Vẻ đẹp đất nước qua trường ca của Nguyễn Khoa Điềm

Thứ hai, 23/03/2015 09:30

(Cadn.com.vn) - Từ sau Cách  mạng tháng Tám, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng đã tập họp rồi thành một lực lượng mạnh mẽ chung một ý chí một quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Những thi phẩm nồng nàn hơi thở cách mạng như Tình Sông Núi, Nhớ máu (Trần Mai Ninh) Hội nghị non sông, Ngọn Quốc kỳ của Xuân Diệu... đã làm mạnh mẽ thêm hào khí dòng thác cách mạng của dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn dắt lãnh đạo... Cảm hứng về đất nước, dân tộc, Tổ quốc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã sáng tác Trường ca "Đất nước" là một trong những bài thơ hay nói về khát vọng yêu nước trong mỗi một con người Việt Nam. Tính chính luận đã làm sáng đẹp chất trí tuệ kết hợp hài hòa với chất trữ tình đậm đà, bài thơ mang vẻ đẹp độc đáo nói về cội nguồn Đất Nước thân yêu.

Đọc Trường ca Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm ta thấy nét độc đáo trước nhất của nó là thuộc về chất liệu- chất liệu văn học dân gian. Nhưng tìm đến chất liệu này cũng là hướng đi của không ít cây bút. Trước đó ở những mức độ đậm nhạt khác nhau, có thể thấy chất liệu này đã có mặt trong bài thơ Quê hương của Nguyễn Bính hay Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ... những thi phẩm gần gũi về đề tài Tổ quốc, đất nước. Cho nên tính độc đáo thực sự phải nằm ở việc xử lý chất liệu ấy. Nguyễn Khoa Điềm đã xử lý  bằng lối suy cảm triết luận trữ tình như vậy.

Vẻ đẹp của làng quê Việt Nam.

Trước tiên cả chương thơ được tổ chức thành một cuộc tâm tình của một đôi trai gái. Họ hẹn hò với nhau tâm sự, tự  tình. Những khi riêng tư nhất, cần phải nói những chuyện sâu kín nhất, họ lại nói về đất nước. Đất nước đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả dân tộc, của từng con  người, của mỗi lứa đôi. Qua đó Nguyễn Khoa Điềm đã làm được điều này: Biến một vấn đề chính trị thành một câu chuyện tâm tình, chuyển hóa ý thức công dân thành tình cảm cá nhân, đời tư hóa thành một chủ đề sử thi. Là cuộc tâm tình nên lối biểu hiện nghiêng về suy ngẫm, một lời thơ kết tinh bao suy tư chiêm nghiệm của thi sĩ. Lời tâm sự lứa đôi đầy luyến ái bỗng trở thành thiêng liêng trang trọng như là tâm nguyện của cả một thế hệ. Dọc theo chương thơ, giọng tâm tình sâu đậm luôn cất lên mặn mà đằm thắm:

"Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi

Em ơi hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm đất nước

Nhưng em biết không- Có biết bao người con gái, con trai - Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi

Em ơi em đất nước là máu xưong của mình...

Phải biết gắn bó và san sẻ.

phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở".

Đất nước muôn đời, đất nước lâu nay "Ngày xửa ngày xưa", đất nước hôm nay và đất nước mai sau cùng với một niềm tin mảnh liệt, cao cả, thiêng liêng:

Mai này con ta lớn lên

Con sẽ mang Đất nước đi xa

Đến những tháng ngày mơ mộng.   

