Hướng đến Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật TP Đà Nẵng lần thứ 4 (giai đoạn 2015 - 2020):

Văn học Đà Nẵng 5 năm nhìn lại

Thứ tư, 09/02/2022 22:06

Đầu xuân năm nay, cũng là thời điểm TP Đà Nẵng triển khai phê duyệt Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng lần thứ 4 giai đoạn 2015 - 2020 (theo tinh thần Quyết định số 3546/QĐ-UBND ngày 5 tháng 11 năm 2021 của UBND TP Đà Nẵng). Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, đặc biệt là 2 năm gần đây, trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid, cũng như nhiều lĩnh vực khác, hoạt động sáng tác văn học có nhiều khó khăn, hạn chế nhất định. Tuy nhiên, các nhà văn, nhà thơ đã không ngừng nỗ lực, cố gắng sáng tác bám sát đời sống thực tế, cho ra mắt nhiều tác phẩm văn học có giá trị. 

Các tác phẩm của các tác giả Đà Nẵng xuất bản gần đây.

Thơ thường xuyên là thể loại sáng tác chiếm tỷ lệ cao về số lượng. Riêng 5 năm qua, bình quân mỗi năm luôn có từ 5 đến 10 tập ấn hành, ra mắt bạn đọc. Trong đó nhiều tập giành được Giải thưởng cao của Trung ương và địa phương. 

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ có các tập thơ đáng chú ý như: "Phù sa rưng rưng" (Nxb Hội Nhà văn) và Ngăn kéo thời gian (Nxb Hội Nhà văn)… bởi những tác phẩm có tiết tấu mạnh mẽ, nội dung hàm súc, gần gũi về những khát vọng, trăn trở của thân phận người trí thức trước vận mệnh thăng trầm, buồn vui thời cuộc...  

"Nơi phòng đợi" của Thanh Quế (Nxb Quân đội nhân dân), gồm những bài thơ tác giả viết về quê hương xứ sở, tình gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cùng những chiêm nghiệm về thế thái nhân tình, cảm xúc ngồn ngộn, nhưng ngôn từ chắt lọc kỹ càng, sắc sảo và đôi khi đầy tính minh triết. "Kéo co mùa xuân" (Nxb Đà Nẵng) của Nguyễn Kim Huy là một tuyển tập thơ có chủ đề đậm nét về mùa xuân nhưng mùa xuân nơi đây chỉ là biểu tượng, nỗi ám ảnh với tác giả, thể hiện sự không ngừng sáng tạo để vượt qua lối mòn và vượt qua chính mình. "Phơi cơn mưa lên chiều" của Nguyễn Ngọc Hạnh (NXB Hội Nhà văn ấn hành) là những tình thân, tình yêu được nhà thơ chắt chiu nuôi dưỡng và gìn giữ; những vẻ đẹp của con người, của đời sống và quê hương... được thể hiện, biểu đạt qua ngôn từ nghệ thuật đầy sáng tạo, độc đáo. Một số tập thơ khác cũng đang chú ý như: "Tôi và sông" của Hoàng Thanh Thụy (NXB Đà Nẵng ấn hành), với hơn trăm bài như một dòng ký ức vô tận về quê hương, tình yêu, tình bạn. "Những ngọn gió khuya" (Nxb Văn học) của Ngân Vịnh  với những cảm xúc chân thành trước cuộc sống thường ngày, nhưng bạn đọc dễ nhận ra ông có những trăn trở qua nhiều thi tứ mới, lạ, khác với những thi phẩm trước đó của chính ông. "Biến tấu của giấc mơ" của Nguyễn Văn Tám, "Trong miệt mài tôi quên" của H'Man, "Dáng hình Tổ quốc" của Lê Anh Dũng, "Người thoáng hiện" của Tagore (Bùi Xuân dịch),  "Rồi từ đó" của Mai Hữu Phước, do Trần Minh Hiền dịch sang tiếng Anh ( (NXB Hội Nhà văn, 2020)…

Nhiều tác giả nữ có tác phẩm góp mặt như:  Đinh thị Như Thúy với "Trong những lời yêu thương" (NXB Hội Nhà văn), "Giới hạn" của Phan Hoàng Phương (NXB Đà Nẵng, 2020), "Chín chín nhịp" của Vạn Lộc và "Trầm tích" của Thụy Sơn… 

