Vấn đề Ukraine "căng như dây đàn"

Thứ hai, 24/01/2022 18:05

Tình hình ở vùng biên giới Ukraine lại nóng như lửa khi Nga, Mỹ rầm rộ đưa khí tài quân sự tập trận sát "điểm nóng" này.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy lều trại của quân đội Nga ở thị trấn Yelnya, gần biên giới Ukraine, vào ngày 19-1. Ảnh: Reuters

Theo RT, trong khi Mỹ đưa tàu sân bay tới Địa Trung Hải tập trận cùng NATO, Nga cũng chuyển hệ thống phòng không S-400 tới Belarus giữa lúc căng thẳng leo thang trong khu vực. Lầu Năm Góc thông báo, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Harry S. Truman sẽ tham gia cuộc tập trận của NATO có tên gọi "Neptune Strike 22" ở Địa Trung Hải vào tuần tới.

Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby, cuộc tập trận kéo dài 12 ngày, bắt đầu từ 24-1 với mục đích "chứng minh khả năng của NATO trong việc phối hợp các khả năng tấn công hàng hải của nhóm tác chiến tàu sân bay trong các hoạt động ngăn chặn và phòng thủ của liên minh". Mặc dù nhóm tàu sân bay USS Harry S. Truman sẽ hoạt động "dưới quyền kiểm soát của NATO", nhưng quyền chỉ huy chung của cuộc tập trận sẽ thuộc về Phó Đô đốc Eugene H. Black III, chỉ huy Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ.

Tuy vậy, theo RT, cuộc tập trận "Neptune Strike 22" không xuất hiện trong danh sách các cuộc tập trận sắp tới của NATO, tính đến chiều 21-1. RT cho rằng đây là một cuộc tập bất ngờ của NATO giữa lúc căng thẳng leo thang trong khu vực. Việc Mỹ đưa tàu sân bay tham gia tập trận ở Địa Trung Hải trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực biên giới Nga - Ukraine vẫn ở mức cao. Phương Tây cáo buộc Nga triển khai 100.000 quân tới biên giới Ukraine và nghi ngờ Moscow có động thái quân sự với nước láng giềng. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ kế hoạch tấn công Ukraine.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga 1 xác nhận, Moscow đang chuyển 2 đơn vị hệ thống phòng không S-400 Triumph đến nước láng giềng Belarus để tham gia tập trận. S-400 được thiết kế để bắn hạ máy bay chiến đấu của đối phương. Nga trước đó thông báo, binh sĩ nước này sẽ tiến hành cuộc tập trận chung với quân đội Belarus vào tháng 2. Đây là một phần của đợt kiểm tra khả năng phối hợp hành động quân sự giữa 2 quốc gia. Oleg Voinov, một quan chức quân sự cấp cao của Belarus, cho biết mục đích của cuộc tập trận nhằm "củng cố biên giới quốc gia". Tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo các cuộc tập trận sắp tới có thể là dấu hiệu cho thấy Nga đang lên kế hoạch động binh với Ukraine.

Trước những lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ chiến tranh, Anh, Ba Lan, Mỹ và Canada điều binh sĩ đến Kiev để hỗ trợ, cố vấn cho quân đội Ukraine. Truyền thông Anh đưa tin, một đội quân gồm 30 lính tinh nhuệ Anh đã được triển khai tới Ukraine để huấn luyện các lực lượng vũ trang nước này cách sử dụng vũ khí chống tăng mới do London gửi tặng cho Ukraine. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lên kế hoạch chuyển giao 5 trực thăng vận tải cho chính quyền Ukraine. Giới chức Nhà Trắng tuần này cũng cho biết Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Estonia, Latvia và Lithuania, động thái sẽ mở đường cho phép các quốc gia này chuyển giao vũ khí có xuất xứ từ Mỹ cho Ukraine.

Theo TASS, thông cáo báo chí của Nhà Trắng ngày 22-1 cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập một cuộc họp các giới chức phụ trách an ninh quốc gia trong chính quyền của mình tại Trại David, bang Maryland. Trong cuộc họp, giới chức Mỹ đã thảo luận về tình hình Ukriane và sự can dự ngoại giao với Nga. Cụ thể, ông Biden đã được thông báo về hoạt động quân sự đang diễn ra của Nga, vốn được cho là ở các đường biên giới Ukraine. Ông cũng thảo luận các nỗ lực không ngừng để hạ nhiệt tình hình bằng ngoại giao cũng như một loạt biện pháp răn đe đang được phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác, trong đó bao gồm cung cấp viện trợ an ninh cho Ukraine.

Theo thông cáo, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Cố vấn Tổng thống Steve Ricchetti trực tiếp tham gia cuộc họp cùng Tổng thống Biden tại Trại David, trong khi các quan chức an ninh khác tham gia theo hình thức trực tuyến.

KHẢ ANH