Văn hóa nói thách - cần phải thay đổi
(Cadn.com.vn) - Chợ Hòa Khánh là một trong 3 chợ trung tâm của Q. Liên Chiểu, TPĐN, các mặt hàng ở đây rất đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nên thu hút được đông đảo người mua. Tuy nhiên, một vấn nạn vẫn còn tồn tại đó là lối nói thách quá giá của các cửa hàng quần áo, giày dép thuộc tầng 2, khu A. Việc nói thách của các cô, các chị bán hàng tại đây khiến nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng đối với khu chợ này. Đành rằng việc nói thách là chuyện thường tình, nó còn được xem như là “văn hóa chợ” của người Việt. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam đều có ấn tượng sâu sắc về việc nói thách và mặc cả ở các chợ. Đôi khi, người Việt cũng xem việc nói thách và mặc cả là một thói quen, thậm chí là thú vui khi đi chợ. Tuy nhiên, nếu nói thách vượt quá mức bình thường, sẽ trở thành phản văn hóa, làm khách hàng mất niềm tin vào cửa hàng.
Trong giới sinh viên, các bạn vẫn dùng tên gọi “chợ một nửa” để nói về chợ Hòa Khánh, mà nói chính xác là khu vực tầng 2, khu A, chợ Hòa Khánh. Bởi lẽ, ở đây, người bán hàng luôn hô giá gấp đôi, gấp ba so với giá bán của sản phẩm. Chính vì vậy, mỗi lần mua sắm ở đây, là mỗi lần phải cân đo, đong đếm kĩ càng, đôi khi còn được xem là cuộc chiến giá cả. Có những cuộc mua bán kéo dài cả giờ đồng hồ, người bán hô giá trên trời, người mua trả giá dưới đất. Khi cả hai đã mệt mỏi, người mua bước sang cửa hàng khác, người bán mới chịu ra giá bán cuối cùng. Nguyễn Thị Hương (SV năm cuối, Trường Cao đẳng Kế hoạch Đà Nẵng), cho biết: “Người ta nói thách cao lắm, mình không biết cách trả nên bị “hớ” nhiều lần rồi, do đó, mỗi lần đi chợ, mình phải rủ bạn đi theo để trả giá dùm”.
Tầng 2, khu A chợ Hòa Khánh. |
Việc nói thách ở chợ Hòa Khánh, đôi khi đã thành “thương hiệu” và khách hàng chỉ biết ngao ngán thở dài. Vì nhu cầu tiêu dùng, nhiều người phải chấp nhận, hi vọng gặp người bán có lương tâm, bán hàng đúng giá, đúng chất lượng. Nếu không, khách hàng cũng đành chịu, bởi họ không có đủ kĩ năng để thẩm định chất lượng sản phẩm. Đồng nghĩa với suy nghĩ đó, thì người mua cũng đã mất đi niềm tin đối với người bán hàng tại đây. Nếu không quá cần thiết, người mua sẵn sàng chọn một điểm mua sắm khác để đảm bảo lợi ích cho mình, và chợ chỉ là điểm đến “dự phòng” trong trường hợp bất đắc dĩ. Anh Nguyễn Văn Hải (quê Quảng Bình) cho biết: “Nói thách nhiều thì mất lòng tin khách hàng thôi, người ta phải đi nơi khác mua. Tôi cũng thường chở vợ ra các chợ đêm để mua cho rẻ”.
Trên thực tế, việc nói thách chỉ mang lại lợi ích trước mắt. Mục tiêu của người bán hàng là phải xây dựng được thương hiệu, xây dựng được lòng tin nơi khách hàng. Nhưng các chủ cửa hàng quần áo, giày dép tại chợ Hòa Khánh đã quên mất mục tiêu lớn mà chạy theo lợi nhuận nhỏ. Rảo một vòng quanh khu vực tầng 2, khu A chợ Hòa Khánh, chúng tôi thấy không khí mua sắm ở đây không sôi động như các khu khác. Khách hàng tham quan đã ít, mua hàng lại càng ít hơn. Nhiều chị em bán hàng ngồi vất vưởng, hoặc tụ tập lại buôn chuyện. Nhiều người còn than thở với nhau: Hàng hóa ế ẩm quá, chẳng thấy “ma” nào tới mua”. Chợt nghĩ, người ta than thở với nhau, mà lại không nghĩ rằng, chính văn hóa bán hàng của mình đã làm hại chính mình.
Thời gian qua, Ban Quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở, tổ chức nhiều buổi tập huấn để nâng cao kĩ năng bán hàng cho chị em tiểu thương. Thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh thương mại 2015”, BQL các chợ Liên Chiểu đã tổ chức ký cam kết thực hiện “văn minh thương mại” gắn với “văn hóa, văn minh đô thị” đối với các tiểu thương trong chợ. Qua đó, các chủ cửa hàng đã thực hiện các nội dung trong bản cam kết như: Niêm yết giá bán hàng, không chèo kéo khách, cân đúng, cân đủ; không lấn chiếm lòng đường, lối đi, có thái độ ứng xử lịch sự, văn minh. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít các mặt hàng vẫn vi phạm, có biểu hiện nói thách, chưa tôn trọng khách hàng. Trong thời gian tới, BQL chợ sẽ xử lý nghiêm các trường hợp này, không để làm mất hình ảnh của chợ.
Ông Phạm Phước, Trưởng ban Quản lý các chợ Hòa Khánh, cho biết: “Việc nói thách cần phải được thay đổi, và chắc chắn là phải thay đổi cho bằng được. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Có như vậy, mới lấy lại lòng tin nơi khách hàng, để chợ thực sự là điểm đến cần thiết và tin cậy cho mọi người, mọi nhà”. Để xây dựng thương hiệu chợ văn minh, các cửa hàng cần phải thay đổi hành vi của mình, thực hiện đúng văn minh thương mại để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Chỉ khi lợi ích được san bằng cho cả đôi bên, thì việc mua bán mới có thể vững bền.
Kim Hiếu