Văn học thiếu nhi đất Quảng: Những mảng màu sáng-tối

Thứ hai, 17/03/2014 12:34

(Cadn.com.vn) - Văn học nói chung, văn học thiếu nhi nói riêng là mảnh đất nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, mang đến cho các em những cảm xúc dịu ngọt thời thơ ấu, giúp các em phát triển trí tuệ, nhân cách, hướng đến chân-thiện-mỹ. Tuy nhiên, khi bàn về văn học thiếu nhi Đất Quảng hiện nay, nhiều người chung nhận định: hụt hẫng!

Hầu hết thư viện trường học ở Quảng Nam thiếu vắng tác phẩm văn học thiếu nhi
Đất Quảng.

Hụt hẫng

Trong 20 năm trở lại đây, những tác phẩm viết cho thiếu nhi của hội viên Hội VH-NT Quảng Nam chỉ vỏn vẹn 7 tác phẩm, gồm các tập truyện: "Tý cô nương", "Mơ về phía chân trời" của Lê Trâm, "Đội bóng nhí xóm mới" của Tiêu Đình, "Tuổi thơ trong chiến tranh" của Nguyễn Tam Mỹ, "Mưa đầu mùa" của Phan Văn Minh, cùng các tập thơ "Quê nhà cô Tấm" của Phan Chín và "Sân cỏ tuổi thơ" của Lê Thị Điểm. Nhà thơ Phan Chín - Phó Tổng biên tập tạp chí Đất Quảng chia sẻ: "Văn học thiếu nhi có chỗ đứng cực kỳ khiêm tốn trong đời sống văn học cả nước, Quảng Nam chúng ta cũng nằm trong trường hợp ấy. Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông, được biết tác phẩm văn học thiếu nhi chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số sách được phát hành mỗi năm".

Nhà văn Nguyễn Đình Quý - Phó Chủ tịch Hội VH-NT Quảng Nam đã dùng từ "hụt hẫng" khi được hỏi về sáng tác văn học thiếu nhi Đất Quảng hiện nay. Theo nhà văn Nguyễn Đình Quý, các tác phẩm văn học thiếu nhi quá khiêm tốn là do lực lượng sáng tác văn học thiếu nhi quá mỏng. Các tác giả như Lê Trâm, Tiêu Đình, Phan Chín, Nguyễn Tam Mỹ... cũng không chuyên viết cho thiếu nhi. Nhiều em học sinh có năng khiếu văn học, được phát hiện và bồi dưỡng qua các trại sáng tác do tỉnh tổ chức, nhưng rồi sau đó, niềm đam mê văn học của các em cũng không được nuôi dưỡng bền vững. "Dường như các em có ảnh hưởng, chi phối của gia đình trong việc định hướng nghề nghiệp sau này nên đã chuyển sang những lĩnh vực khác để dễ kiếm tiền hơn, vì thế mà đam mê sáng tác bị phai nhạt..." - ông Quý nói.

Khi nói đến "bức tranh" văn học thiếu nhi Đất Quảng thời gian qua, nhiều hội viên Hội VH-NT tỉnh cùng không ít giáo viên đều khẳng định là quá nghèo nàn. Hầu hết các nhà thơ, nhà văn ở Quảng Nam đều lười viết cho thiếu nhi. Một số tác phẩm viết cho thiếu nhi nhưng bị xơ cứng, thiếu cảm xúc, cứ trượt hoặc đi song song chứ chưa tiệm cận với những ước muốn trong tâm hồn náo động của trẻ thơ hôm nay. Tuy tỉnh có những lợi thế như có Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung, có Hội VH-NT, câu lạc bộ văn nghệ ở các địa phương..., nhưng phương thức tổ chức hoạt động để hướng các em tham gia sáng tác, lĩnh hội các tác phẩm văn học gần như bế tắc. Trong khi đó, việc giáo dục văn học, nuôi dưỡng tâm hồn của học sinh trong trường học hiện nay cũng còn nhiều bất cập.

Tọa đàm văn học thiếu nhi Đất Quảng do Đài PT-TH Quảng Nam thực hiện.

Cần "bà đỡ" mát tay

Công bằng mà nói, mảng sáng tác văn học thiếu nhi Đất Quảng cũng được Hội VH-NT tỉnh, các ngành, hội đoàn thể, địa phương... quan tâm, cả về tác giả viết cho thiếu nhi và thiếu nhi viết. Hằng năm, quỹ hỗ trợ sáng tác văn học của Trung ương cũng ưu tiên mục tiêu đặc biệt nhất là sáng tác văn học thiếu nhi. Hội VH-NT tỉnh cũng đã tìm mọi cách khơi dậy văn học thiếu nhi, cả khuyến khích hội viên và các em sáng tác, ưu tiên chuyên mục "Văn học - Học văn" trên tạp chí Đất Quảng, mở trại sáng tác văn học thiếu nhi.

Đặc biệt, trại sáng tác văn học thiếu nhi hè 2013 do Hội VH-NT tỉnh tổ chức đã thu được những kết quả ngoài mong đợi: 21 trại sinh tham gia với 64 tác phẩm ở nhiều thể loại được đánh giá cao, nhiều tác phẩm được đăng tải trong chuyên mục "Văn học - Học văn" của tạp chí Đất Quảng. Đáng mừng là, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã tạo "sân chơi" văn học để các em học sinh tham gia sinh hoạt, trao đổi tác phẩm, trau dồi thêm kỹ năng sáng tác văn chương. Đó là môi trường tốt để nuôi dưỡng ước mơ sáng tác văn học của các em sau này.

Nói về việc cộng đồng chung tay vì mảng văn học thiếu nhi Đất Quảng trong thời gian tới, nhà văn Nguyễn Đình Quý cho biết: "Hằng năm, Hội sẽ mở trại sáng tác thiếu nhi quy mô hơn, chất lượng hơn; đồng thời tổ chức gặp mặt các em đoạt giải cao môn văn, phân công hội viên hướng dẫn các em có năng khiếu sáng tác văn học. Một trong những mục tiêu chính đại hội Hội VH-NT tỉnh nhiệm kỳ 2014-2019 là tạo lớp trẻ sáng tác văn học thiếu nhi. Nỗ lực của Hội cần có sự tác động của xã hội, nhà trường và gia đình...".

Nhà thơ Phan Chín cho biết, tạp chí Đất Quảng sẵn sàng in và công bố những tác phẩm có chất lượng của các em, với số lượng và tần suất không hạn chế. Hy vọng rằng, trên quãng đường còn rất dài ở phía trước, các em sẽ được gia đình, nhà trường, xã hội và nhất là những người có chức năng phát hiện, bồi dưỡng tài năng VH-NT, tiếp tục tạo điều kiện để giúp các em nuôi dưỡng tình yêu văn chương và khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của mình. Dù bị cạnh tranh bởi internet và các phương tiện khác nhưng các em thiếu nhi vẫn đam mê đọc sách, nhất là các tác phẩm văn học thiếu nhi. Do đó, cần phải có "bà đỡ" mát tay đối với các tác giả và tác phẩm viết cho thiếu nhi tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Thạch Hà