Vận tải hành khách đường bộ bắt đầu phục hồi
Nhà xe chặng ngắn thắng lớn
Kết thúc kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, các nhà xe chạy chặng ngắn các tỉnh miền Trung thắng lợi khi gần như "no" khách ở cả 2 chiều. Khác với dịp nghỉ Tết xe chỉ đầy một chiều từ Đà Nẵng ra Bắc và lên Tây Nguyên, kỳ nghỉ lễ này luôn ở tình trạng full ghế vì chiều đi phục vụ người dân về quê, chiều về chở người đi tham quan, du lịch. Anh Tuấn Anh - đại diện nhà xe Hiếu Hoa chạy tuyến các tỉnh Bắc miền Trung cho biết, khoảng từ ngày 25-4 vé từ Đà Nẵng đi các tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An đã được mua hết do nhu cầu người dân về quê nghỉ lễ bên gia đình. Tương tự vé từ các tỉnh nói trên vào Đà Nẵng cũng "cháy" do rất đông người dân trở lại Đà Nẵng du lịch sau 2 năm ở nhà vì dịch bệnh. "7 xe giường nằm của chúng tôi hoạt động hết công suất để phục vụ bà con. Lâu lắm rồi mới có chuyện cháy vé, xe đi về liên tục và luôn no khách. Tuy chỉ mới đạt khoảng 70% so với năm 2019 trở về trước nhưng mong ngành vận tải hành khách được đà, khôi phục trở lại một cách tích cực", anh Tuấn Anh cho biết.
Theo ông Đỗ Công Mến - Chủ hãng xe Tân Quang Dũng có 10 đầu xe chạy tuyến Đà Nẵng - Quảng Trị, trong kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 nhà xe huy động hết phương tiện để phục vụ bà con. Không chỉ người dân đang làm ăn sinh sống tại Đà Nẵng về nghỉ lễ, tham gia nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị mà bà con địa phương cũng liên tục đi tham quan, du lịch khiến công suất các xe luôn đạt tối đa. "Thời gian đi về hợp lý, giá vé vừa phải, thủ tục đơn giản nên hành khách ưu tiên lựa chọn để đi về. Sau 2 năm vất vả, 2 kỳ nghỉ lễ vừa qua người lao động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải hành khách có nguồn thu, doanh nghiệp có lãi sau khi trừ chi phí. Dù còn nhiều khó khăn nhưng đây là tín hiệu tích cực", ông Mến chia sẻ.
Tại Bến xe Đà Nẵng, các nhà xe Hải Vân, Hải Hoàng Gia, Vạn Lục Tùng, Tuấn Thành, Sơn Tùng, Kim Chi… cũng cho biết, tuy chưa thể đánh giá toàn cảnh về vận tải hành khách sau dịch, đặc biệt là du lịch cả nước mở cửa hoàn toàn, nhưng kỳ nghỉ lễ vừa qua là cú hích quan trọng để phục hồi. Các đơn vị kinh doanh vận tại hiện đang lấy ngắn nuôi dài, tức là lấy chiến dịch cao điểm để bù cho các thời điểm vắng khách, lấy phương tiện chặng ngắn có khách hai chiều "co kéo" thêm cho các chặng dài chỉ khai thác hiệu quả một chiều.
Khó khăn bủa vây
Dù có "trận thắng" nhỏ tạo khí thế nhưng chiến dịch dài hơi của các doanh nghiệp vận tải hành khách đang đối mặt với nhiều thách thức khi giá xăng dầu liên tục tăng, phí đường bộ ở mức cao và phải chịu sự cạnh tranh của vận tải hàng không ở các tuyến đường dài khi vé máy bay giảm mạnh.
Ông Hồ Văn Tùng - Giám đốc Cty Hải Vân, đơn vị có nhiều đầu xe chạy từ Đà Nẵng đi các tỉnh miền Trung cho hay, ngay sau khi vận tải mở cửa, giá xăng dầu trong nước liên tục biến động với xu thế tăng nhiều - giảm ít đã khiến doanh nghiệp vất vả trong việc thích ứng. Cùng với đó, phí đường bộ cao cũng khiến cho các khoản chi cho một chuyến xe xuất bến phát sinh chi phí lớn. Không điều chỉnh tăng giá vé thì lỗ, mà tăng giá trong bối cảnh người dân còn nhiều khó khăn thì rất dễ tự đánh mất thị trường. Cùng mối lo này, ông Đỗ Công Mến cũng cho biết rất cân nhắc khi điều chỉnh giá vé từ 100 nghìn lên 120 nghìn đồng cho tuyến Đà Nẵng - Quảng Trị để cân đối thu chi. "Chỉ tính riêng chi phí cứng như xăng dầu, nhân công, phí đường bộ, mỗi chuyến xe đi từ đầu A đến đầu B mất khoảng 6 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng khó khăn, bà con nhân dân cũng vừa đi qua thời điểm dịch bệnh. Cùng với việc tăng giá vé với biên độ rất nhỏ, chúng tôi phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Bây giờ phải co kéo để ổn định, lợi nhuận thấp nhưng tồn tại được đã là may mắn", ông Mến chia sẻ.
Không chỉ chịu áp lực về chi phí, vận tải hành khách đường bộ còn đối mặt với sự cạnh tranh của hàng không ở những tuyến xa như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận 2 thành phố lớn này. Kể từ sau Tết Nguyên đán, các nhà xe đã ghi nhận xu hướng khách hàng quen thuộc chuyển qua đi máy bay vì giá vé chỉ nhỉnh hơn đi ô-tô rất ít mà thời gian đi về nhanh hơn. "Hiện tại, ngoài các tuyến gần đang ổn định khách vì di chuyển thuận lợi, giá vé ổn định thì các chặng xa đã ít hơn do người dân có điều kiện chuyển qua đi máy bay. Cho nên nói vận tải hành khách đường bộ phục hồi là chỉ trong một phạm vi thuận lợi nhất cho khách. Còn lâu dài thì các doanh nghiệp đang đối mặt với việc bị hàng không cạnh tranh. Cho nên không có con đường nào khác là ổn định giá vé và nâng cao chất lượng dịch vụ", đại diện nhà xe Hiếu Hoa cho hay.
Đông A