Văn phòng thừa phát lại loay hoay tạo "chỗ đứng"

Thứ ba, 17/03/2015 11:10

(Cadn.com.vn) - Thừa phát lại là một hình thức cung cấp dịch vụ tư pháp mới mẻ, đang được đưa vào thực hiện thí điểm tại một số địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, sau 1 năm thí điểm thực hiện, hoạt động này vẫn còn xa lạ với nhiều người dân, thậm chí cũng xa lạ đối với không ít cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và mục tiêu đặt ra trong lộ trình cải cách tư pháp.

Chế định thừa phát lại có ở Việt Nam từ trước năm 1954, thế nhưng trong khoảng 60 năm sau đó khái niệm này ít được sử dụng và phải đến vài năm gần đây  cụm từ "Thừa phát lại" mới xuất hiện lại. Mô hình Thừa phát lại này khá hữu ích và văn minh trong đời sống xã hội, cần được tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu được khái niệm, vị trí, vai trò của thừa phát lại.

Hiện nay, chế định thừa phát lại đang được triển khai thí điểm tại 12 địa phương trong cả nước. Phần lớn người dân biết đến hoạt động của loại hình dịch vụ tư pháp này thông qua các chương trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Sở Tư pháp địa phương hoặc thông qua giới thiệu của người quen...

Hiện nay, hoạt động của một số Văn phòng Thừa phát lại chủ yếu là lập vi bằng theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự, khách hàng; trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự; thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự... Vì vậy, để phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại, các cơ quan chức năng cần triển khai tuyên truyền, giải đáp, phổ biến pháp luật rộng rãi và thiết thực hơn tới đông đảo người dân, giúp họ thêm kiến thức hiểu biết pháp luật và tự họ có ý thức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Một Văn phòng Thừa phát lại đang tư vấn cho khách hàng.  Ảnh: Internet.

Nhằm thực hiện cải cách tư pháp, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện thí điểm chế định này. Theo quy định hiện hành, thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện một số công việc theo quy định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tên gọi "Thừa phát lại" gây nhiều sự khó hiểu cho các cá nhân, thậm chí là đối với các tổ chức, đơn vị.

Hiện tại, Sở Tư pháp tại các địa phương đang triển khai một loạt các biện pháp giới thiệu hình thức dịch vụ tư pháp thừa phát lại với người dân; chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan: Tòa án, Cục thi hành án dân sự... tổ chức tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án cho thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ thừa phát lại. Ngoài ra, các Văn phòng Thừa phát lại cũng đã chủ động phối hợp với cơ quan Tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự, UBND các quận, các phường để triển khai thực hiện công việc theo luật định.

Thực tế, việc thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại một số địa phương cho thấy, các Văn phòng Thừa phát lại đang loay hoay tạo dựng thương hiệu, giúp người dân làm quen với hình thức hoạt động này. Bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của các Văn phòng Thừa phát lại, cũng rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, sự ủng hộ của người dân và xã hội.

Trong bối cảnh cải cách tư pháp, thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại này cần được sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, để nền tư pháp của nước ta phù hợp hơn với công pháp quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

N.T