“Vàng tặc” lộng hành ở Bồng Miêu (Kỳ 3: Cty 6666 “tát nước theo mưa”)

Thứ sáu, 15/03/2019 16:20

Mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Cty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản Công nghiệp 6666 (Cty 6666) dừng mọi hoạt động để khắc phục các vấn đề về môi trường còn tồn tại nhưng Cty vẫn bất chấp, lén lút hoạt động khiến tình hình ô nhiễm ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu càng thêm trầm trọng.

Dù đã bị đình chỉ nhưng Cty 6666 vẫn thường xuyên lén lút hoạt động (ảnh chụp ngày 7-3). 

Cty 6666 được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư và cho phép khai thác, chế biến tận thu kim loại từ quặng đuôi thải của mỏ vàng Bồng Miêu từ năm 2013. Sau 3 năm hoạt động, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nhận thấy, Cty còn nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tại các xưởng chế biến tận thu kim loại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều lần Cty chế biến quặng để nước trong bể thải chảy ra ngoài sông Bồng Miêu khiến cá chết hàng loạt. Do vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã có các văn bản yêu cầu Cty dừng hoạt động để tập trung khắc phục các vấn đề về môi trường và giao cho UBND H. Phú Ninh quản lý. Tuy nhiên, qua các lần kiểm tra, lực lượng chức năng thường xuyên phát hiện Cty 6666 lén lút hoạt động.

Cụ thể, trong 2 năm 2017 và 2018, lực lượng chức năng đã tổ chức gần 10 đợt kiểm tra đột xuất đều phát hiện Cty 6666 có hoạt động, ngâm ủ xái quặng tại khu vực Hố Lò 5, suối Trang và các đập thải của Cty khai thác vàng Bồng Miêu. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản yêu cầu Cty 6666 dừng mọi hoạt động, nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ môi trường còn tồn tại. Thế nhưng Cty 6666 vẫn chây ì, không có hướng khắc phục môi trường, vẫn lén lút hoạt động. Theo phản ánh của người dân xã Tam Lãnh (H. Phú Ninh, Quảng Nam), từ tháng 11-2018 đến nay, Cty 6666 vẫn hoạt động trong khi UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần yêu cầu Cty dừng mọi hoạt động chế biến, tận thu kim loại vàng, chì trên địa bàn xã Tam Lãnh để khắc phục các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường. Trước những bức xúc đó, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri có lãnh đạo huyện, tỉnh tham dự, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Chất thải của Cty 6666 đổ tràn lan ra môi trường.

Ngày 7-3, tại thời điểm chúng tôi có mặt, Cty 6666 vẫn hoạt động. Có một xe cẩu đang múc đất, nhiều máy nổ đang hoạt động trong xưởng. Ngoài ra, cạnh suối Trang có nhiều khu vực được múc lấy đất, sau đó lượng lớn xái quặng đã qua chế biến được tập kết tại các ao này bốc mùi nồng nặc... Điều này cho thấy Cty vẫn lén lút chế biến khoáng sản trong thời gian dài bất chấp những yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam...Trao đổi về sự việc trên, ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, mặc dù Cty 6666 đang bị đình chỉ nhưng qua kiểm tra cho thấy Cty này vẫn lén lút hoạt động.

“Cuối tháng 10-2018, UBND xã Tam Lãnh phối hợp với Đồn CA Tam Lãnh kiểm tra phát hiện tại nhà máy của Cty 6666 có công nhân đang làm việc; 4 hồ xái quặng đã xử lý, 4 hồ khác đang xử lý, 4 hồ mới xây bên cạnh và một lượng lớn xái quặng bên ngoài hồ. Do vậy, đoàn kiểm tra quyết định lập biên bản đình chỉ mọi hoạt động. Mới đây ngày 28-2, UBND xã Tam Lãnh phối hợp với đồn CA Tam Lãnh tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra tình hình hoạt động của Cty 6666, tại hiện trường có 2 công nhân đang ở tại nhà máy, 8 hồ xái quặng (trong đó 4 hồ xái quặng đã xử lý, 4 hồ xái quặng đang xử lý; có 4 hồ con mới xây bên cạnh và một lượng lớn xái quặng bên ngoài hồ). Tại buổi kiểm tra, không có người đứng ra lập biên bản xác minh tại hiện trường. Theo đó đoàn kiểm tra thống nhất yêu cầu phía Cty dừng mọi hoạt động tại các cơ sở của nhà máy công ty 6666”- ông Vinh thông tin.

Còn ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND H. Phú Ninh cho biết thêm, kết quả kiểm tra cho thấy Cty 6666 vẫn lén lút hoạt động trong khi chưa được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép. Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường tại địa phương, UBND H. Phú Ninh yêu cầu Cty 6666 nghiêm túc chấp hành đúng yêu cầu của UBND tỉnh dừng ngay mọi hoạt động chế biến, ngâm ủ xái quặng tận thu vàng tại các nhà máy trên địa bàn xã Tam Lãnh. Đối với xái quặng đã được tập kết cần có các biện pháp che chắn không để xái quặng tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Khẩn trương khắc phục các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy, có báo cáo UBND tỉnh, Sở TN&MT kiểm tra, thống nhất cho phép mới được hoạt động trở lại.

LÊ VƯƠNG - BÃO BÌNH