Về miền cổ tích gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, thành phố Hội An (Quảng Nam), cách khu phố cổ khoảng 2km về hướng tây. Làng gốm Thanh Hà có lịch sử gần 500 năm. Đi giữa làng gốm Thanh Hà xanh cây trái một ngày giữa thu nắng vàng ươm, tôi chợt bồi hồi nhớ về những năm tháng trước ngày quê hương giải phóng, có thời gian mấy năm sống và học tiểu học ở Trường Cộng đồng Cẩm Hà (Hội An), nhìn qua bên kia sông là làng Nam Diêu xanh ngát một màu tre xào xạc trong nắng gió...
Theo sử sách ghi lại, vào thế kỷ XVI và XVII, cùng sự phát triển của cảng thị Hội An, Thanh Hà là một ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các miền. Sản phẩm chủ yếu của làng gốm Thanh Hà là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như: chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống… mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú. Mỗi sản phẩm của làng gốm Thanh Hà là sự hòa quyện giữa đất, lửa, nước sông Thu và những giọt mồ hôi của người thợ gốm.
Đến làng gốm Thanh Hà, ta dễ nhận ra bởi từ con đường, góc sân đến mái ngói đều được làm từ đất nung. Một cảm giác thật bình yên với không gian xanh của hàng cau trước ngõ và sản phẩm gốm vừa mới tạo hình xong đang được phơi nắng. Làng quê thanh bình Thanh Hà với nghề làm gốm này có từ thế kỷ XV-XVI, là nơi mà nhiều khách nước ngoài, hoặc những người mê gốm sứ vẫn thường ghé qua. Nhiều người trong làng kể lại, những người thợ lành nghề khi di cư vào miền Nam, khi lưu lạc đến vùng đất Quảng Nam này thấy thổ nhưỡng cùng khí hậu thuận lợi thì ở lại và phát triển làng nghề từ đó. Nếu sản phẩm gốm của Thổ Hà (Bắc Giang) từ đất sét xanh, Bát Tràng (Hà Nội) từ sét trắng, Phù Lãng (Bắc Ninh) từ sét vàng nâu thì gốm Thanh Hà được lấy từ đất sét nâu dọc sông thu Bồn có độ dẻo và kết dính cao. Đất lấy về, người thợ Thanh Hà phải trộn, xéo, nề, ủ đất cho đến khi đất nhuyễn mịn như bột bánh mới được. Một khối đất trước khi đưa lên bàn xoay phải trộn, xéo, nề nhiều lần mới nắn thành sản phẩm. Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong để cho se lại, sờ tay vào không thấy dính thì mang ra ngoài nắng phơi, hoặc hong nơi góc bếp cho khô mới nung. Lò nung được xếp thật khéo để các sản phẩm vừa đảm bảo không bị chèn ép vừa tiết kiệm diện tích. Tùy vào sản phẩm mà người thợ có thể nung từ một đến ba ngày. Sản phẩm chủ yếu của người thợ Thanh Hà là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày, mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú, đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác có lẽ một phần nhờ đất sét của dòng sông Thu Bồn bồi đắp và bàn tay khéo léo của người thợ Thanh Hà ở công đoạn chuốt gốm - tạo dáng. Đây là nghệ thuật làm gốm, là tinh hoa và linh hồn của gốm Thanh Hà. Những sản phẩm gốm được tạo hình qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân chính là ở công đoạn này. Tất cả dựa trên cảm giác và kinh nghiệm của người làm gốm, không có một khuôn thước định lượng nào cả.
Đã nhiều thế kỷ đi qua với bao biến động thăng trầm của lịch sử, làng gốm Thanh Hà vẫn yên bình bên dòng sông Thu Bồn, người thợ Thanh Hà vẫn âm thầm sản xuất đồ gốm với phương tiện bằng tay truyền thống bao đời nay... Thanh Hà nổi tiếng với nghề truyền thống là nghề gốm. Theo các nhà chuyên môn, gốm Thanh Hà chủ yếu là gốm đất nung và gốm sành nâu.
