Vấn nạn chăn nuôi gia súc thả rông trong nội thi: Cần xử lý mạnh tay
(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, trên địa bàn Đà Nẵng, tình trạng chăn nuôi gia súc theo kiểu thả rông trong nội đô có nhiều diễn biến phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT) mà còn gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Nóng nhất về thực trạng này là các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều hộ dân chưa kịp chuyển đổi ngành nghề nên vẫn còn mưu sinh bằng cách nuôi gia súc trong khu đô thị.
Cụ thể, lợi dụng những khu đất trống đã phân lô tái định cư nhưng chưa xây nhà cỏ mọc um tùm, hằng ngày các hộ dân lùa gia súc đến cho ăn cỏ. Thêm nữa, một số hộ chuyên kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, sau khi mua bò và dê về Đà Nẵng thường vỗ béo một thời gian trước khi đưa đi giết thịt. Do hầu hết bò, dê không được nuôi nhốt và buộc dây nên chúng đi lại tự do, phóng uế bừa bãi, có trường hợp đi ra cả đường nhựa, nơi có mật độ phương tiện lưu thông dày đặc.
11 con bò thả rông bị UBND P. Hòa Thọ Đông lập biên bản tạm giữ. |
Tại Q. Liên Chiểu, tình trạng gia súc thả rông vào Khu công nghiệp, Khu đô thị, Khu thể thao của CLB bóng đá SHB Đà Nẵng và các khu dân cư gây bức xúc cho người dân. Ở khu đô thị mới thuộc địa bàn P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) đã từng xảy ra tai nạn giữa người điều khiển xe máy với bò thả rông. Hậu quả, một con bò bị xe tông chết, còn người điều khiển thương tích. Ở Q. Cẩm Lệ, ngoài việc "tấn công" vào các khu đô thị mới, bò thả rông còn đi lang thang ở các tuyến đường trong khu dân cư thuộc các phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa An, Hòa Phát và Hòa Xuân. Đặc biệt, tại P. Hòa Thọ Tây đã xảy ra tình trạng công nhân đi xe máy bị thương tích khi tông phải gia súc thả rông vào Khu công nghiệp Hòa Cầm.
Trước thực trạng này, hầu hết các địa phương đều đề ra giải pháp xử lý nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để. Tại P. Hòa Xuân, sau khi thông báo công khai và đề nghị các hộ chăn nuôi gia súc ký cam kết, Chủ tịch UBND phường kiên quyết xử phạt vi phạm hành vi thả rông bò vào khu đô thị. Ngoài việc phạt tiền chủ bò, chính quyền còn khuyến khích, thưởng nóng cho những ai phát hiện bò thả rông trong khu đô thị và thông báo đến cơ quan chức năng.
Kiên quyết và mạnh tay nhất trong việc này phải kể đến UBND P. Hòa Thọ Đông. Sau nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính nhưng vấn nạn gia súc thả rông vẫn tái diễn, UBND P.Hòa Thọ Đông quyết định lập điểm tạm giữ bò thả rông để xử lý nghiêm chủ sở hữu. Bà Trương Thị Mỹ Linh, Phó Chủ tịch UBND P. Hòa Thọ Đông cho biết, ngày 27-9, từ thông tin phản ánh của người dân, UBND phường lập biên bản tạm giữ 11 con bò thả rông tại tuyến đường Nguyễn Thế Lịch.
Số bò này được đưa về điểm tạm giữ ở đường Nguyễn Nhàn và thông báo cho chủ sở hữu đến giải quyết. Nếu quá hạn 5 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra mà chủ bò không đến, UBND phường sẽ chuyển tang vật lên khu vực xã Hòa Phú (H. Hòa Vang) để nhờ người nuôi và tiếp tục xử lý theo luật định. Trước sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, ngày 1-10, có 3 chủ sở hữu của 11 con bò thả rông đến nhận và chấp hành mức phạt tiền cùng công chăm sóc lên đến trên 8 triệu đồng. Kể từ khi xử phạt nghiêm, tình trạng gia súc thả rông trên địa bàn phường này đã giảm đáng kể.
Tác hại của vấn nạn chăn nuôi gia súc thả rông cho môi trường, đô thị TP Đà Nẵng là khá rõ. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, ngoài việc xử lý nghiêm, chính quyền các cấp cũng phải có chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các hộ chăn nuôi. Với những trường hợp chăn nuôi có số lượng nhỏ ở vùng ngoại ô thành phố, nơi có mật độ dân cư thưa thớt, cần khuyến cáo người dân nên lập chuồng trại và có dây buộc gia súc. Tuyệt đối không nên chăn nuôi theo kiểu thả rông, bởi rất khó kiểm soát việc gia súc thang thang vào khu dân cư và đô thị.
Nguyên Thảo