Vai trò của thẩm phán trong tranh tụng tại phiên tòa hình sự

Thứ tư, 08/11/2017 16:20

Những năm qua, nâng cao chất lượng xét xử là một mục tiêu xuyên suốt mà hệ thống TAND đề cao và dành nhiều nỗ lực nhằm giải quyết các vụ án đúng đắn, khách quan, đúng pháp luật. Trong đó, phải kể đến phần tranh tụng tại phiên tòa và vai trò của  Thẩm phán. Tại phiên tòa, HĐXX tiến hành thẩm định, kiểm tra chứng cứ được thu thập một cách công khai. Hoạt động tại phiên tòa hết sức quan trọng, trên cơ sở xét hỏi, điều tra tại phiên tòa, HĐXX sẽ đưa ra phán quyết bằng một bản án xác định bị cáo có tội hay không có tội.

Quang cảnh phiên tòa xét xử một vụ án hình sự.

Đối với các phiên tòa hình sự, bên cạnh việc đảm bảo các quy định pháp luật tố tụng, trong xét hỏi, HĐXX chủ yếu tập trung xét hỏi những vấn đề còn chưa rõ, có mâu thuẫn. Trong đó, HĐXX dành nhiều thời gian xét hỏi cho việc phát huy vai trò công tố của Kiểm sát viên (KSV) trong buộc tội, tạo điều kiện cho bị cáo, người bào chữa thực hiện quyền tự bào chữa, bào chữa theo quy định. Việc tranh luận giữa KSV với bị cáo, người bào chữa, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác, đảm bảo tính dân chủ bình đẳng. Kết quả tranh luận được HĐXX ghi nhận và làm cơ sở cho việc đưa ra các phán quyết.

Tại TP Đà Nẵng, một trong những vụ án thể hiện rõ vai trò của Thẩm phán trong việc chú trọng tranh tụng tại tòa là vụ án  xét xử bị cáo Trương Huy Liệu bị buộc tội "Buôn lậu" vào tháng 8-2017. Trong vụ án, Thẩm phán- chủ tọa phiên tòa đã thực hiện đầy đủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) trong quá trình xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa. Lập luận và chứng cứ của các bên đều được công khai, xem xét, đánh giá trên cơ sở pháp luật. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã đi sâu vào từng chi tiết của vụ án, xét hỏi tỉ mỉ, tôn trọng từng phần làm việc của Luật sư (LS) các bên, tính tranh tụng trong xét xử đặc biệt được chú trọng. Chính vì vậy, cách giải quyết các vấn đề của Thẩm phán trong vụ án này đã nhận được sự đồng tình của những người tham gia tố tụng và người dự khán. Từ đó thấy được rằng, chính sự tranh tụng dân chủ, đúng quy định của pháp luật thì quyết định của HĐXX sẽ đúng đắn, khách quan, sẽ không để xảy ra tình trạng án oan sai.

Mặc dù yêu cầu tranh tụng được đặt ra và đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều phiên tòa được đánh giá cao nhưng thực tế cho thấy tại nhiều phiên tòa chất lượng tranh tụng chưa thật sự hiệu quả, đôi khi còn hình thức. Chính vì vậy để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa cần phải thực hiện nhiều nội dung. Trong đó, để nâng cao chất lượng xét xử, với vai trò là người tiến hành tố tụng, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phải thực hiện đầy đủ, chính xác các công việc mà BLTTHS quy định.

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa được xem là trọng tài giữa bên buộc tội (VKS) và bên gỡ tội (LS), nên phải có thái độ vô tư, khách quan và công minh. Điều khiển việc tranh tụng tại tòa là điều khiển quá trình hỏi đáp, đặc biệt là điều khiển việc đối đáp giữa KSV với LS bào chữa và những người tham gia tố tụng khác hoặc giữa những người tham gia tố tụng có quyền, lợi ích đối lập nhau. Ngoài việc nắm vững các quy định của pháp luật, của BLTTHS, Thẩm phán còn phải rèn luyện kỹ năng xét xử, kỹ năng điều khiển phiên tòa, phải dự kiến các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa và chủ động tìm biện pháp giải quyết khi tình huống đó xảy ra.

Theo Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Cảnh, để nâng cao  vai trò của Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa đồng thời nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa, đòi hỏi Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, lên kế hoạch chuẩn bị xét hỏi; hướng xử lý, dự liệu tình huống có thể xảy ra. Phải triệu tập đầy đủ những người tham gia tố tụng trong vụ án, phổ biến cho những người tham gia tố tụng biết các quyền và nghĩa vụ của mình. Quá trình điều hành xét hỏi phải làm rõ tình tiết trong vụ án, vô tư khách quan, lắng nghe quan điểm của các bên, tạo điều kiện để các bên trình bày ý kiến của mình. Yêu cầu các bên phải đối đáp, tranh luận nêu rõ vấn đề mâu thuẫn cần làm rõ... Trong vụ án hình sự, nếu bị cáo không trình bày ý kiến tranh luận cũng như tham gia đối đáp, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần giải thích quy định của pháp luật và gợi mở để bị cáo hiểu, tham gia tranh luận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

TRANG TRẦN