Vẫn khó phân luồng cho giáo dục nghề nghiệp
Ngày 2-8, ông Phan Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc Hội, Trưởng Đoàn giám sát- tại buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng trong thực hiện chính sách pháp luật về Giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Ông Phan Thanh Bình- Trưởng đoàn Giám sát- phát biểu tại buổi làm việc. |
Khó phân luồng
Ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP- cho biết: Trên địa bàn TP hiện có 64 cơ sở GDNN, gồm 20 trường cao đẳng (CĐ), 6 trường trung cấp (TC), 11 Trung tâm GDNN và 27 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Tổng quy mô tuyển sinh đào tạo là 52.563 HS-SV với 260 ngành nghề đào tạo. Bên cạnh ưu điểm và những mặt đã đạt được, trong quá trình triển khai, hoạt động GDNN ở Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, đặc biệt là việc phân luồng và hướng nghiệp HS sau tốt nghiệp THCS & THPT.
Giải đáp một số vấn đề do các thành viên trong Đoàn Giám sát đặt ra liên quan đến công tác phân luồng GDNN, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho rằng, đây là vấn đề kể cả hiện nay lẫn tương lai sẽ còn gặp nhiều khó khăn nếu không quyết liệt chỉ đạo, không có chính sách từ phía Trung ương. Thứ nhất là do nhận thức của xã hội vẫn muốn con học ĐH hơn học nghề. Thứ đến là cơ sở vật chất, đội ngũ, chất lượng của các cơ sở GDNN hiện chưa đáp ứng được. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào ĐH ngày càng tăng nên thu hút người học.v.v.
Phó Chủ tịch TP Lê Trung Chinh cho rằng, chính sách về GDNN mới còn nằm trên giấy, ý tưởng rất hay..., nhưng thực hiện thì chỉ mới một phần rất nhỏ trong những chủ trương lớn của Đảng. Đi vào vấn đề thực tế tại Đà Nẵng, về vấn đề phân luồng GDNN, Phó Chủ tịch TP Lê Trung Chinh thừa nhận, tỷ lệ phân luồng chưa đạt như mong muốn, dù TP rất quan tâm đến vấn đề này.
Chất lượng đào tạo quyết định nhiều vấn đề
Trưởng đoàn Giám sát Phan Thanh Bình đánh giá cao việc Đà Nẵng đã triển khai tốt Luật GDNN. Đà Nẵng cũng làm tốt việc phối hợp với các DN, nhất là mô hình khuyến khích cho các DN đào tạo và có sự hỗ trợ đào tạo cho DN. Đặc biệt, lãnh đạo TP rất quan tâm và nắm sâu về lĩnh vực GDNN...
Ông Phan Thanh Bình cho rằng, đối với những TP lớn, cạnh tranh nguồn nhân lực là phải cạnh tranh cả khu vực. Theo đó, trong đào tạo nguồn nhân lực GDNN, Đà Nẵng không chỉ đào tạo cho địa phương mà là cả khu vực miền Trung và phải hướng đến đào tạo để xuất khẩu lao động đi nước ngoài. Đồng thời, cần đặt GDNN trong tổng thể của hệ thống GD Quốc dân, chứ không được tách riêng. Vì thế, vấn đề liên thông như thế nào trong quá trình GDNN cần được quan tâm, chú trọng.
Trong bối cảnh người dân, xã hội Việt Nam rất “chuộng bằng cấp”, một vấn đề cần được nhìn nhận kỹ: Tập trung phân luồng lớp 9 hay lớp 12? Để GDNN phát triển mạnh, không gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, theo ông Phan Thanh Bình, vấn đề chất lượng và đầu ra của các trường nghề rất quan trọng. Phải đào tạo làm sao để khi ra trường có việc làm, có lương cao chắc chắn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về đầu ra đối với các trường nghề. “Thực tế cho thấy, trường nào giỏi, mạnh thì không khó trong vấn đề tuyển sinh. Điều đó cho thấy, chất lượng đào tạo và đầu ra sẽ quyết được vấn đề trong tuyển sinh. Hãy chứng minh được điều này bằng hệ thống GDNN của chúng ta”- ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
P.THỦY