Chương trình nghệ thuật múa “Hoa muôn sắc”:

Vẻ đẹp hài hòa của tính dân tộc và hiện đại

Thứ ba, 05/11/2013 10:35

(Cadn.com.vn) - Như tin đã đưa, Chương trình nghệ thuật múa “Hoa muôn sắc” lần đầu tiên đến với khán giả Đà Nẵng  vào tối 2-11-2013, tại Nhà hát Trưng Vương. do Hội nghệ sĩ múa Việt Nam và Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức. Gần 150 nghệ sĩ của 10 đoàn nghệ thuật có tên tuổi trong cả nước, với 16 tiết mục, gồm những tác phẩm múa đã được giải thưởng trong các cuộc liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc... chương trình thực sự đã thu hút sự theo dõi say mê của công chúng Đà Nẵng.

Mở đầu là tác phẩm “Hoa ven sông” của biên đạo múa Lê Thị Thu Hoài, là một công dân trẻ Đà Nẵng, do Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng thực hiện, có nội dung trẻ trung, tươi tắn trong ngôn ngữ múa đương đại, đem đến khán giả một phong cảnh thanh bình, hòa quyện giữa con người và thiên nhiên. Khai thác tính lãng mạn, của mùi vị hoa lá, cỏ cây, đạo diễn đã khiến thiên nhiên được nhân cách hóa bằng màu sắc, hình ảnh qua từng vũ điệu do tốp nữ thực hiện.

“Ngụy nhấp”, do các biên đạo múa Quỳnh Như và Ánh Tuyết tìm hiểu và sưu tầm. Tác phẩm miêu tả một tộc người số lượng còn rất ít trên dải Trường Sơn với cuộc sống du canh, du cư. Dù vậy, họ vẫn có ý thức trong việc giữ gìn bản sắc riêng của mình. Tác phẩm do Đoàn Văn công Quân khu IV thể hiện. Bằng cảm xúc của ngôn ngữ nghệ thuật múa, với những chuyển động trong không gian của vẻ đẹp sân khấu. Tác phẩm gợi nên nhiều suy nghĩ  với khán giả về một cộng đồng bộ tộc bị bỏ quên trong rừng xanh núi thẳm, giữa nhịp sống hiện đại.

Dựa vào ý thơ bài thơ “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng, biên đạo Thái Ngọc đã xây dựng tác phẩm “Những bước chân không mỏi” do Trường ĐH văn hóa nghệ thuật Quân đội biểu diễn, mô tả hình ảnh của người lính trong những năm của thập kỷ 50 thế kỷ trước  bằng ngôn ngữ múa khá sống động.  Hình ảnh người lính trong bài thơ được trình bày dưới dạng ngôn ngữ múa càng nhấn mạnh hơn những hy sinh gian khổ, vượt muôn vàn khó khăn tiến lên phía trước. Biên đạo đã cảm nhận được mạch nguồn chính của bài thơ và đã rút tỉa những hình ảnh, ý chí của người lính năm xưa: “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm.../Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh...”.

Vở “Những bước chân không mỏi”.

“Nỗi lòng Trưng Trắc”, múa độc thoại, sáng tác của Tạ Thùy Chi (trường Múa TP HCM), do chính tác giả thể hiện, với tư duy, tìm tòi phương pháp biểu đạt ngôn ngữ múa, mang lại vẻ đẹp mới. Đặc biệt, hình ảnh của nữ tướng anh hùng không phải  giữa trận mạc, mà biên đạo múa đã cảm nhận và đã biểu hiện diễn biến tình cảm trong cõi sâu thẳm, tâm hồn, ý chí của nhân vật.

“Nhịp trống Plei Chăm” của NSƯT Mai Trung Kiên do Nhà hát ca múa nhạc Biển xanh Bình Thuận biểu diễn, từ một góc nhìn riêng đã phát hiện được nét đẹp mới của múa Chăm, vừa thật vừa ảo. Nghệ thuật múa Chăm vốn trong những thập kỷ qua đã được các biên đạo múa khai thác rất nhiều bởi vẻ đẹp tự thân của nó. Tuy nhiên, nơi đây, ngôn ngữ của tác phẩm vẫn bắt nhịp được với cảm xúc đương đại. Lúc lộng lẫy, khi linh thiêng, tinh tế từng đường nét cơ thể, những hào quang trong thần thái, cùng những chuyển động biến hóa ở mọi cung bậc khác nhau, tác giả thực sự đem đến cho khán giả những cảm xúc bất ngờ.

“Chút duyên thầm Đà Nẵng” của NSƯT Nguyễn Hữu Từ, tiết mục kết thúc phần biểu diễn do Trường TC Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng biểu diễn là một chấm phá mới, một vẻ đẹp mới của thành phố. Bằng ngôn ngữ múa đầy sinh động, tác phẩm ngợi ca thành phố của những chiếc cầu, ngợi ca thành phố của tình yêu và những ước mơ cùng bao khát vọng vươn tới...

Anh Lê Hải (Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Đà Nẵng) bày tỏ: “Lâu lắm, mới có dịp được xem một chương trình nghệ thuật múa tuyệt vời như vậy. Tôi đã theo dõi từ đầu đến cuối. Và có thể nói mỗi tác phẩm múa cũng giúp tôi đem lại nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đáng quý”. Chị Thái Phi, một khán giả tấm tắc: “Một đêm diễn chỉ toàn múa là múa nhưng không hề cho ta cảm giác nhàm chán tí nào. Hơn 10 tiết mục đặc sắc của các đoàn chuyên nghiệp từ trung ương đến địa phương thực sự làm ta mãn nhãn. Âm nhạc, vũ điệu và ánh sáng hòa quyện với nhau đưa ta đến đủ các cung bậc của cảm xúc.

Tiết mục nào cũng được dàn dựng công phu với những diễn viên múa điêu luyện khiến người xem thực sự ngỡ ngàng, khâm phục. Đề tài phong phú, có đôi chút mới lạ và nghệ thuật múa được đan xen hài hòa giữa tính dân tộc và hiện đại làm cho các tiết mục trở nên lung linh và đầy hấp dẫn. Hai giờ đồng hồ trôi qua nhanh chóng và khán giả đã thật sự vỡ òa vì ngạc nhiên với màn kết chương trình hoành tráng, tưng bừng và vô cùng lộng lẫy”.

Trần Trung Sáng