Vận động để người dân đồng thuận xây dựng Nhà máy xử lý rác

Thứ bảy, 16/12/2017 07:50

Theo kế hoạch của UBND H.Chư Sê, Gia Lai, trong năm 2017, xã Chư Pơng sẽ hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc xây dựng công trình lò đốt rác. Tuy nhiên, vị trí mà UBND xã Chư Pơng chọn để xây dựng lò đốt rác lại bị một số hộ dân không đồng thuận. Nhà máy xử lý rác thải xã Chư Pơng, H. Chư Sê do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H. Chư Sê làm chủ đầu tư, được xây dựng tại thôn Kênh Siêu, xã Chư Pơng có công suất 8 – 12 tấn/ngày, chiều cao ống khói 20m. Dự kiến, toàn bộ rác đưa về Nhà máy sẽ tiến hành xử lý ngay trong ngày và không lưu rác. Ngày 1-11, đơn vị thi công tiến hành giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, từ ngày 15-11 đến nay, đơn vị không thể tiếp tục thi công công trình do có sự phản ứng của hàng chục hộ dân sống tại thôn Kênh Siêu và Thái Hà, xã Chư Pơng.

Ông Nguyễn Khắc Chín (trú TT Chư Sê, H. Chư Sê) có 3 ha đất trồng tiêu,  cà-phê và cây ăn trái, cách vị trí xây dựng Nhà máy xử lý rác khoảng 300 m. Ông Chín không đồng ý việc xây dựng Nhà máy xử lý rác do lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe và diện tích cây trồng của gia đình.“Nhà tôi ở thị trấn Chư Sê nhưng phần lớn thời gian tôi sinh sống, làm việc trong vườn. Khoảng cách quá gần, tôi không đồng ý xây dựng Nhà máy xử lý rác thải. Hơn nữa, khi thi công công trình, UBND xã cũng không thông báo cho người dân biết”, ông Chín nói.Trong khi đó, dù có khoảng cách 1.000m so với vị trí xây dựng Nhà máy xử lý rác, song người dân tại thôn Thái Hà, xã Chư Pơng đồng loạt không nhất trí với việc xây dựng công trình này. Ông Đinh Văn Nghinh (trú thôn Thái Hà) cho biết: “Ống khói của nhà máy chỉ có chiều cao 20m, trong khi vào mùa khô, hướng gió lại thổi trực tiếp từ nhà máy về phía thôn Thái Hà. Với khoảng cách chỉ 1.000 m, chúng tôi vô cùng lo lắng cho sức khỏe, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ”.

Không chỉ vậy, nhiều hộ dân tại hai thôn Thái Hà, Kênh Siêu còn không khỏi lo lắng khi Nhà máy xử lý rác thải chỉ cách thượng nguồn suối Ia Ring hơn 500 m. “Con suối Ia Ring là nguồn cung cấp nước cho hàng trăm hộ dân, trước khi đổ về hồ Ayun Hạ. Nếu thượng nguồn con suối bị ô nhiễm, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người dân sử dụng nguồn nước này”, ông Nguyễn Khắc Chín cho biết thêm.

Các hộ dân tại hai thôn Thái Hà, Kênh Siêu đã làm đơn gửi UBND xã Chư Pơng, UBND H.Chư Sê, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai đề nghị xem xét và đặt lại vị trí xây dựng Nhà máy xử lý rác thải xã Chư Pơng. Cùng với đó, đại diện các hộ dân tham dự và nêu ý kiến không đồng tình việc xây dựng Nhà máy xử lý rác tại các buổi tiếp xúc cử tri. Do có sự phản ứng của người dân, UBND H. Chư Sê đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H. Chư Sê tạm dừng thi công công trình. Ông Võ Công Hòa, Chủ tịch UBND xã Chư Pơng cho biết, hiện nay, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chỉ còn một tiêu chí về môi trường. Trước phản ứng của một số hộ dân, tại các buổi làm việc, chính quyền xã đã tuyên truyền, giải thích cụ thể cho người dân hiểu. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn không đồng thuận. “Những người không đồng ý việc xây dựng công trình chủ yếu là một số hộ dân canh tác nông nghiệp gần khu vực xây dựng Nhà máy xử lý rác thải nhưng không phải là người địa phương. Khi đề xuất xây dựng nhà máy xử lý rác thải, xã đã có tính toán để đảm bảo các quy định và tính đến những ảnh hưởng của công trình đối với các khu dân cư. Việc các hộ dân tại thôn Thái Hà lo lắng là không có cơ sở vì khoảng cách khá xa và công trình này nằm giữa vườn cao su, khói sẽ bị khuếch tán, không gây ảnh hưởng đến các khu dân cư”, ông Hòa cho biết thêm.

Chủ tịch UBND xã Chư Pơng nhấn mạnh, theo kế hoạch xây dựng, công trình sẽ đốt rác trong ngày, không lưu rác và khoảng cách hơn 500m nên sẽ không gây ảnh hưởng đến đầu nguồn suối Ia Ring. Ngày 30-11, UBND xã Chư Pơng đã mời Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, đại diện một số hộ dân đến làm việc tìm phương án giải quyết. Qua kiểm tra thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường kết luận, khoảng cách từ lò đốt rác đến khu dân cư thôn Kênh Siêu là 850 m và đến thôn Thái Hà trên 1.000 m, cơ bản phù hợp với quy định khoảng cách tối thiểu từ Nhà máy đến khu dân cư là 500m tại Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn không đồng tình với kết luận trên. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai Lương Thị Tuyết Vinh cho biết: Sau quá trình làm việc, đơn vị đã có đề xuất với UBND xã Chư Pơng và H.Chư Sê về việc tiếp tục đầu tư xây dựng lò đốt rác tại xã Chư Pơng, đảm bảo các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và môi trường. Xã Chư Pơng tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu các tác động tích cực của Nhà máy xử lý rác, kiên quyết xử lý các đối tượng không có quyền lợi, nghĩa vụ nhưng kích động người dân tại địa phương không chấp hành thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

DƯ TOÁN