Văn hóa xử lý rác thải!
(Cadn.com.vn) - 1. Sẽ có người cho rằng, người viết đang nói quá lên đối với vấn đề này! Nhưng khi đứng trên "núi" rác thải ở Khánh Sơn, chứng kiến cảnh những người nhặt rác bịt bùng khẩu trang đang cắm cúi bươi bươi, nhặt nhặt... trong không gian đặc quánh mùi hôi rất đặc trưng từ bãi rác lớn nhất Đà Nẵng bốc lên, người viết trộm nghĩ: "Đã đến lúc cần "nâng tầm" vấn đề xử lý rác thải lên, nếu không, e sẽ quá muộn trong tương lai không xa".
Tại sao chúng ta không phân loại rác ngay từ công đoạn đầu tiên, để việc tập kết rác thải được khoa học, chuyên nghiệp, không gây ô nhiễm môi trường? Không chỉ có thế, việc phân loại rác thải ngay từ đầu này sẽ giảm thiểu được khối lượng rác thải chở đến bãi chôn lấp, vừa tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, vừa tiết kiệm tài nguyên đất, đồng thời kéo dài tuổi thọ các bãi chôn lấp, tận dụng được chất thải, đem lại lợi ích kinh tế. Song song đó cũng là cách để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, của những công nhân làm việc trong các nhà máy xử lý rác, của người hàng ngày đang mưu sinh trên bãi rác...
Câu chuyện ô nhiễm môi trường phải chăng chỉ dành cho các cơ quan chức năng, không phải là câu chuyện của chính mỗi chúng ta?
Người dân mưu sinh trên bãi rác Khánh Sơn hàng ngày phải hứng chịu mùi hôi từ rác thải tạp nham, chưa được phân loại này. Ảnh: P.T |
2. Có ý kiến cho rằng, sẽ rất khó phát động toàn dân thực hiện việc phân loại rác hàng ngày tại hộ gia đình bởi thói quen xử lý rác không khoa học đã ăn sâu thành nếp trong đại đa số người dân, khó sửa chữa được. Nhiều người còn nói quá lên rằng, đời chúng ta (ý nói người lớn) coi như... bỏ đi (!), chỉ còn biết trông chờ vào thế hệ sau. Với quan điểm đó, họ cho rằng, cần hình thành thói quen tốt cho trẻ bằng cách đưa việc giáo dục trong vấn đề nhận biết, phân loại và xử lý rác thải vào trong hệ thống giáo dục quốc dân. Và công việc này cần được bắt đầu từ trường mẫu giáo.
Tuy nhiên, làm sao lớp trẻ có thể thực hiện tốt khi hàng ngày chúng vẫn chứng kiến người lớn làm điều ngược lại với những điều đã được dạy? Ý kiến về thói quen của người lớn khó sửa chữa, khắc phục được liệu đã thực sự đúng? Cách làm "2 trong 1" do UBMTTQVN P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) phát động về cách thu gom phế liệu tại các hộ gia đình trong khu dân cư (Báo Công an TP Đà Nẵng đăng tải tháng 4 vừa qua) cho thấy, thói quen không tốt vẫn có thể khắc phục được nếu như mọi người đều có ý thức vì một môi trường sống trong lành hơn...
3. Mới đây, trên kênh truyền hình VTV Đà Nẵng có chiếu bộ phim truyền hình Nhật Bản, nội dung chính nói về một chàng trai chuyên "nhảy việc". Lồng trong phim là những câu chuyện đời thường về cuộc sống của các gia đình Nhật, trong đó có chuyện về những bà nội trợ Nhật "chơi xấu" nhau trong việc xử lý rác thải hàng ngày. Vì ganh ghét, một phụ nữ ở chung cùng khu phố đã... lén bỏ chai thủy tinh vào trong túi rác thải đã được phân loại của gia đình người hàng xóm.
Hậu quả, bộ phận thu gom rác thải ở khu phố đã hoàn trả rác thải của gia đình "bị hại" này lại vì... đã phân loại rác không đúng quy định. Sự việc được lặp đi, lặp lại ấy đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến người phụ nữ nọ rơi vào trạng thái trầm uất... Ở xứ người, việc xử lý rác thải được thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt. Có nước, việc phân loại rác thải ngay từ ban đầu được chia ra làm 5 loại cơ bản: giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại và thực phẩm... Gia đình nào phân loại không đúng sẽ bị trả lại rác thải, thậm chí có nơi còn xử phạt bằng tiền.
Trong điều kiện kinh tế Việt Nam chưa bằng xứ người, việc xử phạt bằng tiền xem ra khó thực hiện được. Thay vì xử phạt, cách làm có hiệu quả là cần tuyên truyền, vận động, tạo thành một thói quen tốt, ý thức tốt trong việc phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ... ngay từ từng hộ gia đình. Chắc chắn, công việc này sẽ gặp không ít khó khăn ban đầu, bởi để từ bỏ thói quen đã ăn thành nếp không phải dễ. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được. Chỉ cần có một lộ trình thực hiện theo từng bước, thường xuyên, bền bỉ, ắt sẽ có kết quả.
Ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc của xã hội hiện đại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người. Thiển nghĩ, song song với việc đưa vấn đề giáo dục, hình thành thói quen, ý thức tốt trong việc nhận biết, xử lý rác thải theo hướng phân loại rác vào trong trường học, bản thân từng hộ gia đình cũng phải hình thành cho mình thói quen, ý thức đối với vấn đề này trong đời sống hàng ngày. Đừng cho rằng đó là công việc khó có thể thực hiện khi chưa bắt đầu. Cũng đừng cho đó là chuyện của người khác, nhà khác, không phải là chuyện của mình, nhà mình.
Khánh Yên