Văn học Đà Nẵng 2017: Vượt qua lối mòn

Thứ bảy, 11/11/2017 10:03

Theo công bố của Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, kết quả các tác phẩm tham gia Giải văn học Đà Nẵng 2017 được xét thưởng gồm: Chó hoang (truyện dài Bùi Tự Lực), Kéo co mùa xuân (thơ Nguyễn Kim Huy), Những cuộc hẹn bên lề (tập truyện Trần Trung Sáng), Trầm (truyện ký Phạm Phát). Trong đó, ngoài các tác phẩm nhận tặng thưởng Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, tác phẩm Chó hoang của Bùi Tự Lực được đề xuất chuyển hồ sơ lên Hội đồng xét tặng giải thưởng của Liên hiệp hội.

Các tác phẩm tham gia xét thưởng Giải văn học Đà Nẵng 2017.

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng cho biết, so với các năm trước, số lượng tác phẩm tham gia xét Giải năm nay tập trung nhiều về mảng văn xuôi, thơ chỉ có duy nhất một tập. Hầu hết, mỗi tác phẩm  tuy thể loại có khác nhau, nhưng đều được các tác giả tập hợp, tuyển chọn rất công phu nên chất lượng khá đồng đều. Bên cạnh đó, một số tác phẩm ra mắt năm nay đã có các hình thức giới thiệu quảng bá, tiếp cận công chúng khá mới mẻ, góp phần tạo nên không khí văn học sôi động lâu nay vốn còn trầm lắng tại Đà Nẵng. Trong số những tác giả lớn tuổi, quá trình sáng tác đã để lại nhiều tác phẩm giá trị, điển hình như nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt, lần này góp mặt với  tập tản văn Quê nhà ngày tháng cũ (NXB Văn học). Tập sách gồm 18 bài viết, là một phần ký và kỷ niệm của tác giả gắn bó cùng quê hương đất Quảng. Trong lời đề từ, tác giả viết: "Quê nhà ngày tháng cũ có tất cả. Một nét đằm sâu của lịch sử. Một cung bậc vàng son của văn hóa. Một tính cách của nhân vật tỏa sáng. Một bút pháp tài hoa qua nghệ thuật thơ ca, nhạc họa. Một áng văn bất hủ tự tại. Một vẻ đẹp thức tỉnh của tạo hóa huyền nhiệm...". Tác phẩm được đánh giá có nhiều nỗ lực phát hiện đóng góp thêm những điều mới mẻ về đất và người Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhà văn Phạm Phát với tập truyện ký Trầm (NXB Hội Nhà văn), gồm 22 câu chuyện viết về cuộc đời của những  con người xung quanh tác giả gắn với những thăng trầm không thể xóa nhòa của dân tộc. Qua lăng kính của Phạm Phát, những con người bước ra khỏi cuộc chiến của đất nước, với những vết thương chưa lành hẳn, nhưng khi gấp tập truyện lại, thấy phảng phất đâu đó tình yêu thương con người. Tập sách được thể hiện qua cách hành văn trong sáng, giản dị, nhưng khá xúc động, giúp cho người có thêm cái nhìn nhân văn về người, về sự việc.

Nhà văn Đỗ Xuân Đồng là một trong những tác giả văn xuôi, thường xuyên gắn bó với đề tài chiến tranh cách mạng, lần này tiếp tục  với  tác phẩm Mẹ và con (NXB Đà Nẵng). Đây là tập tiểu thuyết nội dung xoay quanh câu chuyện của hai mẹ con: cô Nhiên-một nữ TNXP thời  chống Mỹ và con trai Thiên Thạch-được sinh ra ngay sau cuộc chiến, kết quả của "mối tình vụng trộm" giữa cô Nhiên với chàng kỹ sư cầu đường (là học sinh miền Nam trên đất Bắc) vào làm công tác phóng tuyến, mở đường, sửa chữa cầu đường trên đường Trường Sơn một thời đạn bom vô cùng khốc liệt. Bằng lối kể chuyện mộc mạc, đa chiều, đan xen quá khứ, hiện tại với nhiều tình tiết thương tâm có thực trong đời sống, tác giả đã tạo được sự sinh động và xúc cảm cho người đọc. Kéo co với mùa xuân  là tên gọi tuyển tập thơ của Nguyễn Kim Huy (Nxb Đà Nẵng). Sách gồm hơn 60 bài thơ chọn lọc. Kéo co với mùa xuân trước hết là một tuyển tập thơ có chủ đề đậm nét về mùa xuân, thể hiện qua các bài: Mùa xuân, Có thể mùa xuân, Sợi xuân, Ngày xuân, Nét xuân, Ngược chiều với mùa xuân, Trần tình với mùa xuân... Thế nhưng, mùa xuân nơi đây, chỉ là một biểu tượng, một nỗi ám ảnh với tác giả. Qua mỗi một tập thơ mới, Nguyễn Kim Huy luôn thể hiện những tìm tòi sáng tạo, để vượt qua lối mòn và vượt qua chính mình. Những cuộc hẹn bên lề, tập truyện Trần Trung Sáng (NXB Hội Nhà văn), gồm  17 truyện ngắn được sáng tác ở nhiều giai đoạn khác nhau. Tuyển tập này có thể coi là những "đứa con tinh thần" mà tác giả tâm đắc nhất. Trần Trung Sáng viết nhiều về những ký ức tuổi thơ, về những chuyện tình, về những kỷ niệm, những nhân vật... nếu tách ra từng bài lẻ, nó như một tản văn. Anh thường chọn cái kết không có hậu, nên để lại nỗi thương cảm, day dứt, luyến nhớ cho độc giả.

Chó hoang, truyện dài Bùi Tự Lực (NXB Kim Đồng) là tác phẩm dành cho thiếu nhi, gồm 14 chương, được in trên giấy tốt, bìa sách và minh họa trình bày đẹp, ấn tượng. Có thể nói, đây là một thành công mới của nhà văn Bùi Tự Lực. Nhân vật chính trong Chó hoang là con Vằn, sống lẩn quất tại một bãi cỏ hoang ở một khu dân cư mới. Bằng sự chịu khó quan sát trong nhiều năm về những chú chó hoang, trong từng chương sách của mình, Bùi Tự Lực đã có những nét khắc tinh tế về tính cách của con Vằn, vừa yêu thương con người lại vừa sợ con người, vừa muốn quấn quýt bên con người, lại vừa phải trốn chạy con người, là lời gửi gắm sâu sắc nhất của tác giả đến với độc giả nhỏ tuổi: hãy yêu thương con người, yêu thương loài vật, bởi khi sống có tình yêu thương chúng ta mới hạnh phúc. Viết trong ngày mưa, tạp bút của Mai Hữu Phước (NXB Hội Nhà văn), với hơn 50 bài viết gồm nhiều đề tài gần gũi trong cuộc sống, từ những người thân trong gia đình đến những nhân vật nổi tiếng hoặc mang tính cách đặc biệt, và các câu chuyện về ẩm thực, sức khỏe, bóng đá, âm nhạc, thơ ca... Qua tác phẩm này, tác giả chia sẻ: "Một chút nhớ, một chút thương, một chút yêu và một chút buồn... cũng đủ để viết lên một điều gì đó cho nhau và cho cuộc đời này".

TRẦN TRUNG SÁNG