Vaccine - giải pháp giảm gánh nặng do bệnh tay chân miệng gây ra

Thứ sáu, 20/12/2024 19:03

“Mặc dù là một căn bệnh nguy hiểm với hàng ngàn ca mắc mỗi năm và gây tử vong cho trẻ em, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có vaccine phòng bệnh này. Vaccine được xem là giải pháp căn cơ để giảm gánh nặng do bệnh tay chân miệng gây ra”. Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo "Chiến lược và giải pháp tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh tay chân miệng tại Việt Nam” do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 18-12.

Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh điều trị cho nhiều trẻ em mắc bệnh tay chân miệng (ảnh minh họa).
Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh điều trị cho nhiều trẻ em mắc bệnh tay chân miệng (ảnh minh họa).

Bệnh tay chân miệng là gánh nặng tại Việt Nam

PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhận định, tay chân miệng là bệnh có khả năng truyền nhiễm cao, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và vẫn là thách thức lớn đối với y tế công cộng tại Việt Nam. Những ca nặng, đặc biệt là trường hợp liên quan đến chủng EV71 thường dẫn đến biến chứng thần kinh, nhập viện và gây tử vong. Đợt bùng phát lớn nhất của bệnh tay chân miệng gần đây vào năm 2023 ở nước ta cho thấy gánh nặng dai dẳng của bệnh này. Do đó, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các chiến lược rõ ràng đối phó với bệnh tay chân miệng, đồng thời kêu gọi giải pháp phòng ngừa hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Trần Đại Quang - Phó trưởng Phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 76.371 ca bệnh tay chân miệng, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam. Các địa phương có ca mắc cao gồm: TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp… Năm 2024, số ca mắc tay chân miệng trên cả nước giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, đây vẫn là thách thức và luôn có nguy cơ lây lan thành dịch, nhất là trong giai đoạn vào tháng 5-6 và tháng 9-10 hằng năm thường ghi nhận số ca mắc cao.

Chia sẻ về gánh nặng, thách thức trong điều trị bệnh tay chân miệng, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho hay, là bệnh viện nhi đồng tuyến cuối khu vực phía Nam, hàng năm, đơn vị này tiếp nhận hàng ngàn ca mắc tay chân miệng. Đặc biệt ở những đợt dịch bệnh bùng phát mạnh, bệnh viện này thường rơi vào tình trạng quá tải. Thống kê chung tại khu vực phía Nam, năm 2023, có tỷ lệ mắc tay chân miệng mới là 229/100.000 dân, tỷ lệ bệnh nặng trung bình chiếm 23%. Đáng chú ý, 80% ca bệnh nặng đều do chủng virus EV71 gây ra. Nhiễm EV71 là yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng và tử vong, các trận dịch lớn từ trước đến nay đều có liên quan đến EV71, đặc biệt là phân nhóm C4 và B5.

“Việc điều trị hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào triệu chứng, chúng ta kỳ vọng vào các giải pháp chiến lược để giảm thiểu tác động của các đợt bùng phát dịch, trong đó quan trọng là giải pháp ngăn chặn EV71”- bác sĩ Hùng nhận định.

Vaccine là giải pháp căn cơ để phòng bệnh

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, vaccine đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa bệnh tay chân miệng, đặc biệt với tác động nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho hệ thống bệnh viện. Các chuyên gia cũng nhất trí cho rằng, cần sớm triển khai và đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine để bảo vệ trẻ em trong những năm đầu đời.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hàng năm, các bệnh viện đều phải đối phó với sự bùng phát lặp đi lặp lại của bệnh tay chân miệng. Do đó, việc đưa vaccine EV71 vào Việt Nam không chỉ là biện pháp phòng ngừa mà còn là bước tiến quan trọng trong củng cố hệ thống y tế công cộng.

Trình bày về kết quả nghiên cứu vaccine EV71, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Toàn- Phó Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2019, Viện phối hợp cùng Công ty Medigen Vaccine Biologics Corp. (MVC) nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine EV71 tại Việt Nam.

Trước đó, MCV đã triển khai nghiên cứu giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2013. Tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện ở 2 địa phương là Tiền Giang và Đồng Tháp với 3.036 đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 6 tuổi. Đến tháng 9-2022, kết quả nghiên cứu cho thấy, với 2 liều vaccine cách nhau 56 ngày, vaccine EV71 có khả năng bảo vệ lên đến 98,6%, vaccine đạt mức an toàn với những phản ứng bất lợi không đáng kể như, đau tại chỗ tiêm, sốt từ mức độ nhẹ đến trung bình. Đáng chú ý, vaccine này cũng cho miễn dịch và bảo vệ chéo với các kiểu gen EV71 khác đang lưu hành tại Việt Nam, đồng thời duy trì miễn dịch đến 5 năm. Kết quả này được công bố trên tạp chí The Lancet - một tạp chí y khoa quốc tế uy tín.

Năm 2023, vaccine EV71 được Đài Loan (Trung Quốc) cấp phép, đến nay triển khai tiêm cho hơn 250.000 trẻ em.

Đinh Hằng

Gia tăng ca mắc sởi, ho gà, Bộ Y tế yêu cầu chủ động phòng, chống dịch

Sáng 19-8, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác.

Số ca mắc các loại bệnh truyền nhiễm tại Đắk Nông tăng mạnh

Báo cáo tại Hội nghị giao ban Báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh Đắk Nông phối hợp tổ chức ngày 5-6, ông Huỳnh Thanh Huynh - Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, số ca mắc, chủng loại bệnh đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Nắng nóng gay gắt, nguy cơ làm gia tăng các ca bệnh

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Tại tỉnh Đắk Lắk, những ngày qua, nắng nóng diễn ra gay gắt trên diện rộng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều loại bệnh có xu hướng mắc mới và tái phát tăng cao.