Vầng trăng xóm Rừng (Kỳ cuối: Mẹ là tượng đài bất tử)

Thứ năm, 21/12/2017 10:48

Hồi Mẹ còn sống, mỗi lần đến thăm Mẹ, nhìn Mẹ nằm trên giường ở góc nhà, trên tường cao là 11 tấm Bằng Tổ quốc ghi công mà lòng không nén được xúc động. Mười một cái lư hương trên một bàn thờ, giờ đây đã gom lại một chiếc lư hương lớn đặt giữa bàn thờ như để nói với con, với rể, với cháu rằng tất cả linh hồn của con của cháu đều nằm trong trái tim của Mẹ. Và trái tim ấy chỉ có một ở trên đời. Con của Mẹ, chín con là chiến sĩ/ Sinh nở một đời/ Không chỉ chín lần đau/ Mẹ vẫn còn/Mẹ đã tựa vào đâu/ Tựa vào đâu Mẹ còn đây hỡi Mẹ ?. Nhà thơ Nguyễn Quân đã có những câu thơ xoáy lòng trong một lần về thăm Mẹ Thứ.

 

"Xây dựng tượng đài bà Mẹ Việt Nam Anh hùng"-nguyên mẫu là Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, quê Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; có 9 con trai, một con rể và một cháu ngoại đều là liệt sĩ; là chủ đề của cuộc tọa đàm xúc động được Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức và trực tiếp phát thanh trên cả nước vào trưa ngày 27-7-2004 - nhân kỷ niệm 57 năm ngày TB-LS. Nội dung tọa đàm được phát đi từ trường quay của Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam (QRT). Thời lượng phát sóng dự kiến là một tiếng rưỡi (từ 11giờ đến 12giờ 30 phút) trên sóng hệ Thời Sự tổng hợp của Đài Tiếng nói Việt Nam, thế nhưng qua đường dây điện thoại trực tiếp có rất nhiều bạn nghe đài trong cả nước từ học sinh, sinh viên đến các đồng chí cách mạng lão thành điện về trao đổi trực tiếp với các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Ban ngành liên quan, đang tham dự cuộc tọa đàm và tự nguyện đăng ký đóng góp tiền để xây dựng tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng...Vì vậy Ban tổ chức phải tăng thêm 30 phút thời lượng.

Với tất cả tấm lòng dành cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, dành cho Mẹ Thứ, mỗi lời phát biểu, mỗi lời trao đổi giữa những người có mặt trong cuộc tọa đàm với bạn nghe Đài cả nước đều bùi ngùi, xúc động, giọng nói của phát thanh viên nhiều khi cũng nghẹn ngào... Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Minh Khoa ở Kon Tum, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Vũ Ngọc Hoàng nói: "Văn hóa tiêu biểu của Việt Nam chính là tinh thần yêu nước, vì vậy tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nguyên mẫu là Mẹ Thứ phải thật sự có hồn. Đó là hồn đất nước, hồn dân tộc... Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Bà mẹ Thứ đã hiến dâng cho Tổ quốc những đứa con thương yêu của mình và họ đã trở thành những nguời Anh hùng...". "Đêm ở nhà Mẹ Thứ" là phóng sự của nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện được phát sóng ngay trong cuộc tọa đàm đã lan toả đi mọi miền đất nước, khiến người nghe càng thêm cảm động. Trong lúc trò chuyện với Mẹ, phóng viên hỏi: "Xây dựng tượng đài cho Mẹ, Mẹ thích đặt ở đâu? Mẹ Thứ nói: "Phải đặt mẹ ở gần những đứa con, đứa cháu của mẹ". Mẹ Thứ-người Mẹ giàu lòng yêu nước đã từng nói rằng cứ mỗi lần nghe quân thù bắn chết dân mình và nghe lời Bác Hồ kêu gọi kháng chiến là Mẹ không chịu được, Mẹ động viên con cháu mình đi chiến đấu mặc dù trong lòng Mẹ đau khổ đến tận cùng. Rồi những đứa con, đứa cháu của Mẹ ra đi không trở về, lòng Mẹ một lần nữa như muối xát, kim châm. Bài hát "Người mẹ Quảng Nam" của nhạc sĩ Doãn Nho ngân lên từ trường quay QRT - từ lòng đất Quảng qua giọng hát của ca sĩ Thu Mây (Đoàn nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa Thông tin Quảng Nam). "Chín - con - ra - đi - không - một - đứa - trở - về - ...", chín ca từ, chín nốt nhạc, lúc trầm, lúc bổng, như ai oán, như tự hào. Đó là một trong những câu ca từ trong bài hát, mát và xanh như dòng sông Thu Bồn quê Mẹ. Nhạc sĩ Doãn Nho đã viết về Mẹ Thứ như thế. Trong một lần ghé thăm Mẹ, ông Trần Xuân Sầm ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội) đã ghi tặng Mẹ 4 câu thơ: "Nước mắt không còn để mà rơi - Mẹ khóc chín con đã cạn rồi - Chỉ còn vài giọt trong lòng mẹ - Tưới lên đất nước để sinh chồi."

Tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến của bạn nghe đài điện về mong mỏi tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng phải sớm được xây dựng trước khi Mẹ qua đời, vì năm ấy Mẹ Thứ đã 101 tuổi. Lúc ấy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ tích cực vận động kinh phí để xây dựng sớm tượng đài, khánh thành vào ngày 27-7-2005. Ông Lê Đức Ngò, một cán bộ hưu trí ở Hà Nội điện vào bày tỏ tình cảm tha thiết của mình đối với mẹ Thứ, ông cảm ơn Đài Tiếng nói Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam đã có sáng kiến này, giúp cho ông và nhân dân cả nước "gặp" được Mẹ Thứ, nghe Mẹ hát ru con như những ngày mẹ nuôi con trong kháng chiến. Ông Lê Đức Ngò nói: "Lương hưu trí của tôi mỗi tháng 654.000đ, tôi chỉ để lại 154.000đ đủ sinh hoạt trong tháng, số tiền còn lại tôi xin đóng góp để xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - tượng đài Mẹ Thứ. Sau khi đủ 10 tháng từ tháng 08-2004 đến tháng 05-2005 tôi sẽ chuyển đến Ban tổ chức 5 triệu đồng". Ông Lê Đức Ngò đã khiến cho tất cả mọi người tham dự cuộc tọa đàm và bạn nghe đài trong cả nước lặng người và suy nghĩ thật nhiều về nghĩa cử cao đẹp đó. Đó là một tấm lòng trong muôn vạn tấm lòng của nhân dân đối với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đối với Mẹ Thứ. Chúng ta đã thấy hình ảnh Mẹ Thứ - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tạc giữa đất trời Quảng Nam - Việt Nam, nhắc nhở cho muôn đời sau về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".

Lời thưa với Mẹ!

Mẹ Thứ  yên nghỉ nơi quê nhà đã lâu. Nhưng hình ảnh một bà mẹ quê ngồi tựa cửa, tay ngoáy trầu, mắt nhìn ra cổng đợi con về vẫn còn nguyên vẹn. Mẹ Thứ cũng như bao bà mẹ ở cái Xóm Rừng Thanh Quýt thân yêu Xứ Quảng mãi mãi là biểu tượng của  tấm lòng kiên trung bất khuất. Mẹ Thứ có nhiều kỷ vật, nhưng có lẽ chiếc ống ngoáy trầu là vật dụng thân thiết nhất của Mẹ. Đó là người bạn tri kỷ của Mẹ trong những lúc buồn vui... Người mẹ của muôn đời đã mất, nhưng những kỷ vật của Mẹ còn lại vô cùng quý giá... Cả đời làm báo của tôi, chiếc ống ngoáy trầu này là tặng phẩm vô giá.

Thưa mẹ! Những kỷ vật của Mẹ rồi đây con sẽ tiếp tục đi tìm và giữ lại như là hồn cốt của một đời người và lớn hơn cả là đời của một người mẹ như Mẹ. Cuộc đời Mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh. Và Xóm Rừng sẽ còn mãi một vầng trăng!

Bút ký HUỲNH TRƯƠNG PHÁT