Văn học Đà Nẵng - một năm nhìn lại
(Cadn.com.vn) - Theo biên bản kết luận của Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhà văn TP Đà Nẵng chiều 1-10 về việc xét tặng giải thưởng văn học năm 2016, trong số 8 tác phẩm gửi tham dự xét giải, bao gồm các thể loại tiểu thuyết, truyện ký, tùy bút, tập truyện ngắn, thơ...Kết quả có 2 tác phẩm được trao thưởng: tập truyện Thằng nớ con nhà ai của Trương Điện Thắng và tập thơ Nơi phòng đợi của Thanh Quế xếp loại A.
“Thằng nớ con nhà ai” của Trương Điện Thắng (Nxb Hội nhà văn) gồm 19 truyện ngắn, nội dung hầu như khai thác rải rác những chuyện ẩn kín trong một ngôi làng miền quê đất Quảng. Những trang viết của tác giả dẫn dắt từ những lời thơ, câu hát câu hò rồi mở rộng ra không gian rộng lớn của đất Quảng, từ những diễn biến khi chúa Tiên vào Quảng Nam mở rộng bờ cõi về phương Nam, đến sự chuyển đổi, cách tân của những món ẩm thực thuần Việt miền Bắc để cho ra đời cái bánh tráng, khoai lang chà, mắm cái, bánh tét..., nhưng “vẫn luôn kính trọng tổ tiên mình sau khi biết họ là ai, anh là ai”. Điều đáng nói, tuy là những câu chuyện riêng lẻ, độc lập, nhưng vẫn được tác giả xâu chuỗi trong một không gian gần gũi với hình ảnh cây đa, bến nước, con đò, người nông dân một nắng hai sương của miền quê thơ ấu, càng đọc càng thấy xao xuyến thương yêu…Câu chuyện Đà Nẵng, tiểu thuyết của nhà văn Thái Bá Lợi (Nxb Hội Nhà văn) dày hơn 300 trang, nội dung trải dài từ ngày thực dân Pháp chiếm đóng đến mãi sau này khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, điểm nhấn chính của câu chuyện khi xuất hiện nhân vật Ba Danh với vai trò Chủ tịch thành phố và Đà Nẵng phát triển nhờ các chính sách đổi mới. Nhân vật Ba Danh được nhà văn Thái Bá Lợi xây dựng dựa trên tính cách đặc trưng của con người xứ Quảng, như “nói và làm đến nơi đến chốn, khẩu khí ngang tàng, đối nhân xử thế có lúc cứng và thô ráp nhưng lòng dạ thẳng băng và ghét sự trí trá...”. Nhân vật đó cũng chính là hình ảnh về cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh mà nhà văn muốn xây dựng, gửi gắm.
“Ông Ba Danh trong tiểu thuyết và ông Nguyễn Bá Thanh ngoài đời có vẻ là một nhưng không phải như vậy. Chuyện về ông Nguyễn Bá Thanh trên các phương tiện thông tin đại chúng và lưu truyền trong dân chúng rất nhiều và rất hấp dẫn. Tôi chỉ sử dụng một phần trong số đó, phần nhiều là những điều ít được biết đến. Tất nhiên, giữa con người thật và nhân vật tiểu thuyết phải có độ vênh nhau, nó phụ thuộc vào ý đồ của tác giả khi xây dựng nhân vật. Nhiều người sau khi đọc Câu chuyện Đà Nẵng nói rằng ông Ba Danh dễ gần hơn ông Nguyễn Bá Thanh”-nhà văn Thái Bá Lợi bộc bạch.
Các tác phẩm tham gia xét tặng giải thưởng văn học năm 2016 TP Đà Nẵng. |
Với Dòng sông không yên tĩnh (Nxb Đà Nẵng), tiểu thuyết của nhà văn Đỗ Xuân Đồng lấy bối cảnh là dòng sông Trường Giang, một dòng sông... “ương ngạnh” của vùng đất Quảng Nam, không chịu chảy theo chiều Tây- Đông, từ Trường Sơn đổ xuôi về biển như Thu Bồn, Vu Gia, mà lại chảy dọc bờ biển, theo chiều Nam - Bắc, nối với cửa An Hòa (Núi Thành) ở phía Nam và cửa Đại (Hội An) ở phía Bắc; không có thượng nguồn, cũng không có hạ lưu... Xoay quanh nhân vật chính là Trường Giang, cùng các nhân vật khác như Hai Lãm, Mỹ Hằng, Tony Vũ, Helene Trần..., Đỗ Xuân Đồng đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện bắt đầu từ một làng quê ở ven sông Trường Giang, mà ở đó hầu hết nhân vật của anh, lúc đang là thời chiến hay trong thời bình, lúc ở quê cũng như lúc sống xa quê, vẫn cứ “mang vác” tâm hồn của con sông quê thân thiết vào trong cách sống, cách nghĩ của mình, với nhiều khúc biến tấu: êm đềm, thách thức, buồn vui, hạnh phúc, cay đắng, ngọt ngào...”.
