Và người đi, đi mãi...

Thứ hai, 18/05/2015 11:05

(Cadn.com.vn) - Có người cho rằng chất hồn hậu, đằm thắm, đậm đà trong ca khúc của Thái Nghĩa phần nào hiển hiện cá tính dân dã, chân chất của người nghệ sĩ được sinh ra ở một làng quê bên dòng sông Thu Bồn. Có phải vì thế mà nỗi đau khôn nguôi trong chiến tranh ở vùng đất La Thọ, Điện Hòa quê anh cứ bật lên da diết trong mỗi thanh âm? Bài viết về ca khúc "Lời thề mùa đông", nhạc Thái Nghĩa, phỏng thơ Bùi Hoàng Tám của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh như một nén hương lòng tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa, người bạn của chúng ta đi mãi...

Nhạc sĩ Thái Nghĩa.

Trời nghiêng vai đầy mưa

Sầu đông tan mùa hoa

Mà người đi đi mãi...

Chiến tranh đi qua nhưng nỗi đau thì còn lại. Không ít những tác phẩm văn học nghệ thuật đã và sẽ mãi mãi viết về những mất mát đau thương ấy. Nỗi buồn chiến tranh luôn day dứt, ám ảnh nhiều thế hệ cầm bút. Hình tượng người lính trong chiến tranh được khắc họa phong phú trong ca khúc của nhiều nhạc sĩ. "Lời thề mùa đông" của Thái Nghĩa (lời phỏng thơ Bùi Hoàng Tám), là sáng tác mới về đề tài này. Nhạc sĩ Thái Nghĩa không xa lạ gì với công chúng yêu nhạc ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngoài  những ca khúc viết cho thiếu nhi như Điệu lý quê em, Mẹ cấy giữa mùa vui, Chim thơ rao hót,... những Tình khúc Thu Bồn, Thao thức với rừng, Cành Hoa, Dòng sông còn lại (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh), Cung trầm cung thương… với âm hưởng của các làn điệu dân ca ngọt ngào, đã để lại những ấn tượng đẹp cho người nghe. Sau Cảm tác vọng phu (1990) đến Lời thề mùa đông (1998) là sự nối tiếp về những số phận nghiệt ngã trong ca khúc của Thái Nghĩa. Vọng phu ngày xưa có khác gì nỗi mong chờ hôm qua và còn mãi mãi những bất hạnh lẻ loi dồn hết về phía người đàn bà trông chồng: "Bây giờ là mấy mùa đông-Anh tôi ra trận và không trở về - Bây giờ là mấy chiều quê - Chị tôi đã có lời thề mùa đông" .

Dường như có điều gì se thắt trong tâm hồn người nghệ sĩ về một chuyện tình buồn. Bây giờ là hiện tại nhưng lại để nói cái đã qua, là để nói cái bao giờ về sự ra đi không trở về của người lính, người chồng của "chị tôi". Người nghệ sĩ đã trở thành nhân chứng cho mối tình ấy. Đồng cảm, hồn nhiên thơ dại như một cậu bé trước nỗi đau và tình yêu cao cả của người thân mình, đó là độ sâu lắng suy tư, là cảm xúc ngập tràn của người nghệ sĩ trước bao nhiêu mất mát ở đời.

Mùa đông ơi mùa đông

Trời nghiêng vai đầy mưa

Sầu đông tan mùa hoa

Mà người đi đi mãi.

Một khổ thơ đẹp mà buồn. Cả đoạn đều thanh bằng. Khi đọc lên, làm cho người ta liên tưởng đến những lời thì thầm ẩn ức nhỏ nhẹ của người đàn bà hẩm hiu trong đêm đông với đất trời, là tiếng thở than trong đêm mưa não lòng của "chị tôi" về số phận mình. "Sầu đông tan mùa hoa, mà người đi đi mãi". Chỉ có mỗi chữ "mãi" là thanh trắc thì làm sao hát lên cho được. Thế mà khi hát lên nghe vẫn nao lòng, tưởng như có thể làm cho con người gần nhau hơn, tử tế hơn để sẻ chia với nỗi đau của số phận.

Một sự tĩnh lặng trong giai điệu nhưng lại lay động dữ dội tâm hồn người nghe. Nếu ở đoạn đầu Thái Nghĩa sử dụng chất liệu âm nhạc mang tính kể lể êm dịu, sâu lắng với âm hình tiết tấu bình ổn thì đoạn sau được phát triển trên nền kỹ thuật cung bậc tạo ra cao trào, diễn tả được nỗi đau ẩn sâu trong lòng người thiếu phụ, tạo cảm xúc mãnh liệt cho người nghe: "Mùa đông ơi mùa đông, chị tôi còn bên sông". Chị còn đứng chờ mong nơi bến cũ. Chị vẫn ngồi một mình với khúc vui buồn đêm đông dù người lính ấy không bao giờ về nữa.

Trời đừng mưa đừng mưa

Chị tôi đang lạnh lắm.

Tác giả cứ để tâm hồn mình ứa ra những cảm xúc trong sáng hồn nhiên, nếu gò bó khiên cưỡng sẽ hóa thành giả tạo. Cứ như một đứa em thương chị lỡ đò. Mà chính điều ấy mới là tố chất của nghệ sĩ. Đâu phải lúc nào bài hát cũng phải vui, cũng có hậu, mà cần có đạo, có tâm. Đó vừa là thái độ sống, vừa là trách nhiệm công dân nghệ sĩ trước cuộc đời này: đừng ai làm cho nỗi đau của chị, số phận những người đàn bà như chị trong "Lời thề mùa đông" thêm đau, thêm bất hạnh. Có phải vì thế mà những dòng cuối của bài hát, điệp khúc ấy cứ lắng sâu, lắng sâu: Mùa đông ơi mùa đông, Chị tôi còn bên sông. Trời đừng mưa, đừng mưa. Đừng lạnh thêm, lạnh thêm. Gieo sầu thêm nỗi chờ mong bạc đầu.

Bây giờ là mấy mùa đông, là bao nhiêu năm sau cuộc chiến tranh! Người lính ấy không bao giờ về nữa. Vẫn là chị đấy thôi nhưng đâu còn trẻ như ngày xưa. Đừng ai gieo thêm khổ đau lên số phận hẩm hiu của những người đàn bà bất hạnh trong chiến tranh. Có lẽ Thái Nghĩa và Bùi Hoàng Tám đã gửi được một thông điệp bằng thơ và giai điệu buồn đầy tính nhân văn đến với công chúng yêu nhạc qua ca khúc này của hai anh.

Nguyễn Ngọc Hạnh