Usuda ReiKo với Hội An

Thứ ba, 29/05/2018 16:25

Cô Usuda ReiKo, nguyên Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Nhật – Việt TP Kawasaki (Nhật Bản) đã có nhiều chuyến đi đến Việt Nam, trong đó có các tỉnh miền Trung– Tây Nguyên, đặc biệt là phố cổ Hội An. Cảm nhận trước vẻ đẹp cổ kính của từng góc phố, từng mái nhà rêu phong, trầm mặc là linh hồn là biểu tượng trong lòng Di sản..., Usuda ReiKo đã chọn Hội An làm quê hương thứ hai của mình.

Cô Usuda ReiKo trong quán U cà-phê Hội An thân thiện với môi trường...

Từ tấm lòng thiện nguyện...

Đầu năm 2009, cô Usuda ReiKo đến định cư tại nhà số 120 đường Huyền Trân Công Chúa, khối phố Thanh Nam, P.Cẩm Châu, TP Hội An (Quảng Nam). Để gắn bó với Hội An, cô còn có ý nguyện là được giúp đỡ, san sẻ yêu thương những cảnh đời thương tâm, bất hạnh... và mở quán cà-phê để trải nghiệm, ứng xử văn hóa thân thiện với môi trường, tổ chức các lớp đào tạo nghề, dạy ngôn ngữ cũng như các kỹ năng thao tác, ứng xử cho các trẻ em đường phố. ReiKo đã làm cầu nối cho Hội Hữu nghị Nhật – Việt, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội ở Nhật Bản. Những năm qua, ReiKo đã vận động  hỗ trợ hơn 10.000 chiếc xe đạp cùng các thiết bị văn phòng phẩm, giúp học sinh nghèo tại các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Cô còn thường xuyên lên thị trấn Prao (H.Đông Giang, Quảng Nam) để trao đổi, tìm hiểu, giao lưu, mua những sản phẩm dệt thổ cẩm Cơ Tu mang về quảng bá, khuyến khích mọi người sử dụng mặt hàng truyền thống của đồng bào miền núi. Đặc biệt, Dự án sản xuất xe đạp tre xuất khẩu mới lạ, độc đáo của anh Võ Tấn Tân (thôn 2, xã Cẩm Thanh, TP Hội An) cũng được ReiKo đứng ra tài trợ, làm cầu nối xuất khẩu sang Nhật Bản, Châu Âu...

Ngoài ra cô còn chia sẻ với trẻ em nghèo, khó khăn khu vực miền Trung bằng cách đào tạo, dạy nghề, dạy ngôn ngữ để các em có điều kiện hòa nhập cộng đồng.

“Tôi đã chọn phố cổ Hội An – Việt Nam, là quê hương thứ hai của mình và sẽ sống quãng đời còn lại tại nơi đây”-ReiKo trải lòng.

...đến quán cà-phê thân thiện

Những năm qua, ReiKo mở quán cà-phê với tên gọi U cà-phê Hội An tại nhà mình, làm nơi gặp gỡ, giao lưu với bạn bè trong và ngoài nước về công tác thiện nguyện. Quán được thiết kế 3 tầng mang dáng dấp độc đáo, đặc biệt bởi kiến trúc sư người Nhật Arika Yoshida với lối kiến trúc theo mô hình sinh thái mở, gần gũi với thiên nhiên. Điều độc đáo hơn cả là mái nhà được thiết kế như một bể nước lớn, đón nước mưa xuống để sử dụng, sau đó được đưa vào hầm xử lý để tái sử dụng nuôi cá, tưới cây, hoa quanh mặt hồ dưới sân nhà, tạo ra cảnh quan thư thái, xanh sạch đẹp bốn mùa.

 Cô ReiKo cho biết đã kết nối các nhóm sinh viên ở Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, các sinh viên Hội Hữu nghị Nhật – Việt hai thành phố Kawasaki–Đà Nẵng đi khảo sát dòng sông Hoài, lấy mẫu nước để đo các chỉ số để có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường.

SƠN TRÀ