Vài kỷ niệm ngày đầu làm báo

Thứ tư, 23/06/2021 22:47

1. Mối tình đầu, thường khó quên. Những trang viết đầu đời, thường khó phai. Dù vụng về, đôi lúc ngớ ngẩn nhưng sự biểu cảm ấy chân tình, không uốn éo giả tạo.

Lê Minh Quốc phỏng vấn nhạc sĩ Văn Cao tại nhà riêng của ông ở Hà Nội (1994).

Khi đang học năm thứ 3 Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp TPHCM, tôi đã bắt đầu viết các tin vắn gửi về báo Tuổi Trẻ.

Thỉnh thoảng cũng được đăng. Lúc ấy, tôi gửi hú họa chứ hoàn toàn không quen ai ở Tuổi Trẻ. Ngày nọ, tôi được giải Nhất về thơ Kỷ niệm 10 năm thành lập Lực lượng TNXP. Bằng chiếc xe đạp cọc cạch, từ nhà trọ ở cầu Sơn (Bình Thạnh), tôi đạp xe lên tận Tổng đội TNXP tại đường Nguyễn Trãi nhận giải. Đó là buổi chiều của ngày 19-8-1986 - ngày mà sau này tôi tự nhận “chính thức” gắn bó với Tuổi Trẻ.

Trước giờ phát giải, đang đứng ngơ ngác trong hội trường, bỗng có người vào gọi tôi ra ngoài hành lang vì có nhà báo cần gặp.

Trước mắt tôi là một người to cao, đẹp trai ngời ngời như diễn viên Alain Delon nhưng không thèm hỏi han tôi một câu. Anh chỉ tay ra hướng ngoài sân, bảo tôi đến và đứng yên ở đó. Anh quay sang bảo người đang cầm máy ảnh: “Chụp chân dung này. In số tới”. Chỉ một câu mệnh lệnh. Rất dứt khoát. Rồi anh bỏ đi thẳng. Mãi về sau tôi mới biết là nhà văn Nguyễn Đông Thức- hành động “kẻ cả” ấy cực kỳ ấn tượng với tôi lúc ấy và mãi sau này. Còn người chụp ảnh là anh Trương Công Ánh.

Từ hôm được chụp hình “lên báo”, thú thật, tôi tính từng ngày ngong ngóng. Hễ ngày nào ra báo mới, tôi cũng hồi hộp đến sạp đọc ké, xem đã in chưa. Mãi đến lúc Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 33 phát hành ngày 21-9-1986, tôi mới vỡ òa sung sướng khi nhìn thấy gương mặt thư sinh và chùm thơ Hát với đất in gọn 1 trang. Lần đầu tiên tôi được giới thiệu đôi nét trên báo chí, chính là từ Tuổi Trẻ do nhà văn Nguyễn Đông Thức viết. Mà nay tôi còn nhớ làu làu từng câu, từng chữ.

Phải thú thật rằng, nhờ Tuổi Trẻ mà khoảng thời gian đó, chúng tôi- những sinh viên tỉnh lẻ, ở trọ - đã có thể sống thong dong. Bấy giờ, Tuổi Trẻ có mở chuyên mục Tình yêu, hôn nhân, gia đình- những sinh viên như Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Nguyễn Quốc Chánh... có thể in thơ lai rai. Không những thế, sau đó, Tuổi Trẻ số ra ngày 7-7-1987 lại in bài Những cây viết trẻ nói về thơ tình, chapeau nói rõ vì “Thơ tình là một trong những mục của trang Tình yêu, hôn nhân, gia đình được nhiều bạn đọc yêu thích. Từ chỗ yêu thơ, đi đến mến người làm thơ, bạn đọc đã mạnh dạn viết thư thăm hỏi về những nhà-thơ-của-mình”. Bài này sinh viên Lê Quang Vinh phỏng vấn: Cao Vũ Huy Miên và hai sinh viên Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc. Sau này, khi đã là đồng nghiệp của nhau, tôi mới biết nhà báo Lưu Đình Triều thời điểm đó là người phụ trách trang Tình yêu, hôn nhân, gia đình.

Rồi một ngày nọ, nhà văn Nguyễn Đông Thức gọi tôi đến báo Tuổi Trẻ. Đứng dưới vòm me xanh, anh trao đổi với tôi đôi điều về nghề báo. Và anh chính thức chọn tôi làm cộng tác viên mảng văn hóa nghệ thuật do anh phụ trách. Nhờ vậy, ngay sau khi ra trường tôi đã về làm việc tại Tuổi Trẻ. Vào cơ quan cùng đợt với tôi có các anh chị Thúy Nga, Binh Nguyên và Phan Tùng. Tôi được phân công làm việc dưới sự “chỉ huy trực tiếp” của anh Nguyễn Đông Thức, sau đó, là anh Lê Văn Nghĩa. Làm việc ở Ban Văn hóa văn nghệ của Tuổi Trẻ ngày ấy, tôi thường đi theo “học nghề” với anh Trần Nhật Vy và Phạm Thanh Vân.

