xa, không tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, xung quanh khu vực bé sinh sống không có trường hợp mắc bệnh tương tự.
Đặc biệt, sáng 16-7, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trường hợp anh L.H.N. (sinh năm 1976, trú thôn 13, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) dương tính với bệnh bạch hầu. Trước khi bệnh khởi phát, anh N. không đi đâu xa và cũng không tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Điều đáng nói, trong những ngày khởi bệnh chưa đi khám tại cơ sở y tế, do không biết bản thân mắc bệnh truyền nhiễm, anh N. vẫn giao lưu, tiếp xúc với nhiều người trong thôn và còn tham gia tiệc tân gia tại một gia đình cùng thôn với khoảng 300 người có mặt.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi bệnh nhân N. có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu, ngành y tế khoanh vùng cách ly phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực thôn 13, xã Dray Bhăng; tổ chức cho người dân uống kháng sinh dự phòng và tiêm vaccine phòng bệnh; thành lập các chốt chặn kiểm soát người ra vào thôn để ngăn chặn tình trạng lây lan mầm bệnh ra bên ngoài. Tuy nhiên, việc bệnh nhân tiếp xúc với nhiều người trong quá trình mang bệnh là nguy cơ dẫn đến xuất hiện nhiều ca bệnh khác. Trong quá trình điều tra dịch tễ đối với bệnh nhân này, cán bộ y tế phát hiện một số người tiếp xúc với ca bệnh có dấu hiệu sốt, mệt mỏi và đau họng.
Chung tay đẩy lùi dịch bệnh
Ths, BS Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có tốc độ lây lan cao. Một biến chứng rất nguy hiểm của bạch hầu đó là vi khuẩn có thể sinh độc tố và gây viêm cơ tim dẫn đến tử vong. Do đó, để khống chế được dịch bệnh này một cách bền vững, về lâu dài, người dân phải bắt buộc tiêm chủng những loại vaccine có phòng bệnh bạch hầu.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La, ngay sau khi tại tỉnh xuất hiện các ca bệnh bạch hầu, ngành Y tế nhanh chóng tổ chức các đoàn công tác, hỗ trợ các địa phương khoanh vùng dập dịch. Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, ngành y tế khuyến cáo người dân tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cho người lớn và tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đúng thời gian, lộ trình cho trẻ nhỏ nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Khi phát hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 7-7 tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, ngành Y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cách ly buôn Diêo để cấp bách triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch. Theo chị HPha Jiê, ở buôn Diêo cho biết, sau khi được cán bộ y tế giải thích và tuyên truyền về biện pháp phòng bệnh, mọi người thấy yên tâm hơn. Đặc biệt, người dân trong buôn được uống thuốc kháng sinh dự phòng bệnh bạch hầu, trẻ em được tiêm vaccine nên rất yên tâm, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh của cán bộ y tế để đẩy lùi dịch bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo ngành y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bị bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
P.V