Người lính (Nxb Đà Nẵng), truyện ký của Hoàng Văn Cung, tác giả lấy chính cuộc đời “ra đi làm lính” của mình để xây dựng cốt truyện, qua đó ghi lại thời thơ bé ở quê hương Thái Bình, cuống rốn của vựa lúa đồng bằng Bắc Bộ, nơi có con sông Trà Lý êm ái, hiền hòa...Xuyên suốt các trang viết là những nỗi niềm: nhớ lúa, nhớ khoai, nhớ ao đình, nhớ những lần cùng mấy đứa bạn đi bắt cào cào, đi câu tôm; nhớ trường, nhớ lớp, nhớ cô giáo chủ nhiệm, nhớ những gương mặt bạn bè và bóng dáng những người bạn gái..., nhưng nhớ nhất vẫn là hình bóng cha mẹ già và những người thân trong gia đình. Từ một học sinh vừa trúng tuyển vào đại học thì được gọi nhập ngũ, vào miền Nam chiến đấu, tác giả đã trở thành một người lính, rắn rỏi, cứng cáp, vượt qua những gian khổ chồng chất, chịu đựng được cái đói, những cơn sốt rét rừng tím tái để gắn bó, sống chết với đồng đội.
Sông vẫn chảy trong tôi, (Nxb Quân đội nhân dân), tùy bút của Huỳnh Viết Tư gồm 19 bài viết, trong đó, không gian đậm nét là những hình ảnh miền quê xứ Quảng, từng ngày đổi thay, đẹp hơn lên, quyến rũ lòng người, rộng hơn là những miền đất của miền Trung. Đặc biệt, có thể thấy, có một dòng sông quê thao thiết chảy qua những trang viết của Huỳnh Viết Tư, bởi tác giả sinh ra và lớn lên, nhất là tuổi thơ, gắn liền với vùng sông nước Cẩm Nam-Hội An, với dòng sông Thu Bồn. Nơi ấy, những cảnh trí, hội hè, sinh hoạt vẫn luôn đi và về trong nỗi nhớ của tác giả. Văn Huỳnh Viết Tư thấm đượm chất thơ và màu sắc quê hương. Những chi tiết, những hình ảnh về dòng sông, về núi rừng, về các cây cầu, về những mảnh đời xa quê (Vượt bão), về những con đường sang thu, hanh hao thời tiết, một nhịp cầu, một chút se lạnh và người con gái “làn tóc, bờ vai vương màu lá” (Thu đã sang, mùa vẫn nồng nàn)... dễ thường đánh đắm lòng người.
“Nơi phòng đợi” (Nxb Quân đội nhân dân), tuyển tập thơ bao gồm 45 bài thơ của Thanh Quế viết về quê hương xứ sở, tình gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cùng những chiêm nghiệm về thế thái nhân tình... Đặc biệt, ở tuyển tập thơ “Nơi phòng đợi” lần này, hầu hết là những sáng tác mới của Thanh Quế, với đề tài đa dạng, cảm xúc ngồn ngộn, nhưng ngôn từ chắt lọc kỹ càng, sắc sảo và đôi khi đầy tính minh triết. Mỗi người chúng ta đang sống tức là đang ngồi ở phòng đợi để đi vô căn phòng vĩnh cửu. Rất nhiều người ngồi ở phòng đợi vẫn tranh giành nhau từng tí một, mà họ quên rằng sẽ có một tiếng gọi như búa bổ tới mình. Cuộc sống hiện tại của chúng ta chính là phòng đợi để đi vào vĩnh cửu Chúng ta/Ngày càng xa lánh mọi người/Xa lánh xã hội/Để ép mình dẹp lại/Nằm gọn trong ví tiền (Con người đương đại). Hay như: Lịch sử nhiều khi nhầm lẫn/Người ta tôn vinh hay vùi dập một con người/Để lại một bể máu và nước mắt (Lịch sử). Ở bài Chúng ta thích được khen ông viết: Chúng ta thích được khen/Nên những người khen ta vây quanh ta chật cứng/Đến nỗi những định chê ta/Chẳng bao giờ dám bén mảng.
Trần Trung Sáng