Vấn nạn trồng cây cần sa tại Tây Nguyên vẫn diễn biến phức tạp
Theo Công an huyện Chư Sê, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng nghiệp vụ Công an huyện phát hiện một đối tượng có dấu hiệu trồng, sơ chế cần sa làng Ser-Dơ Mó (xã Kông Htok) để bán. Khoảng 15 giờ ngày 19-12, Công an huyện Chư Sê tiến hành "đột kích" căn chòi rộng khoảng 12m2 nằm trong vườn nhà đối tượng Hồ Văn Anh (1989) tại làng Ser-Dơ Mó phát hiện, thu giữ 12kg hoa, lá thảo mộc đang được sấy khô (nghi là cần sa). Căn chòi sấy nói trên được dựng bằng khung gỗ, tường bọc giấy bạc và có 23 bóng đèn sấy loại 250w. Tiếp tục khám xét hiện trường, cơ quan Công an thu giữ tại khu vực nhà ở và chuồng bò của đối tượng Anh (cũng tại địa chỉ làng Ser-Dơ Mó) khoảng 1,6 kg cần sa đã được sấy khô cùng nhiều tang vật khác; tại vườn sau nhà có 60 cây cần sa (chưa thu hoạch); 30,5kg (gốc rễ, thân, lá, cành cây cần sa) vừa được thu hoạch.
Qua đấu tranh, đối tượng Hồ Văn Anh khai nhận toàn bộ thảo mộc trên là cần sa đã được sấy khô. Bước đầu, Anh khai nhận, khoảng tháng 7-2022, đối tượng đặt mua hạt giống cần sa trên mạng xã hội Facebook đem về trồng trên diện tích khoảng 600m2 vườn nhà tại làng Ser-Dơ Mó. Đến đầu tháng 12-2022, Anh bắt đầu thu hoạch, chia thành nhiều đợt cho đến nay. Hồ Văn Anh cho biết việc trồng, thu hoạch, sơ chế cần sa với mục đích để bán cho người khác. Công an huyện Chư Sê đang tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Văn Anh để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Tương tự, thời gian qua các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk cũng phát hiện, xử lý nhiều vụ trồng trái phép cây cần sa nhằm mục đích mua bán. Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, trong 11 tháng của năm 2022, Công an các cấp đã phát hiện 23 vụ, 30 đối tượng trồng trái phép cây cần sa; thu giữ 8.228 cây cần sa tươi và 34,83kg cần sa khô. Cơ quan CSĐT các cấp đã ra khởi tố 10 vụ, 17 bị can về các hành vi: “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Trồng trái phép cây có chứa chất ma túy”…
Điều đáng nói, việc trồng cây cần sa không chỉ diễn ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực hẻo lánh như những năm trước, mà còn xuất hiện ở địa bàn TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Điển hình như 4 vụ trồng cây cần sa với quy mô lớn tại rẫy của 4 hộ dân ở xã Hòa Thuận (TP Buôn Ma Thuột) bị Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy- Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện, tiêu hủy 1.512 cây cần sa, thu giữ 51,7 kg cần sa khô. Hoặc như vụ việc Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy- Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện vườn ươm hàng trăm cây cần sa trong rẫy của hộ ông Mang Chí Hùng (1970) ở xã Hòa Thuận. Khu vườn ươm này được đầu tư hệ thống quạt làm mát, đèn led chiếu tia cực tím để chăm sóc cây cần sa. Đặc biệt, qua khám nghiệm hiện trường các vụ việc trên, cơ quan Công an nhận thấy, các đối tượng xây tường rào cao bao quanh rẫy, giăng thép gai, có gắn camera theo dõi người lạ và để che đậy hành vi phạm pháp.
Còn tại địa bàn tỉnh Đắk Nông, tình trạng trồng trái phép cây cần sa cũng diễn ra rất phức tạp, nhất là tại các khu vực nương rẫy xa khu dân cư, vùng giáp ranh, các điểm gần sông, suối… Là một trong những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc người dân trồng cây cần sa trái phép, theo lãnh đạo Công an huyện Đắk Glong, để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, ngoài trách nhiệm của lực lượng Công an thì chính quyền địa phương cấp cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về tác hại của loại cây có chất ma túy này. Bởi nhiều người dân không biết về cây cần sa và hậu quả, tác hại của nó, thậm chí, nhiều người do thiếu hiểu biết mà bị lừa trồng cây cần sa hoặc đơn giản chỉ nghĩ đây là cây trồng để dùng phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Do đó, để kịp thời phát hiện và triệt xóa loại tội phạm này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, thiết nghĩ các cơ quan, ban, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nhận biết được các loại cây có chứa chất ma túy. Đồng thời, phát huy vai trò của người dân trong phát hiện, tố giác tội phạm thông qua các hòm thư tố giác tội phạm và trang thông tin về ANTT tại địa phương.
P.V