Vàng vững giá trên mốc 42 triệu đồng/lượng

Thứ hai, 30/09/2019 11:33

Hai phiên đầu tuần, giá vàng trong nước ít biến động và vẫn giữ trên mốc 42 triệu đồng/lượng. Sang phiên 25-9, giá vàng bất ngờ tăng tốc khi giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất trong gần 3 tuần, giữa lúc những diễn biến chính trị mới nhất tại Mỹ đã đẩy thị trường chứng khoán vào vùng đỏ. Tuy nhiên, sang phiên 26-9, kim loại quý nhanh chóng sụt giảm theo đà giảm của giá vàng thế giới. Trong phiên giao dịch đêm 25-9, giá vàng thế giới đã rời khỏi mức cao trong nhiều tuần và giảm 2% trong bối cảnh diễn biến chính trị mới đây tại Mỹ thúc đẩy các nhà đầu tư đổ tiền vào đồng USD như một tài sản an toàn và làm giảm sự hấp dẫn của vàng.

Chỉ số đồng USD đã chạm mức cao nhất trong hai tuần giữa lúc các nhà đầu tư tìm cách phòng ngừa rủi ro trước thông tin Hạ viện Mỹ tiến hành điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump. Động thái đổ tiền vào đồng bạc xanh của các nhà đầu tư đã làm lu mờ vị thế là nơi trú ẩn an toàn truyền thống của vàng. Mức giảm gần 2% của giá vàng thế giới đã thúc đẩy hoạt động mua vào loại tài sản an toàn này trong phiên 26-9. Tuy nhiên, đồng USD ổn định ở gần mức đỉnh của ba tuần do tình hình chính trị bất ổn tại Mỹ đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng.

Dù giá vàng trồi sụt bất ngờ nhưng mức giá trên 42 triệu đồng/lượng vẫn được giữ vững trong suốt tuần qua. Sáng 29-9, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 41,7 - 42,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Tập đoàn Doji, vàng SJC được giao dịch ở mức 41,6 - 42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng thế giới cũng giảm sau một tuần giao dịch đầy biến động vừa qua, nhưng vẫn ở trên ngưỡng quan trọng 1.500 USD/ounce, trong bối cảnh đồng USD nhìn chung đang mạnh. Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, nhận định thị trường có thể chứng kiến giá vàng leo lên mức 1.600 USD/ounce trong trường hợp số liệu kinh tế toàn cầu ngày càng yếu kém và những rủi ro chính trị có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phải đưa ra các biện pháp mạnh tay.

Đ.H