Về miền "Triệu Voi"
Rong ruổi theo đường 9, ngang Khe Sanh, vượt cửa khẩu Lao Bảo, băng qua những cánh rừng Hạ Lào bạt ngàn với những cây phượng vĩ đỏ rực ven đường, tôi đến Thakhek, một thành phố bên tả ngạn dòng sông Mê Kông, thuộc tỉnh Khammouane của Lào.
Tác giả trong chuyến tham quan xứ sở "Triệu Voi". |
Chiều Thakhek - đẹp thanh bình
Chiều muộn. Thị xã Thakhek đẹp thanh bình, nằm soi mình xuống dòng sông Mê Kông. Bên kia bờ là thành phố Nakhon Phanom của Thái Lan, vọng lại tiếng chuông chùa thong thả.
Không nhiều chùa chiền như thủ đô Vientiane, Thakhek có những biệt thự sang trọng của người Pháp để lại cùng những điểm đến xinh đẹp như chùa That Sikhottabong, bảo tàng Khammouane, thị trấn Lak Sao,... Thakhek là thủ phủ của tỉnh Khammouane với khoảng 63.000 cư dân (người Việt Nam cư trú khá đông nhưng chưa có thống kê chính xác). Hoàng hôn buông dần, tôi lang thang đển Thẳm Phả (thuộc làng Na Kan Sang, cách Thakhek chừng 10km), nơi có những tượng Phật đồng đen, được phát hiện vào năm 2004. Đường vào Tham Pha Nong Pa Fa chập chùng núi rừng, một vài nhóm du khách người Thái đến đây cầu nguyện. Bên ngoài hang, một biển hiệu cảnh báo cấm chụp hình, vé vào cửa 2.000 kip (khoảng 56.000 đồng), tiền thuê sarong mặc cũng chừng đó. Hang khá nhỏ nên mỗi lần chỉ được vào 15 người sau khi đi ngang qua một cây cầu gỗ và leo lên những bậc thang. Hang có nhiều nhũ thạch đẹp và các tượng Phật bằng đồng. Rất đông người sắp mâm lễ gồm hoa, đèn cầy và tiền để khấn vái. Người ta nói, đất Lào linh thiêng nên tôi thấy, hầu hết du khách cúng lễ, rồi xếp hàng trước một nhà sư đang đọc những câu thần chú trừ tà chờ đeo một sợi chỉ may mắn màu cam.
Từ một bản làng yên tĩnh, Na Kan Sang trở nên nổi tiếng, trở thành một điểm đến linh thiêng của tín đồ Phật giáo cả nước, nhộn nhịp du khách. Cơ quan du lịch Thakhek bắt đầu triển khai tổ chức và quản lý để bảo tồn di tích, đồng thời khai thác thêm những điểm tham quan dưới chân núi với sự tham vấn của Tổ chức Netherlands Development Organization (SNV) - Hà Lan, có văn phòng chính thức tại Thakhek.
Patuxay- Khải Hoàn Môn của người Lào
Vượt 360 km núi rừng hoang vắng, từ Thakhek, tôi đến Vientiane lúc 18 giờ. Nắng chiều nghiêng đổ vàng vọt từng vạt xuống Patuxay, biểu tượng chiến thắng của người Lào, được xây dựng vào năm 1957. Patuxay được Than Sayastheena, kiến trúc sư người Lào, thiết kế phỏng theo Khải Hoàn Môn của Pháp. Công trình cao 55m, có 4 mặt, mỗi mặt rộng 24m, 7 tầng tháp và 2 tầng phụ, uy nghi giữa Vientiane. Nằm cuối đại lộ ThanonLuang về phía Đông Bắc thủ đô, "Khải Hoàn Môn" của đất nước Lào được đông đảo du khách trên thế giới viếng thăm.
Tôi cùng một vài du khách người Pháp leo lên tầng 7 của Patuxay. Dưới bóng hoàng hôn, Vientiane thật đẹp khi nhìn từ đỉnh cao nhất của Patuxay. Một quảng trường rộng lớn, mọi thứ đều thanh bình và dịu dàng như người dân Lào. Gió từ dòng sông Mê Kông thổi về mơn man, nồng nàn hương phù sa từ ngàn năm của đất nước "Triệu Voi" này. Trả 220.000 kip (616.000 đồng), tôi bước lên một chiếc xe tuk tuk tại một góc đường. Người tài xế nói tiếng Việt rất giỏi cho biết, xe đưa khách các địa điểm nổi tiếng ở Vientiane như công viên tượng Phật, tháp Pha That Luang, chùa Ho Phra Keo và Patuxay. Tuk tuk ở Lào có 2 loại, đó là xe 3 bánh và 4 bánh. Xe 4 bánh thực chất là xe tải Hyundai (0,5 hoặc 1 tấn), lắp ghế, đóng thùng để trở thành một xe chở khách. Có 2 lý do để xe tuk tuk 4 bánh tồn tại và phổ biến ở Lào, đó là cảnh sát Lào không cấm những chiếc xe tải dùng để chở người và giá cả của loại xe này hợp lý trong bối cảnh các phương tiện công cộng của Lào chưa nhiều.
Đại Bảo Tháp Pha That Luang
Rời bờ sông Mê Kông, tôi lang thang đến Pha That Luang, còn gọi là Pha Chedi Lokajulamani (nghĩa là tháp vàng lớn), một di tích quốc gia quan trọng của Lào, tọa lạc trên một ngọn đồi cách trung tâm thủ đô Vientiane chừng 5 km về hướng Ðông Bắc.
Một nhà sư cùng đi trong đoàn kể với tôi rằng, năm 1563, vua Setthathirat dời kinh đô của vương quốc Lane Xang từ Luang Prabang về Vientiane. 3 năm sau, nhà vua bắt đầu trùng tu lần đầu tiên tháp Pha That Luang. Là người tôn sùng Phật giáo, mong muốn trở thành người giác ngộ như Ðức Phật nên vua Setthathirat đã cho xây dựng một quần thể tôn giáo bao gồm một ngôi tháp chính và 30 ngôi tháp nhỏ hơn với kích cỡ bằng nhau xung quanh ngôi tháp chính, được gọi là những palami stupa (nghĩa là mọi sự hoàn thiện điều tốt đẹp), biểu tượng cho Đức Phật Thích Ca với 30 năm tu hành gian khổ để thành Phật. Mỗi bệ móng của những ngôi tháp nhỏ có tấm bảng vàng khắc ghi những lời dạy của Phật trong Tứ diệu đế (bốn sự thật trong cõi đời). Những tấm bảng này cũng lưu trữ thông tin ngày tháng trùng tu ngôi tháp.
Tuy nhiên, vinh quang của Pha That Luang không kéo dài được lâu bởi những cuộc chiến tranh liên miên giữa người Lào, Myanmar và Siam khiến di tích nhiều lần bị phá hủy. Năm 1900, việc trùng tu lại ngôi tháp được thực hiện bởi người Pháp nhưng không thành công. Một kế hoạch trùng tu khác cũng của người Pháp lại tiếp tục thực hiện vào những năm của thập kỷ 30, đưa Pha That Luang trở lại thời kỳ vinh quang như trước đây của nó. Ngày nay, Pha That Luang là một biểu tượng của thủ đô Vientiane, được in trên tiền và quốc huy của Lào, một địa danh có nhiều người đến tham quan và chiêm bái.
VĂN KHOA