Ước vọng mới miền biên giới
(Cadn.com.vn) - Giữa bốn bề núi rừng thăm thẳm, thầy trò vùng cao biên giới tỉnh Quảng Nam đang hân hoan tiếp nhận những phòng học mới kiên cố với hệ thống thiết bị, đồ dùng dạy học đạt chuẩn. Ước mơ về những ngôi trường khang trang, hiện đại của con em học sinh vùng núi khó khăn nơi đây giờ đã thành hiện thực.
Ước mơ thành hiện thực
Ngắm nhìn lũ học trò đồng bào dân tộc Cơ Tu đang say sưa chơi đùa giữa sân trường, trước những dãy phòng học xây dựng kiên cố, thầy Nguyễn Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H. Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) không giấu nỗi xúc động: “Với thầy trò và người dân nơi đây, được dạy học trong ngôi trường mới đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng học tập thực sự là một giấc mơ. Công trình trường học mới này đã biến giấc mơ ấy thành hiện thực, chắp cánh cho con em học sinh vùng miền núi, đồng bào dân tộc trên hành trình kiếm tìm con chữ, tiếp thêm động lực để những cán bộ, giáo viên thêm yêu nghề, cố gắng vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ”.
Những ngôi trường mới ngày ngày mọc lên giữa núi rừng biên giới, như tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho thầy trò nỗ lực phấn đấu dạy - học. |
Đông Giang là huyện miền núi nghèo khó của tỉnh Quảng Nam với tỷ lệ hộ nghèo chiếm phần lớn; địa bàn sinh sống của người dân phân tán, cách xa nhau, lại bị núi đồi, khe suối chia cắt. Cơ sở vật chất trường lớp còn tạm bợ, việc học hành của con em đồng bào Cơ Tu cũng không được cha mẹ quan tâm thấu đáo. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy học, công tác nâng cao chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng cơ sở trường mới này sẽ là điểm tựa quan trọng để thầy trò nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học.
“Hiện nay, khu nhà nội trú 2 tầng dành cho học sinh nhà trường đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện. Công trình này thật sự có ý nghĩa thiết thực khi học sinh nhà trường là con em của nhiều địa phương khác nhau, có em ở địa bàn xa 60-70km, ở vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại còn rất khó khăn. Có nhà ở nội trú không chỉ giúp học sinh yên tâm học tập, mà còn giúp nhà trường ngăn chặn được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng – một vấn đề mà các trường học miền núi đang hết sức trăn trở hiện nay. Đây cũng là động lực, điều kiện để đội ngũ giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, quan tâm, hỗ trợ học sinh hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường”, thầy Ngọc chia sẻ.
Khu nhà ở nội trú dành cho học sinh Trường THPT Quang Trung (H. Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đang trong giai đoạn xây dựng. |
Trường học mới, sức sống mới
Trở lại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (huyện biên giới Nam Giang) vào đầu năm mới, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước thay đổi của ngôi trường này. Nhìn cảnh thầy trò sôi nổi dạy học trong những phòng học kiên cố, khang trang, còn thoảng mùi sơn, lòng chúng tôi khấp khởi mừng vui. Mới khoảng sáu năm trước, trường còn là một vùng đất trũng, mỗi mùa mưa bão đến, sân trường nước ngập lênh láng, các phòng học ẩm thấp, chật chội.
Theo cô Hiệu trưởng Đinh Thị Kim Thanh, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi thành lập vào tháng 6-2011, được xem là ngôi trường cấp 3 đầu tiên hình thành tại địa bàn vùng cao biên giới Nam Giang cho đến thời điểm hiện tại. Những năm đầu thành lập do điều kiện còn nhiều khó khăn, nhà trường phải mượn tạm cơ sở cũ của Trường Tiểu học liên xã Chà Vàl - Zuôih để làm chỗ giảng dạy, sinh hoạt. Trong khi đó, điều kiện làm việc, ăn ở, sinh hoạt của thầy và trò còn tạm bợ, thiếu thốn suốt một thời gian dài. Sau bao năm được chính quyền, cùng ngành GD-ĐT Quảng Nam quan tâm đầu tư, xây dựng, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi đã tạo dựng được một hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo tốt công tác dạy học, với 10 phòng học rộng rãi, cùng khu hiệu bộ hai tầng đầy đủ trang thiết bị, khu nội trú giáo viên và khu nội trú học sinh, đáp ứng nhu cầu dạy học tại vùng biên giới.
“Ngôi trường thực sự là niềm tự hào của không chỉ đồng bào vùng cao Nam Giang, mà còn là niềm tự hào chung của ngành giáo dục ở khu vực miền núi. Sau khi được đầu tư xây dựng mới, nhà trường đã từng bước trưởng thành hơn, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. Chúng tôi đặt niềm tin vào sự nỗ lực không mệt mỏi của thầy và trò nhà trường. Trong tương lai, hy vọng trường sẽ tạo được dấu ấn nhiều hơn về công tác giáo dục miền núi”, cô Thanh bày tỏ.
Đến với vùng cao tỉnh Quảng Nam hôm nay, chúng tôi luôn bắt gặp niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt của thầy, trò khi ngày ngày được giảng dạy, học tập trong những ngôi trường ngày một khang trang, hiện đại. Những ngôi trường mới đang tạo dựng nên một diện mạo mới cho giáo dục vùng khó, góp phần tạo động lực để thầy trò bám lớp, bám trường, nâng cao chất lượng giáo dục.
Khải Minh