Nhìn chung, bước đường vào nghề của tôi thuận lợi vì có “quý nhơn phò hộ”.

Ơn ấy làm sao quên? 

2. Dù thời gian làm việc ở Tuổi Trẻ không dài, nhưng đó là khoảng thời gian cực kỳ quý báu, là nền tảng ban đầu giúp tôi sau này có thể sống chuyên nghiệp với nghề. Lúc chập chững vào nghề, có một điều khiến tôi suy nghĩ, tự tìm câu trả lời: Vì sao cùng một thông tin, sự kiện nếu đăng trên các báo chỉ “bình thường như cân đường, hộp sữa”. Nhưng nếu đăng trên Tuổi Trẻ, lập tức nó có tác động và tạo ra tiếng vang đến đông đảo bạn đọc?

Nhắc lại điều này để thấy rằng từ thập niên 1980, báo Tuổi Trẻ đã giữ một vị trí sáng giá trong sự chọn lựa của bạn đọc. Vai trò đó, có còn không? Trả lời và lý giải câu hỏi đang đặt ra, hiện nay bối cảnh báo chí đã bước sang thế kỷ XXI cũng là điều mà các phóng viên của Tuổi Trẻ cần phải suy nghĩ.

Tôi còn nhớ, mỗi sáng thứ Hai đầu tuần luôn có cuộc họp giao ban giữa Ban Biên tập và phóng viên. Trước mặt chúng tôi là nhà báo Kim Hạnh, Huỳnh Sơn Phước, Huỳnh Quý. Các anh chị trao đổi những thông tin liên quan đến thời sự, công việc trong tuần. Nói thật chứ chẳng phải nịnh nọt gì, đến nay, một nữ nhà báo hùng biện, có tài nói chuyện trước công chúng khiến tôi khâm phục nhất vẫn là nhà báo Kim Hạnh - Tổng biên tập của thời tôi “đầu quân” về Tuổi Trẻ.

Về vị trí của từng phóng viên ngày ấy, anh Nguyễn Đông Thức phân công tôi theo dõi mảng văn nghệ quần chúng ở các xí nghiệp, nhà văn hóa, cơ quan Nhà nước v.v... Các phóng viên đều có Sổ Báo cáo tuần. Cuối tuần, ghi lại những gì đã biết, đã thu thập, đã “đi thực tế”, từ đó đề xuất bài vở sẽ viết. Dựa vào báo cáo này, Trưởng ban sẽ duyệt đồng ý hoặc không đề tài sẽ thực hiện; có gì cần thiết sẽ hướng dẫn thêm. Nhắc lại các “kỹ năng” này để thấy rằng, phóng viên thời đó tác nghiệp khác bây giờ nhiều lắm. Mà chính do “rèn” chu đáo như thế, các phóng viên ngày một theo nghề có bài bản hơn.

Hơn nữa, từ chính từ các kinh nghiệm này, về sau, khi rời khỏi báo Tuổi Trẻ, chính tôi cũng đã áp dụng cho “lính” dưới quyền của mình, lúc phụ trách mảng Văn hóa văn nghệ của Báo Phụ Nữ TP.HCM.

Tác giả trong ngồn ngộn tư liệu.

3. Nhắc lại một vài kỷ niệm lúc làm việc ở Tuổi Trẻ, tôi khó có thể quên được vài mẩu chuyện nho nhỏ. Chẳng hạn, khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên triển lãm tranh, Tuổi Trẻ đã thông tin trước nhất. Tháng 3-1988, Trịnh Công Sơn cùng Đinh Cường, Tôn Thất Văn tổ chức tranh chủ đề Gia đình. Bấy giờ, tôi ký bút danh Trần Thị Vĩnh Phúc đã có bài phỏng vấn: Trịnh Công Sơn: “Tại sao tôi vẽ”. Đây là bài phỏng vấn tôi thích vì có lần học về nghiệp vụ báo chí do Tuổi Trẻ tổ chức, học viên chúng tôi được nghe nhà báo Trần Trọng Thức dặn dò: “Một bài phỏng vấn hay là người đặt câu hỏi hay; và người đối thoại cũng phải trả lời hay”. Muốn thế phải làm gì? Ở Tuổi Trẻ, tôi đã học nghề như thế.