Có thể nói, đây là môi trường trữ tình dành cho cả chương thơ, môi trường ấy quyết định đến giọng điệu cảm xúc của toàn thi phẩm; giọng trầm lắng trang trọng. Điểm mấu chốt khiến tác giả mài sắc lối suy cảm triết luận và huy động vốn văn hóa dân gian hết sức bề bộn của mình chính là cảm hứng riêng về đề tài chung ấy "Đất nước là gì ?, Đất nước của ai?" đó là những câu hỏi xoáy sâu vào niềm trăn trở của tác giả. Để tìm kiếm câu trả lời, thi sĩ đã dùng trí tuệ đốt cháy những cảm xúc của mình thành những ngẫm ngợi, những đúc kết có tầm khái quát cao sâu, đã dùng một suy cảm vừa giàu triết lý vừa giàu thơ mộng để nhào nặn, tái tạo toàn bộ vốn văn hóa dân gian của mình đặng lắng nghe từ các biểu tượng dân gian quá ư quen thuộc, những tiếng nói hết sức bất ngờ những nghĩa lý như chưa từng nghe thấy. Và tiếng nói tập trung nhất của mọi biểu tượng văn hóa dân gian  mà thi sĩ nghe thấu chính là: "Đất nước ở trong ta, đất nước ở quanh ta:

"Trong anh và em hôm nay đều có một phần Đất nước

 Khi hai đứa cầm tay Đất nước hài hòa nồng thắm

 Khi chúng ta cầm tay mọi người-Đất nước vẹn tròn to lớn

Đất nước của nhân dân - Đất nước của ca dao thần thoại"...

Vì thế dù muốn hay không, sự sắc sảo của một tư duy đã giúp thi sĩ đột phá vào chiều sâu của vấn đề, triển khai sự trả lời của mình trên những bình diện cơ bản nhất cấu thành một Đất nước... Không phải ngẫu nhiên mà Đất tương ứng với anh, Nước tưong ứng với em. Một âm, một dương. Khi nói riêng về từng người thì Đất và Nước cũng đứng tách riêng thành hai chữ. Nhưng đến khi Anh với Em hò hẹn để họp lại thành ta thì Đất và Nước cũng liền lại với nhau thành Đất Nước. Như vậy Đất và Nước hòa hợp cùng với tình yêu và trong tình yêu của con người và khi Em nhớ Anh thì cả Đất Nước dường như cũng sống trong nỗi nhớ thầm. Nên câu thơ "Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm" là một câu thơ đẹp, trong đó tình yêu đôi lứa đã hòa hợp làm một tình yêu non sông đất nước.

Cứ thế đất nước của Nguyễn Khoa Điềm lớn lên trong tình yêu đôi lứa, tình yêu cộng đồng. Dòng thơ cứ mở rộng mãi để bao quát sự sinh thành, trưởng thành, mở mang của toàn Đất Nước. Trong Đất Nước Nguyễn Khoa Điềm còn quan tâm nhiều đến thứ văn hóa khác: Những sản phẩm văn hóa của cha ông dù rất nhỏ bình thường, quen thuộc nhàm chán tưởng chừng người đời đã quên lãng. Đất nước còn phát hiện từ câu chuyện cổ tích một câu ca dao vất vưởng ở chốn thôn quê, được phát hiện từ cái kèo, cái cột, từ vị gừng cay, muối mặn, từ hạt gạo dãi dầu một nắng hai sương... Tất cả khiến người đọc sững sờ: hóa ra chẳng phải nhọc công tìm kiếm đất nước ở đâu xa. Trái lại đất nước ở quanh ta và ở ngay trong những gì đơn sơ thân thuộc nhất...

Nguyễn Khoa Điềm viết nên những câu thơ này bằng tất cả sự trải nghiệm của một người lăn lộn trong phong trào tranh đấu của thanh niên đô thị miền Nam. Nhà thơ đã thay mặt thế hệ mình để phát biểu tâm tư với tinh thần công dân, với nhiệt tình tuổi trẻ. Đó cũng là lời đáp cho câu hỏi mang tính chính luận về sự trường tồn của Đất Nước. Đất Nước bất tử chính nhờ ở tinh thần của những con người sẵn sàng dâng bầu máu của tuổi thanh xuân, biết sống có trách nhiệm với thời đại và đầy khát vọng về tương lai trường tồn của Đất Nước.

Lê Văn Huân