Gốm Thanh Hà từng là một mặt hàng được mua bán, trao đổi khắp các tỉnh miền Trung. Làng gốm Thanh Hà cùng với các làng nghề khác như làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Cẩm Kim, làng rau Trà Quế… tạo thành một hệ thống vành đai làng nghề bao quanh khu phố cổ, gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế, thương mại của đô thị và cảng thị Hội An. Gốm Thanh Hà nguyên gốc có đặc điểm là gốm mộc, không phủ men; đây là một nét riêng, nét duyên của gốm Thanh Hà. Các sản phẩm truyền thống của Thanh Hà đa phần là để phục vụ đời sống như chum, vại, nồi niêu, bình, lọ… và gạch ngói sử dụng trong xây dựng. Hầu hết gạch ngói xây dựng nên phố cổ Hội An đều xuất xứ từ làng gốm Thanh Hà. Về sau, khi đô thị Hội An suy thoái, không còn là thương cảng chính của miền Trung nữa thì làng gốm Thanh Hà cũng bị ảnh hưởng, nghề gốm cũng mai một dần… Đất sét nguyên liệu hiện được lấy từ huyện Điện Bàn cách Thanh Hà 15km, chở về bằng đường sông. Nhào đất là một công đoạn quan trọng trong quá trình làm gốm. Để nhào 1m3 đất sét làm gốm, một người đàn ông làm phải mất 2 ngày đêm. Một phương thức gốm mới là cách làm như điêu khắc. Cách này được thực hiện với những sản phẩm rỗng, nhiều lỗ khó tạo khuôn; hoặc các sản phẩm đòi hỏi chi tiết tinh tế. Kể từ khi Hội An được công nhận là Di sản thế giới vào năm 1999, gốm Thanh Hà đã dần hồi sinh. Và với giá trị tiêu biểu, ngày 27-8-2019, nghề gốm Thanh Hà được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong xu hướng phục hồi để bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch, gốm Thanh Hà hướng tới các sản phẩm mỹ nghệ - lưu niệm. Cùng với các sản phẩm cũ như nồi, niêu, chén, bát, bình, hũ…, những người làm gốm ở Thanh Hà sản xuất các loại tượng mỹ nghệ, đèn, phù điêu, con giống, đồ trang trí… Các sản phẩm ngoài việc phục vụ cho thị trường du lịch Hội An còn được xuất đi TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… Hiện nay, ở Thanh Hà có khoảng hơn 20 hộ làm gốm nhưng thực ra chỉ có 4 hộ sản xuất có tính quy mô kinh doanh, có lò nung lớn; các hộ còn lại chỉ có lò nung nhỏ, chỉ nung được các đồ gốm mỹ nghệ lưu niệm nho nhỏ như tượng trang trí, các con giống đồ chơi. Cách thức làm gốm truyền thống của làng Thanh Hà là làm vật dụng tròn với bàn xoay, nhưng nay đã có những phương thức mới như làm gốm đổ khuôn hay điêu khắc, tạo nên nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng.
Làng gốm Thanh Hà là một điểm đến thú vị ở Hội An khi ta tìm về cổ tích gốm. Ngoài việc tham quan làng gốm và các lò gốm, ta còn có thể tự thử sức mình sáng tạo làm gốm với đất sét và lò nung, mang về những sản phẩm kỷ niệm do chính tay mình làm. Những người làm gốm Thanh Hà hay kết hợp thành một cặp trong quá trình sản xuất. Một người ngồi chuốt gốm trên bàn xoay, người kia đứng, tay nhào đất và chân đạp bàn xoay (ảnh trái). Nhiều cửa hàng bán đồ gốm mỹ nghệ ở Thanh Hà có bày sẵn bàn xoay gốm để biểu diễn cho khách, và cũng là để khách "thử sức" với nghề gốm. Năm 2016, Công viên Văn hóa đất nung Thanh Hà, với nhiều hạng mục như bảo tàng gốm, khu mô hình đất nung, nhà trưng bày, trại sáng tác… được hoàn thành, trở thành một điểm nhấn của làng gốm Thanh Hà, thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan và chiêm ngưỡng và là một động lực thúc đẩy sự hồi sinh của làng gốm cổ nằm bên bờ sông Thu Bồn xanh ngát.
Dẫu đã có nhiều đổi thay, nhưng những gì còn lại ở làng gốm hơn 500 tuổi này vẫn là một minh chứng sống động về một nghề thủ công đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ ở đô thị cổ Hội An. Vẫn còn đó những bàn tay điêu luyện, tài hoa của những nghệ nhân gốm, vẫn còn đó cách thức sản xuất của thời xa xưa, và vẫn còn mãi nét duyên mộc mạc của miền quê mang đầy trầm tích gốm Thanh Hà.
Dũng Hồng