Vẫn còn những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thứ hai, 25/11/2024 08:55

Việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), gồm cả tuyến huyện và tuyến tỉnh, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và tạo động lực cho y tế tuyến huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ... Đó là những lợi ích không thể phủ nhận mà chính sách thông tuyến mang lại. Song, qua gần 9 năm thực hiện thông tuyến huyện và 3 năm thực hiện thông tuyến tỉnh cho thấy vẫn còn không ít bất cập đang phát sinh.

Người dân đăng ký khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Người dân đăng ký khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

Gia tăng tỷ lệ nhập viện không cần thiết và tăng chi tiền túi của người bệnh

Luật BHYT quy định, từ ngày 1-1-2016, thực hiện thông tuyến huyện, từ 1-1-2021 thực hiện thông tuyến tỉnh nội trú trên toàn quốc. Bộ Y tế đánh giá, chính sách thông tuyến nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, tuy nhiên, chính sách này cũng phát sinh một số bất cập, nhất là việc người có thẻ BHYT đi lên tuyến trên khám, chữa bệnh, bỏ qua tuyến dưới, gây lãng phí nguồn lực và quỹ BHYT. Hoặc một số cơ sở khám, chữa bệnh có cơ chế thu hút người bệnh có thể dẫn đến việc tăng số lượng khám, chữa bệnh so với nhu cầu thực tế, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc sử dụng Quỹ BHYT. Việc người bệnh đi lên tuyến trên bỏ qua tuyến dưới cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ thống y tế cơ sở.

Báo cáo đánh giá tác động của chính sách thông tuyến huyện của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, mặc dù chính sách thông tuyến giúp người bệnh được tiếp cận dễ dàng với các cơ sở y tế tuyến trên, nhưng cũng kéo theo sự gia tăng tỷ lệ nhập viện không cần thiết và tăng chi tiền túi của người bệnh. Trong khi đó, không có sự khác biệt về sự hài lòng của người bệnh đi khám, chữa bệnh thông tuyến và khám, chữa bệnh ban đầu (tại chỗ).

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ năm 2016 thực hiện chính sách thông tuyến huyện cho thấy xu hướng tăng nhanh số lượt khám, chữa bệnh tuyến huyện (năm 2015 số lượt tại tuyến huyện là 56,4 triệu lượt chiếm 43% tổng lượt khám, chữa bệnh thì năm 2019 số lượt tuyến huyện tăng lên 106,9 triệu lượt, tăng 190% so với năm 2015 và chiếm 58% trong tổng lượt khám, chữa bệnh). Ở chiều ngược lại, tuyến xã giảm mạnh từ 34,2 triệu lượt khám, chữa bệnh (chiếm 26% tổng lượt khám, chữa bệnh) trong năm 2015 xuống còn 30,7 triệu lượt, bằng 90% so với năm 2015, chiếm 17% tổng lượt trong năm 2019 và đến năm 2022 giảm còn 14,6%.

BHXH Việt Nam cho biết, từ năm 2021, khi áp dụng chính sách thông tuyến tỉnh, số lượt điều trị nội trú tăng tại tuyến tỉnh, giảm tại tuyến Trung ương và huyện, đồng thời tăng số lượt đi khám, chữa bệnh trái tuyến tại tuyến tỉnh. Kết quả thông tuyến cũng cho thấy một số bệnh điều trị nội trú tại tuyến tỉnh có thể điều trị hiệu quả ở tuyến y tế cơ sở, ví dụ như mổ lấy thai, đẻ thường, viêm dạ dày và tá tràng, viêm phế quản cấp, hoặc rối loạn chức năng tiền đình. Việc thực hiện chính sách thông tuyến có tác động đến việc thực hiện một số chính sách khác như chính sách tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, kiểm soát gia tăng chi phí, đổi mới các phương thức thanh toán.

Lãng phí nguồn lực

Mới đây, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, cơ chế này có vẻ hỗ trợ cho người bệnh tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn nhưng có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh dẫn đến giảm cơ hội điều trị cho người bệnh, do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên tuyến cơ sở khám cao hơn. Xu hướng này kéo dài sẽ dẫn đến hệ thống y tế cơ sở dần bị suy yếu, thậm chí bị đứt gãy, các mục tiêu của Nghị quyết 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Chỉ thị 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới có nguy cơ không đạt được, gây lãng phí nguồn lực và công sức đã đầu tư cho y tế cơ sở trong suốt thời gian qua.

Y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam. Các mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết 20, Chỉ thị 25 với mục tiêu là chăm sóc sức khỏe ban đầu làm nền tảng, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành y tế và cần thực hiện liên tục, bền vững. Chăm sóc sức khỏe ban đầu là điểm liên lạc đầu tiên của các hoạt động phòng, chống bệnh tật cũng như các vấn đề về sức khỏe, để chăm sóc ban đầu hiệu quả, được củng cố, thì cách tiếp cận đến các cấp chăm sóc khác nhau được sắp xếp thông qua chuyển tuyến.

Cũng theo bà Trần Khánh Thu, nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT là bởi những khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển viện của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo, hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên trong khi điều trị cùng một bệnh. Bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng và cần thiết trong xử lý, khám, chữa bệnh của người dân. Giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị và giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị nhanh chóng, thuận tiện…

Luật BHYT hiện chỉ quy định thông tuyến đối với bệnh viện, trạm y tế xã, phường, thị trấn mà không đề cập đến các loại hình khám, chữa bệnh tuyến huyện khác như trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh xá quân đội, công an, bệnh xá quân dân y, y tế cơ quan đơn vị. Trong khi đó, hiện nay, Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành năm 2023 quy định có 3 cấp chuyên môn kỹ thuật, đó là khám chữa bệnh ban đầu, khám, chữa bệnh cơ bản và khám, chữa bệnh chuyên sâu kỹ thuật cao thay cho tuyến chuyên môn kỹ thuật hạng bệnh viện. Do vậy, cần sửa đổi, điều chỉnh vấn đề chuyển tuyến, thông tuyến trong Luật BHYT một cách đồng bộ để bảo đảm quản lý BHYT và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT phù hợp. Cùng với đó, phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh BHYT.

Thanh Vân