VAMC & sứ mệnh 5 năm

Thứ sáu, 26/07/2013 09:26

* Dự kiến VAMC sẽ xử lý được 80 - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu

(Cadn.com.vn) - Sau khoảng một năm xây dựng đề án, hoàn thiện và ban hành các văn bản pháp lý, tổ chức cơ cấu nhân sự, hôm nay (26-7) Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức đi vào hoạt động, trễ so với mốc hẹn ngày 9-7-2013 theo Nghị định 53 của Chính phủ. Tuy nhiên, VAMC được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn và đây không phải là “chiếc đũa thần” để giải quyết triệt để nợ xấu.

KHÓ KHĂN TRƯỚC “SỨ MỆNH LỚN”

Theo quy định tại Nghị định 53 của Chính phủ, các tổ chức tín dụng (TCTD) có tỷ lệ nợ xấu hơn 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC và NHNN dự kiến Cty này sẽ xử lý được khoảng 80 - 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu với tỷ lệ thu hồi dự kiến 20 - 40%. Theo Nghị định 53, tỷ lệ Cty được hưởng là 2%, tương ứng với mức thu là 320 - 800 tỷ đồng thì mức thu bình quân năm của VAMC khoảng 60 - 160 tỷ đồng. Cũng theo quyết định thành lập, VAMC có những chức năng cơ bản để trong giai đoạn ít nhất 5 năm tới sẽ là tác nhân quan trọng hóa giải “cục máu đông” nợ xấu, giúp khơi thông hoạt động tín dụng vốn đã ách tắc trầm trọng suốt hơn 2 năm qua.

Bảng tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng những tháng gần đây (đơn vị:%) - Nguồn: NHNN. 

Về tương lai, khi nợ xấu đã được giải quyết căn bản, VAMC sẽ hoạt động như một NH đầu tư và khi đó, các NHTM hiện nay đang kiêm nhiệm chức năng đầu tư sẽ phải chấm dứt hoạt động đầu tư, chuyên tâm vào hoạt động tín dụng huy động - cho vay và các dịch vụ NH khác.

Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết, còn trên thực tế thì VAMC đang đứng trước một loạt vấn đề nghiệp vụ không dễ gì giải quyết ngay được. Đó là việc phải thực hiện mua được số nợ xấu có giá trị từ 50.000 tỷ đến 70.000 tỷ đồng cho đến cuối năm nay, trong khi đó vốn điều lệ của VAMC chỉ có 500 tỷ đồng, thời gian còn lại từ nay đến cuối năm chỉ còn 5 tháng! Khó khăn thứ hai là khi mua lại nợ của NHTM, VAMC phải sàng lọc qua hàng loạt giấy tờ, hàng trăm thủ tục hành chính để xác quyết xem DN đang có nợ xấu với NH có đáng tin cậy không? Có đáng cứu hay không? Có thể phục hồi được hay không rồi mới quyết định đổ tiền vào.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận, với thực tế số liệu báo cáo của DN hiện nay rất mù mờ, ngay cơ quan kiểm toán hoặc thanh tra cũng đã từng bỏ lọt thông tin, thì VAMC khó đẩy nhanh tiến trình đánh giá này để sớm có quyết định mua nợ được đúng. Theo quy định, khi đã mua được khoản nợ này, VAMC có thể chuyển giá trị món nợ đó thành vốn góp vào DN và khơi thông dòng chảy tín dụng cho DN. Tuy nhiên, để xác định được món nợ xấu nào có thể chuyển thành cơ hội kinh doanh, đòi hỏi những cán bộ nghiệp vụ của VAMC phải rất tinh thông thị trường, giỏi nghiệp vụ, có tâm huyết với sự nghiệp… đòi nợ, mới có thể đưa ra những quyết định đúng.

Một loại hình nghiệp vụ nữa mà VAMC có thể thực hiện là mua những khoản nợ có khả năng phát mãi tài sản, trên nguyên tắc đây là những khoản nợ có tài sản thế chấp, có thể phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi tiền. Nhưng đa số các tài sản thế chấp lại là bất động sản (BĐS), trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng như hiện nay thì bán được tài sản thế chấp đã khó, bảo toàn được giá trị thế chấp lại càng khó. Chưa kể sẽ có tình trạng, các NHTM sẽ chỉ bán những món nợ “khó nhằn” do những bất cập về tính pháp lý của các tài sản thế chấp, tức những tài sản thế chấp mà chứng cứ pháp lý không đủ mạnh để chứng minh quyền sở hữu của người vay nợ.

VAMC KHÔNG PHẢI “ĐŨA THẦN”!

Theo TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc liệu VAMC có giải quyết triệt để được nợ xấu như kỳ vọng hay không thì cần phải xác định là chúng ta không thể yêu cầu quá lớn đối với giải pháp thành lập VAMC. Nói cách khác, một mình VAMC không thể làm được tất cả mà cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm, trước hết là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều người chưa rõ cơ chế hoạt động của VAMC nên phản biện rằng thành lập VAMC chỉ giải quyết nợ cho các NHTM chứ không phải giải quyết nợ cho DN, trong khi mục tiêu cuối cùng là phải giải quyết nợ cho DN để DN tiếp cận được vốn NH. VAMC ra đời, các TCTD sẽ chuyển, bán nợ xấu sang VAMC, điều này đồng nghĩa với việc tạo điều kiện giúp các DN tiếp cận được vốn NH một cách thuận lợi hơn, vì một khi DN đang có nợ xấu ở NH thì sẽ không được vay vốn. Với các TCTD, việc chuyển được nợ sang VAMC sẽ góp phần làm “sạch” bảng tổng kết tài sản của mình.

NHÂN SỰ VAMC:

Ông Đặng Thanh Bình - Phó Thống đốc NHNN, kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC; ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Tổng Giám đốc Agribank giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực; ông Nguyễn Hữu Thủy - Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra các tổ TCTD nước ngoài thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - NHNN, giữ chức Thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Tổng Giám đốc VAMC.

Khi VAMC mua nợ xấu của các TCTD, các TCTD sẽ nhận được trái phiếu. Trái phiếu này, các TCTD được phép đưa ra cầm cố để vay tái chiết khấu tại NHNN, giúp các TCTD có thêm nguồn vốn. Nói cách khác, lẽ ra TCTD phải chờ trích lập dự phòng của mình để xử lý nợ xấu, nhưng có VAMC thì TCTD xử lý nợ xấu nhanh hơn.

TS Ngoạn nhấn mạnh, bản chất của vấn đề là chuyển nợ từ NHTM sang VAMC để xử lý chứ không phải mua đứt bán đoạn nợ. VAMC chỉ mua nợ của TCTD trong khung thời gian 5 năm. Trong thời gian này, TCTD phải tự trích lập dự phòng dưới 20% để có nguồn mua lại nợ xấu vì nếu sau 5 năm, VAMC không bán được khoản nợ xấu đó thì TCTD phải mua lại hoặc có nguồn đó để xử lý.

Như vậy, có thể nói hoạt động của VAMC mang tính chất xử lý tạm thời trong khoảng thời gian 5 năm. Nhưng trong thời gian này, nó sẽ giúp cho TCTD giải quyết được phần nào những tồn tại, vướng mắc. Mà những tồn tại của TCTD đó gắn liền với những tồn tại vướng mắc của các DN, nên khi giải quyết được những tồn tại này sẽ giúp cho các DN có điều kiện vay vốn NH hơn, còn NH có nguồn để cho vay ra thuận lợi.

N.Minh