Thời đó, còn có chức danh “Tỉnh táo viên”. Có phóng viên được phân công trực đêm sửa lỗi chính tả từ trang báo in thử, không phải tại tòa soạn mà phải đến nhà in. Tôi còn nhớ là nhà in Liksin góc đường Bùi Thị Xuân- Tôn Thất Tùng (Q.1). Khuya nọ, sau khi làm xong việc tôi quay về nhà. Sáng bảnh mắt, háo hức chạy ra sạp mua tờ Tuổi Trẻ vừa phát hành còn thơm mực- một thói quen còn giữ đến giờ. Tôi ngạc nhiên khi thấy cấu trúc của một vài trang báo hoàn toàn thay đổi, không giống như những gì mình đã đọc đêm qua. Rõ ràng, đã làm báo là phải kịp thời phản ánh thời sự mới nhất. Do đó, trang báo có thể thay đổi vào phút chót.

Ở Tuổi Trẻ, tôi đã học nghề như thế.

Nhắc về kỷ niệm còn là dịp nhắc về cái tình. Chỉ xin nêu một trường hợp. Sau khi tôi rời Tuổi Trẻ, và bắt đầu chút ít có tiếng tăm. Vài năm sau tập thơ Tôi vẽ mặt tôi bị “nện” tơi bời, bị phê phán từ Nam chí Bắc, ngày nọ, gặp nhau trong công viên Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Đông Thức nói, đại ý: “Q. gửi ngay cho anh một chùm thơ. Để người ta có cái nhìn khác về Q. Chứ cứ như tình trạng này là gay...”. Sau đó, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 40 ra ngày 9-10-1994 đã in trang thơ của tôi là vì lý do đó. Nhắc lại để thấy cái tình của Tuổi Trẻ dành cho cựu nhân viên của mình.

Tình cảm như bát nước đầy ấy, làm sao quên?

4. Nhắc đến Tuổi Trẻ là nhắc đến thư viện quy củ, lớp lang, có hệ thống. Thời tôi làm việc, người phụ trách là chú Dậu. Nói thật, nhờ sự lưu giữ sách báo ở Tuổi Trẻ mà ngày hôm nay tôi có thể vỡ vạc ít nhiều về tri thức. Tất nhiên, thời sinh viên cũng đọc. Nhưng chỉ khi sống trong không khí lao động nghiêm túc, tác nghiệp cụ thể trên từng bài viết, tôi mới ý thức các tư liệu ấy là quý, là cần thiết cho nghề biết dường nào.

Chẳng hạn, sau khi anh Nguyễn Đông Thức được điều qua bộ phận khác, nhà văn Lê Văn Nghĩa lên thay. Có lần, anh Nghĩa phân công tôi cùng các phóng viên khác trong Ban tham gia thực hiện chuyên đề về sách vụ án. Một loại sách “ăn liền” đang làm mưa gió trên thị trường. Sau khi được in trên Tuổi Trẻ, anh Nghĩa khen bài tôi viết có chiều sâu, có thông tin liên hệ nhiều chiều. Nói thật, đó là nhờ tôi có tham khảo từ các pho báo chí, sách báo trước năm 1975 còn giữ tại Thư viện Báo Tuổi Trẻ.

Khắc họa diện mạo của Tuổi Trẻ cực kỳ khó vì tờ báo trải qua nhiều đời tổng biên tập, nhiều giai đoạn báo chí khác nhau. Tuy nhiên, có một điều xuyên suốt mà các cơ quan ngôn luận cả nước cần học tập, thực hiện theo, nói không ngoa chính là lúc Tuổi Trẻ có ý thức xây dựng hệ thống thư viện, lưu trữ sách báo từ ngày đầu thành lập báo.

Từ giá trị vừa cụ thể vừa vô hình này, góp phần tích cực giúp Tuổi Trẻ đã xây dựng được một đội ngũ viết báo chuyên nghiệp qua nhiều thời kỳ.

5 Tri ân ngày tháng làm việc tại Tuổi Trẻ, dù không dài nhưng với tôi, đó là nơi đã ươm mầm dòng chữ đầu tiên giúp tôi có được những mùa gặt về sau. Và vững vàng đi theo nghề đến hết một đời.

Nào có phải riêng tôi, bất kỳ những ai đã từng có thời gian tôi luyện ở “lò bát quái” Tuổi Trẻ ắt hiện tại và về sau đều vẫn còn lưu giữ mãi những ấn tượng khó quên. 

LÊ MINH QUỐC