Văn hóa ẩm thực của người Cơ Tu Tây Giang
(Cadn.com.vn) - Là huyện biên giới nằm phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, Tây Giang là huyện miền núi còn giữ nhiều nét văn hóa nguyên sơ, đậm đà bản sắc dân tộc. Ẩn mình trên dãy Tây Trường Sơn hùng vĩ, điều kiện tự nhiên, khí hậu nhiệt đới gió mùa, mát mẻ quanh năm, vì thế hệ sinh thái động thực vật ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển rất phong phú và đa dạng, nhiều loại cây dược liệu quý hiếm như sâm giang linh, Ba kích, đẳng sâm, tr'đin, mật nhân, khúc khắc, lim xanh, nhiều cây thuốc quý hiếm luôn được người dân Cơ Tu Tây Giang chăm sóc, bảo vệ, nhân giống thành công và nhiều vị thuốc quý từ rau rừng, quả trái trong rừng trở thành hương vị ẩm thực không thể thiếu trong đời sống của người đồng bào Cơ Tu nơi đây nhất là mỗi khi lễ hội, xuân về hay tiếp đón khách quý của làng.
Nói đến văn hóa của người ở Cơ Tu H. Tây Giang nói riêng, cả nước nói chung, ngoài những nét văn hóa đặc sắc mang đặc trưng riêng về các lễ hội, kiến trúc không gian nhà ở, truyện cổ, nhạc cụ, nói lý-hát lý, dân ca dân vũ, trang phục, tín ngưỡng hay, đẹp... người Cơ Tu ở H. Tây Giang còn có cả kho tàng văn hóa về Ẩm thực truyền thống rất phong phú và đa dạng. Với nguyên liệu chủ yếu từ hoa, trái, rau rừng, gạo, sắn, bắp rẫy, ớt, tiêu rừng thơm lừng hay những thức ăn thơm ngon giàu chất chất dinh dưỡng thịt rừng phơi khô, sóc khô, cá liêng khô, đến đồ uống như rượu cần, rượu nếp than, rượu ba kích, Tr'đin, đẳng sâm được làm từ men của người Cơ Tu ngâm với sâm, uống giải nhiệt, tráng dương, bổ thận và tốt cho sức khỏe.
Độc đáo ẩm thực truyền thống Cơ Tu Tây Giang. Ảnh: PLPL |
Ẩm thực của người Cơ Tu ở Tây Giang không chỉ đơn thuần là "đồ ăn, thức uống" mà cao hơn còn mang cả giá trị văn hóa của một dân tộc, nói lên tấm lòng hiếu mến khách, sự đoàn kết keo sơn, sự giao thoa hòa quyện cùng với vạn vật, thiên nhiên núi rừng nơi cộng đồng người Cơ Tu sinh sống, và cả về bề dày văn hóa, lịch sử, lòng thủy chung một niềm tin theo Đảng, Bác Hô, vùng lên cùng đánh giặc tiếp vận lương thực, trong đó phải kể nhiều về "ẩm thực" Cơ Tu Tây Giang; những gùi cơm lam, sắn, mía, chuối, bánh sườn trâu, gà, vịt, thịt khô, măng rừng... gùi ra chiến trường, che chở, nuôi giấu cán bộ làm cách mạng để cùng nhau vùng lên đấu tranh kiên cường bám đất giữ làng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Tất cả những giá trị văn hóa trong ẩm thực của dân tộc Cơ Tu đều thể hiện đức tính vốn quý, mộc mạc, sự khéo léo, đảm đang, sự cần mẫn, sự chăm chỉ, sự thủy chung son sắc của người phụ nữ Cơ Tu, không chỉ thể hiện trên nền thổ cẩm mà các cô, các chị em Cơ Tu kiên trì ngày đêm bên khung dệt để dệt nên những tấm thổ cẩm tặng chồng, con, làng xóm nhân ngày lễ hội... mà còn thể hiện qua cách chế biến khéo léo các món ăn dân dã, truyền thống đậm tính nhân văn và hòa quyện, thân thiện với môi trường xanh, sạch, đảm bảo chất dinh dưỡng để nuôi lớn cả gia đình, bản làng quê hương của mình cùng đánh giặc trong những năm tháng gian khó, ác liệt! Ngày nay những giá trị văn hóa ẩm thực đó tiếp tục được phát huy trong hội nhập và phát triển, nhất là khi khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng có xu hướng ưu chuộng, thích về khám phá văn hóa, nét đặc trưng của các vùng miền, đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Cơ Tu Tây Giang.
Ẩm thực của người Cơ Tu cũng chiếm một phần quan trọng quyết định sự thành công của ngành công nghiệp không khói ở Tây Giang ngày một càng phát triển đi lên. Thiết nghĩ mỗi thôn, làng, xã của người Cơ Tu ở H. Tây Giang nên thành lập tổ "Gìn giữ, chế biến ẩm thực Cơ Tu để góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, giới thiệu nét văn hóa hay đẹp của mình đến bạn bè quốc tế mỗi khi đặt chân đến các làng bản của Tây Giang, bên cạnh đó cũng cần có chính sách hỗ trợ từ xã, huyện cho các tổ, nhất là trong việc nuôi trồng các sản vật, cây con giống, dược liệu, rau rừng quý hiếm thành các khu vườn sinh thái, xanh, sạch, không hóa chất và tốt cho sức khỏe con người và để ẩm thực Cơ Tu không bị thất truyền, vật liệu lấy ra từ rừng không bị cạn kiệt và tuyệt chủng.
Pơloong Plênh