Vài cảm nhận thơ tình không gởi

Thứ sáu, 26/06/2020 16:51

Thơ tình không gởi là tuyển tập thơ chọn lọc của tác giả Nguyễn Ngọc Nhân, do Nxb Hội nhà văn ấn hành quý 2-2020, khổ 14,5x19cm, dày 120 trang. Chủ đề của tập thơ, thoáng qua nghe là lạ, gây sự tò mò, chú ý… Bởi, tác giả của nó- Nguyễn Ngọc Nhân (hiện công tác tại cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam khu vực Miền Trung- Tây Nguyên) không phải một chàng thiếu niên thư sinh rụt rè, mà là một gã  đàn ông từng trải, chừng đang giai đoạn thong dong hoàn tất sự nghiệp của đời mình. Vậy những bài thơ tình ấy viết tự bao giờ? Và những cuộc tình ấy đến với tác giả ra sao?

Trang bìa tập thơ Thơ tình không gởi.

Hơn 60 bài thơ. Số lượng không nhỏ. Tất nhiên, hầu hết viết về tình yêu. Phía dưới mỗi bài đều thể hiện ở một thời gian gần đây (2016, 2017, 2018, 2019). Điều đó chứng tỏ, nỗi niềm hạnh phúc ấy, đớn đau ấy của tác giả đã ẩn chứa từ quá khứ xa xôi lắm… và giờ, là lúc tiếng lòng phải bật lên thành tiếng òa vỡ, không thể chờ đợi lâu hơn. Để hôm nay, Thơ tình không gởi đến với chúng ta, với những trái tim đồng cảm.

Hãy lắng nghe tác giả tự sự:  Nửa đời đi lang thang/ Nửa đời ta tìm kiếm/ Em nửa đời cho ta/ Ta một đời trao nhau… (Một nửa…). À thì ra, câu chuyện là vậy. Đắng cay và lận đận, suốt nửa đời vẫn hằn đậm nỗi thương nhớ không phai: Đi suốt nửa đường đời tôi mới gặp em/ Mới biết yêu thương, hờn giận/ Chút ngọt bùi cay đắng/ Nỗi mong chờ/ Thương nhớ khôn nguôi/ Nhen nhúm trong tôi/ Lửa tình một thời trai trẻ… (Nửa đời thương nhớ). Và nỗi ray rứt nợ duyên: Thế là ta vẫn nợ nhau/ Ngày xưa anh nợ… cầm tay rụt rè!/ Nợ lời thưa gởi ba me/ Nợ câu hò hẹn, nợ lần đón đưa… (Nợ).

Điều đáng chú ý, thơ của Nguyễn Ngọc Nhân trong Thơ tình không gởi luôn bị ám ảnh bởi sự mong manh, dang dở, lưng chừng… Đó là: Em giận ta rồi… chỉ tại ta? Vì thương, vì nhớ quá đó mà/ Ta giận vì đời mang em đến/ Để giữa cuộc đời em bỏ ta! (Giận). Hoặc: Như thói quen tôi cứ hoài tìm kiếm/ Tôi một đời lỡ nhớ một người thương… Ở nơi em đã úa màu kỷ niệm/ Tôi lang thang tập tễnh nẻo vô thương…  (Thói quen).

Có lẽ cũng từ lý do đó, mà trong khá nhiều bài thơ Nguyễn Ngọc Nhân luôn lặp đi lặp lại hình tượng “một nửa”. Nhìn đâu tác giả cũng thích ví von “nửa này, nửa kia”: Không cần điểm phấn tô son nữa/ Em cũng làm anh chết nửa đời/ Nửa đời ta nhớ ai một nửa/ Một nửa vì ai nhớ nửa đời… (Ngạo đời);  Hai nửa cuộc đời ghép với nhau/ Để cho đêm vắng lại qua ngày/ Để cho hai nửa con tim vỡ/ Ghép lại cho đời hết khổ đau (Hai nửa); Lúc mà cái nắng chia đôi/ Lở thì đất nhớ, bồi thì người thương/ Nắng chia hai nửa con đường/ Qua sông ngày ấy để vương vấn lòng (Chuyện tình bên sông- 2)…

Thơ tình không gởi ắt hẳn chứa đựng không ít uẩn khúc về con người, sự việc, nơi chốn…, nhưng điều đáng quý, bất cứ lúc nào tác giả Nguyễn Ngọc Nhân cũng chắt lọc, hạn chế cảm xúc giữ lại những câu thơ đẹp: Thời gian còn theo gió cuốn qua mau/ Vàng mắt đợi ai là người tưởng nhớ/ Kiêu sa quá! Áo vàng ơi cứ ngỡ/ Nắng gió thu xưa… trải mộng đón em về (Kiêu sa); Cứ dùng dằng trong nỗi nhớ và quên/ Ai đánh cắp nỗi quên còn nỗi nhớ (Nỗi nhớ mùa đông); Răng lạ rứa mần răng mà nhớ rứa/ Biết mần răng đừng nhớ Huế bây giờ/ Một thoáng nhìn mà ta đã ngẩn ngơ/ Tà áo ấy đi không đành từ dạo ấy… (Răng nhớ rứa!). Ngay cả cơn đại dịch Covid-19 mới đây, tác giả cũng có cái nhìn tin tưởng lạc quan: “Ngày mai thôi/ Ta lại hẹn hò/Không cần phải khẩu trang/Nhận người qua ánh mắt/Cái cầm tay như lần gặp mặt/ Em giữ cho mình cũng giữ cả cho anh…” (Hẹn em ngày mai).

Và trên hết, Thơ tình không gởi mang một tinh thần bao dung của trái tim thi nhân biết vị tha, tri ân tình người, tình đời: “Cảm ơn người đã phụ tôi/ Để cho tôi thấy được tôi bây giờ”.

TRẦN TRUNG SÁNG