Ở mảng văn xuôi, trong 5 năm qua, một số tác phẩm được chú ý như: "Trầm"- Tập truyện ký của Phạm Phát. Đến nay, tuy tuổi đã cao (ngoài 85 tuổi), nhưng bút lực của tác giả  vẫn rất dồi dào. Bằng giọng văn súc tích, đã giúp người đọc có thêm cái nhìn nhân văn về tình yêu thương con người với những vết thương chưa lành hẳn khi họ bước ra khỏi cuộc chiến. "Nước mắt hạt bụi", tập truyện của Quế Hương, (NXB Trẻ) bằng trái tim đa cảm, yêu người, yêu đời, tác giả đã vẽ nên một bức tranh sinh động về những cảm nhận cuộc sống xung quanh mình, mang vẻ đẹp lung linh, ấm áp của tình yêu, tình người, tình đời, hoài niệm và bao dung... "Chó hoang" (Nxb Kim Đồng) của Bùi Tự Lực là tập sách viết cho thiếu nhi, với bút pháp được trau dồi, nội dung chất lượng cao, gửi gắm đến độc giả nhỏ tuổi rằng, "hãy yêu thương con người, yêu thương loài vật, bởi khi sống có tình yêu thương chúng ta mới hạnh phúc". Rất tiếc, đang giai đoạn sung sức nhất, tác giả đột ngột qua đời vào năm 2020, để lại nhiều khát vọng dở dang. "Dấu xưa xứ Quảng - Ký ức thành phố tiếng còi tàu"- Tản văn của Trần Trung Sáng, (Nxb Hội Nhà văn)  nội dung bao gồm các tùy bút, tản văn, ghi chép về Quảng Nam, Đà Nẵng, nhằm phản ánh đời sống văn hóa, truyền thống lịch sử, những nhân tố, con người… làm nên tính cách và sự độc đáo của đất và người xứ Quảng.

"Thằng nớ con nhà ai" của Trương Điện Thắng (Nxb Hội Nhà văn) gồm 19 truyện ngắn, nội dung hầu như khai thác rải rác những chuyện ẩn kín trong một ngôi làng miền quê đất Quảng, xâu chuỗi trong một không gian gần gũi với hình ảnh cây đa, bến nước, con đò, người nông dân một nắng hai sương  của miền quê thơ ấu. "Đi tìm huyền thoại cho đất" của Nguyễn Nhã Tiên (Nxb Đà Nẵng) gồm 45 bút ký viết về nhiều vùng đất đã qua, đậm đà chất thơ…

Được biết, theo thể lệ Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật TP Đà Nẵng lần thứ 4 (2015-2020), các phẩm tham dự Giải phải là những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật được tặng thưởng, giải thưởng từ các Hội chuyên ngành trở lên, được công bố trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-2015 đến ngày 31-2-2020. Ngoài các tác giả sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng; các tác giả là công dân Việt Nam, người nước ngoài không sinh sống tại Đà Nẵng nhưng có tác phẩm, công trình về thành phố Đà Nẵng đều được tham dự xét giải thưởng. Thời gian tổng kết và trao Giải thưởng dự kiến tổ chức vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng ( 29-3-1975 - 29-3-2022) 

TRẦN TRUNG SÁNG

Từ năm 2015 đến nay, sáng tác của các nhà văn TP Đà Nẵng tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới. Trong 5 năm qua, hội viên đã xuất bản gần 100 đầu sách. Thế hệ nhà văn thời chống Pháp, chống Mỹ và một số nhà văn trưởng thành sau 1975  tiếp tục lấy đề tài lịch sử và chiến tranh làm cảm hứng sáng tác chính của mình. Qua ngòi bút của Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Ngân Vịnh, Đông Trình, Phạm Phát, Hoàng Hương Việt… đề tài về lịch sử và chiến tranh được chú trọng khai thác với nhiều góc nhìn đa dạng, nhân văn. 

Bên cạnh đó, có nhiều tác giả dành tâm huyết viết về  mảnh đất và con người Đà Nẵng hôm nay. Thể loại nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học tiếp tục có những bước tiến mới so với thời gian trước.