Văn hóa giao thông đi và thấy

Thứ năm, 11/07/2013 08:45

 

(Cadn.com.vn) - Những năm gần đây, một cụm từ được nhắc thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng là Văn hóa giao thông (VHGT). Hiểu một cách gần gũi, VHGT là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn, trật tự công cộng... Không biết ở nước ngoài, người ta quan niệm về VHGT ra sao nhưng nếu như hiểu VHGT theo cách của chúng ta thì qua “mục sở thị” của người viết trong những dịp đi công tác ở xứ người, từ những nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản đến những nước “hàng xóm” gần gũi với Việt Nam như Indonesia và Lào, thì thấy, chuyện VHGT của họ có nhiều điều để chúng ta phải suy ngẫm và học hỏi, dù là nước tiên tiến nhất hay nước “chậm tiến” hơn,  theo nhìn nhận của một số người.

 

Trước hết nói về chuyện VHGT ở nước Mỹ. Điều rất dễ nhận thấy là, khi tham gia giao thông, người Mỹ chấp hành luật rất nghiêm túc và tinh thần tự giác rất cao. Người viết đã chứng kiến tại Los Angeles, trong một buổi sáng tinh mơ, tại một giao lộ, trên đường không thấy xe cộ hay người qua lại, đèn tín hiệu giao thông vẫn hoạt động, chỉ đơn độc một chiếc xe hơi đến giao lộ vắng tanh và... tự giác dừng lại rồi chờ cho hết đèn đỏ chuyển qua xanh mới chạy tiếp, tất nhiên là không có bóng dáng của bất kỳ một viên cảnh sát giao thông nào. Trên đường cao tốc, có nhiều làn đường, xe chạy như mắc cửi mà hoàn toàn không nghe một tiếng còi xe nào. Người ta chuyển làn, xin vượt hay rẽ đều sử dụng tín hiệu đèn. Một hình ảnh khác là, người đi bộ được tôn trọng tối đa, người viết đã từng một lần ngỡ ngàng khi băng ngang qua đường, bỗng thấy xe hơi tự nhiên ngừng lại, thì ra, khi người đi bộ ngang qua đường (tất nhiên là ở khu vực quy định) thì tất cả các loại xe đang lưu thông trên đường đều phải dừng lại để người đi bộ qua đường bên kia rồi mới chạy tiếp, kể cả ở những nơi không phải là giao lộ.

 

Chuyện thứ hai là một nước ở Đông Nam Á có tốc độ phát triển hơn VN một chút là Indonesia. Ở thủ đô Jakarta, xe máy chạy khá nhanh và mật độ xe cũng không thua gì các đô thị lớn ở nước ta, thế nhưng, xe thì chạy ào ào như vậy nhưng tuyệt nhiên không nghe bất cứ một tiếng còi xe. Người điều khiển xe máy ai cũng đội mũ bảo hiểm trông rất “khủng” và chắc chắn, chứ không kiểu dáng, “cách điệu” như ở ta. Cuối cùng là chuyện VHGT ở nước bạn Lào, một đất nước rất gần gũi với Việt Nam và tình trạng phát triển kinh tế chưa hơn nước ta. Thế nhưng, VHGT của bạn cũng có những điều làm ta suy ngẫm. Đầu tiên là người dân Lào khi tham gia giao thông thể hiện sự tôn trọng Luật Giao thông rất rõ ràng, ai cũng như nhau. Một lần tham gia đoàn xe của đoàn công tác TP Đà Nẵng qua Lào, khi vào địa phận tỉnh Savanakhet, bạn cho xe ra đón đoàn và có xe cảnh sát dẫn đường, người viết nhận thấy rằng, tất cả mọi người đang chạy xe trên đường đều đồng loạt tấp vào lề và đứng lại, chờ đoàn xe qua rồi mới đi tiếp. Tại giao lộ có đèn tín hiệu giao thông, ai cũng tự giác dừng lại khi có đèn đỏ, dù xe cộ qua lại khá thưa thớt... Một điểm nữa là hầu như cũng không nghe tiếng còi xe nào, dù là ở thành phố lớn như thủ đô Vientiane, xe cộ nườm nượp...

 

Nêu vài dẫn chứng mà người viết mục sở thị đây đó ngoài lãnh thổ Việt Nam để thấy rằng, muốn có được VHGT đích thực quả là còn nhiều điều phải làm. Phải từ bỏ những thói quen xấu mà trước hết xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Thiết nghĩ, trước hết, phải là những người có văn hóa đúng nghĩa thì mới có thể xây dựng được một “nền” VHGT đúng nghĩa. Và cuối cùng là các biện pháp chế tài thật nghiêm khắc nhằm ngăn chặn sự tái phạm lần hai của những người vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

 

Dân Hùng