Về Côn Đảo

Thứ sáu, 30/06/2023 09:11
Tôi dậy thật sớm đi bộ dọc theo con đường với nhiều cây bàng cổ thụ hàng trăm tuổi để ra biển. Lúc này, bình minh đã bắt đầu lên. Thở hít bầu không khí trong lành đầu một ngày mới trên Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ở ngay cầu tàu lịch sử 914 tôi gặp bạn nhiếp ảnh người dân bản địa. Anh có thói quen mang máy ảnh ra khu vực cầu tàu này để ghi lại những hình ảnh đẹp của một ngày mới trên bãi biển với những đảo lớn, nhỏ nối dài xa tít tắp. Trong lúc nói chuyện, anh biết tôi là khách từ xa đến và ngạc nhiên khi hỏi “Sao ở đây dùng con số 914 đặt cho cầu tàu?”. Anh cười và giải thích “Con số 914 được đặt tên cho cầu là do người tù nhẩm tính ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu”. Hóa ra là vậy.
Tham quan khu chuồng cọp nơi giam giữ tù nhân.
Côn Đảo hôm nay.

Đón ngày mới trên đảo, tôi thả hồn vào mênh mông gió, tiếng rì rào của sóng biển để cảm nhận hết những giây phút yên ắng đến lạ thường và nhớ đến chuyến đi Côn Đảo trước đó một ngày. Từ Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, tôi lên chuyến tàu cao tốc Superdong Con Dao 1 để ra Côn Đảo. Mùa này ít sóng nên tàu chạy với tốc độ rất cao. Đứng trên boong tàu có thể thả tầm mắt ngắm nhìn những con sóng nhỏ và đường bọt trắng xóa sau đuôi tàu để lại phía xa xa. Những người thường hay ra đảo cho biết, mỗi ngày có 4 chuyến tàu cao tốc ra vào Côn Đảo từ bến Cảng Trần Đề ra cảng Bến Đầm. Mỗi chuyến như thế có thể chở 360 khách. Sức hút của khu di tích lịch sử Côn Đảo lâu đời và đặc biệt quan trọng của Quốc gia đã thu hút rất đông du khách đến tham quan. Ai cũng muốn qua chuyến đi này để hình dung và có thể hiểu thêm một cách rõ ràng hơn nơi được gọi là “Địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm (1862-1975) thống trị của Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Nơi đã từng giam cầm, đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ. Và trên hết, chính tại nơi đây, các chiến sĩ cách mạng đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người Cộng sản, một biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam. Ngày nay, Côn Đảo không chỉ là một khu di tích lịch sử cách mạng vĩ đại, là trường học cách mạng vượt trên mọi thời đại; một vùng đất hứa của Việt Nam dành cho mọi người hướng về, tìm đến để nhớ lại cội nguồn và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi về sau.

Đón bình minh trên cầu tàu 914.

Đã đến Côn Đảo, không ai có thể bỏ qua Di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo. Ở đây, Trại Phú Hải là trại tù cổ kính và lâu đời do Pháp xây dựng, nổi tiếng với hầm xay lúa, khu biệt giam và khu đập đá Côn Lôn. Chuồng cọp kiểu Pháp (trại Phú Thọ) được xem là tâm điểm nhà tù Côn Đảo với hệ thống chuồng Cọp kiên cố được xây dựng ẩn giữa các tòa nhà như mê cung; xem chuồng cọp và nghe mô tả các hình thức tra tấn thể xác các tù nhân. Chuồng cọp kiểu Mỹ (trại Phú Bình) - nơi nhận được tin Sài Gòn giải phóng đầu tiên... Ngay từ khi thành lập nhà tù, chúng đã đày ra Côn Đảo 50 phạm nhân (3-1862), tiếp sau đó là hàng ngàn người là những nông dân và sĩ phu yêu nước trong các phong trào Cần vương, Đông du, Đông kinh nghĩa thục, chống thuế ở Trung kỳ, nổi dậy ở Nam kỳ. Tiếp theo, những năm sau đó có hàng vạn cán bộ, đảng viên cộng sản như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh... Nghĩa trang Hàng Dương với gần 2.000 ngôi mộ đã được chôn cất tại đây; trong đó có mộ Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và Anh hùng LLVTND Vũ Văn Hiếu, Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Phạm Thành Trung, Hồ Văn Năm...

Du khách tham quan di tích nhà tù Côn Đảo.

Đêm se lạnh, nghĩa trang Hàng Dương vẫn luôn sáng rực những ánh đèn. Rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đã chọn đến thắp hương và viếng nghĩa trang Hàng Dương để thể hiện và bày tỏ lòng thành kính đối với những chiến sĩ cách mạng đã nằm lại ở mảnh đất thiêng liêng này cho sự tồn vinh của dân tộc, đất nước.

Rất may là trong chuyến ra Côn Đảo lần này, tình cờ tôi gặp được anh Duy Khải, quê xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là một trong số ít người đến Côn Đảo từ sau ngày đảo được giải phóng. Trước đây, anh Khải từng là một công chức Nhà nước làm việc ở huyện đảo này nhưng bây giờ anh và gia đình đã lập hẳn một doanh nghiệp nhà xe du lịch phục vụ du khách đến tham quan Côn Đảo. Anh Hải cho biết “Tổng diện tích của cả quần đảo là 76km2 . Côn Đảo là đảo lớn nhất có hình dạng như một con Gấu lớn quay lưng về đất liền, chân hướng ra biển Đông, có chiều dài khoảng 15km, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 9km, chỗ hẹp nhất khoảng 1km”. Khi biết tôi từ Đà Nẵng ra thăm Côn Đảo, anh Khải đã dành thời gian đưa tôi đi thăm Đền thờ Côn Đảo, nơi dành để tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh cho độc lập tự do tại nhà tù Côn Đảo. Đền thờ được khởi công xây dựng vào ngày 6-12-2009 và khánh thành vào ngày 20-11-2011 trên diện tích khu đất hơn 30.000m2 , trong đó, công trình có tổng diện tích xây dựng là 3.760m2 . Đặc biệt là Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu dù lúc đó tuổi đã cao nhưng vẫn dành nhiều tâm huyết để hoàn thành bài minh bất hủ đã được đúc chữ quốc ngữ nổi trên thân chuông có trọng lượng 9.400kg.

Tham quan khu chuồng cọp nơi giam giữ tù nhân.

Chia tay Côn Đảo, một lần nữa tôi lại dậy thật sớm đi bộ dọc theo con đường ra cầu tàu 914, băng qua con đường nhiều cây bàng cổ thụ để thả hồn vào mênh mông gió, tiếng rì rào của sóng biển để cảm nhận hết những giây phút yên ắng đến lạ thường.

PHƯƠNG KIẾM