Về "địa chỉ đỏ" Phước Trà

Thứ bảy, 03/05/2014 08:30

(Cadn.com.vn) - Quảng Nam có tiềm năng và tài nguyên du lịch phong phú, ngoài các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thì du lịch chiến trường xưa đang dần được tiếp cận và bắt đầu khai thác, trong đó có điểm đến Phước Trà - Khu di tích (KDT) lịch sử tại xã Sông Trà (H. Hiệp Đức). Đây là căn cứ cuối cùng của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu V trong những năm từ 1973 đến 1975.

Trong giai đoạn nước rút của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Khu ủy V đã chủ trương chuyển khu căn cứ từ Nước Oa (Trà My) về đóng tại Phước Trà, chuyển Khu căn cứ từ vùng núi cao xuống giáp ranh đồng bằng và đóng ngay trước mũi quân địch là một quyết định táo bạo của tư tưởng tiến công hướng về giải phóng đồng bằng và thành thị. Năm 1993, KDT đã được Bộ Văn hóa -Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia. Đây là quần thể di tích bao gồm các hạng mục như nhà trưng bày, nơi làm việc của đồng chí Võ Chí Công, Hội trường Đại hội III, Bia Ban Tuyên huấn, Bia Thông tấn xã, ao cá, ao rau muống, giếng nước... hiện vẫn được bố trí nguyên trạng, phản ánh một giai đoạn lịch sử hào hùng của quân và dân Khu V trong thời chống Mỹ, cứu nước.

Bia tưởng niệm tại di tích Phước Trà.

Trong những năm qua, Sở VH-TT&DL và UBND H. Hiệp Đức đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các cấp chính quyền tích cực tuyên truyền nhân dân về việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, đồng thời xúc tiến các hoạt động liên kết, quảng bá về KDT Phước Trà trong sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tháng 2-2012, UBND H. Hiệp Đức đã ra quyết định thành lập Ban quản lý KDT Khu V, nhằm tập trung và đầu tư hơn nữa công tác tu bổ tôn tạo các di tích, sắp xếp trưng bày các hiện vật tranh ảnh, phát huy công tác hướng dẫn, giới thiệu quảng bá, bảo dưỡng rừng nguyên sinh quanh khu vực di tích.

Tuy mới được thành lập nhưng Ban quản lý KDT Khu V đã ổn định về bộ máy tổ chức hành chính, cơ sở hạ tầng, nơi đón tiếp và phục vụ các đoàn khách đến tham quan. Huyện đã triển khai thực hiện đề án "Quản lý và khai thác du lịch tại di tích Phước Trà", đồng thời sưu tầm hiện vật lịch sử liên quan đến KDT. Năm 2013, Hiệp Đức đã cử 4 đoàn công tác đi tham quan, học tập kinh nghiệm một số tỉnh, thành phố trong nước và sưu tầm, tiếp nhận được 195 hiện vật đấu tranh cách mạng từ các cựu chiến binh đã gắn bó, hoạt động ở di tích Phước Trà.

Chiến tranh đã lùi xa, Bảo tàng Quân khu V và Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã giúp đỡ chuyên môn trong việc phục chế, tôn tạo các hạng mục di tích và sưu tầm, lần theo các nhân vật, sự kiện lịch sử, các địa chỉ liên lạc từ Hà Nội, Tây Nguyên đến TP Hồ Chí Minh, những cuộc gặp gỡ đầy trân trọng và xúc động giữa những tướng lĩnh, họa sĩ, nhà quay phim, bác sĩ, giáo viên, cán bộ tuyên huấn… Đặc biệt, đồng chí Võ Chí Công, nguyên Bí thư Khu ủy Khu V đã trao lại các hiện vật, kỷ niệm còn lưu giữ trong quá trình hoạt động cách mạng tại Phước Trà.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2014, khi Nhà trưng bày của KDT Phước Trà hoàn thành thì đây là nguồn tư liệu "sống" góp phần cho việc trưng bày hiện vật thêm đầy đủ về tầm vóc, dấu tích một thời hào hùng. Từ năm 2013, KDT đã đón gần 100 đoàn khách trong và ngoài nước, chủ yếu là những cựu chiến binh, học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập. So với các điểm đến nổi tiếng Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm thì con số này còn khá khiêm tốn, song với các điểm đến di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh thì đây lại là con số đáng phấn khởi của KDT, cho thấy tiềm năng du lịch ở đây chủ yếu là khai thác giá trị lịch sử địa phương.

Nhà làm việc của đồng chí Võ Chí Công - nguyên Bí thư Khu ủy Khu V đã được phục dựng lại.

Ông Trần Văn Ngọc, Giám đốc BQL KDT chia sẻ: "KDT đang trong quá trình hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch, và xa hơn là tính đến chiến lược quảng bá, liên kết với các điểm du lịch khác…". H. Hiệp Đức đang đầu tư hàng chục tỷ đồng vào KDT này với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Hiện tại, KDT đã được tôn tạo lại một số hạng mục như nhà làm việc và hầm trú ẩn của đồng chí Võ Chí Công, nhà trưng bày, các đường giao thông quanh khu di tích, ao cá. Bên cạnh đó, theo chủ trương của huyện, nơi đây sẽ hình thành mô hình homestay - lưu trú nhà dân nếu du khách có nhu cầu.

BQL KDT sẽ xây dựng nhiều sản phẩm đặc thù để thu hút khách như "Hành trình về nguồn", "Một ngày làm chiến sĩ Khu V", du lịch văn hóa dựa vào cộng đồng theo hướng phát triển du lịch là gắn liền các giá trị lịch sử với các giá trị văn hóa vùng cao; lấy di tích làm nền tảng để phát triển du lịch. Đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đến khảo sát, xây dựng tour tuyến và kết nối KDT Phước Trà với các danh thắng như Khe Cái, Hòn Kẽm Đá Dừng, hồ Việt An… để tạo nên tuyến tham quan đến H. Hiệp Đức rất ấn tượng với du khách. Trong tương lai, đường Trường Sơn Đông dài 32 km nối từ Nam Giang qua Hiệp Đức hoàn thành sẽ mở ra cơ hội tiếp cận, liên kết với các điểm du lịch vùng Tây ở các huyện Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang... thuận tiện hơn.

"Bên cạnh phát huy những di tích lịch sử, thắng cảnh, H. Hiệp Đức đang có nhiều định hướng để bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống như đan lát, mây tre đan, nấu rượu cần, các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách khi đặt chân đến đây. Huyện đang tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ để tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho các hộ dân sống xung quanh KDT để khai thác loại hình du lịch dựa vào cộng đồng", ông Ngọc chia sẻ thêm.

Bây giờ, dọc theo những con đường tán lá xanh um mát rượi, đến với KDT Khu ủy Khu V, du khách sẽ được tìm hiểu nhiều điều mới lạ và hấp dẫn về câu chuyện lịch sử hào hùng một thời chống Mỹ trên mảnh đất Phước Trà. Đây không những là "địa chỉ đỏ" để lưu giữ, giáo dục truyền thống cách mạng mà KDT sẽ hứa hẹn trở thành một trong những điểm du lịch lịch sử-sinh thái hấp dẫn không thể bỏ qua trong chuyến hành trình "về nguồn" đầy ý nghĩa trên bước chân tìm lại chiến trường xưa của du khách.

Thảo Nguyên