"Vé một chiều" đến đại bản doanh IS

Thứ ba, 02/02/2016 09:18

(Cadn.com.vn) - Đó chính là chuyến xe buýt xuất phát từ trạm Charles Helou nằm ở trung tâm thủ đô Beirut của Lebanon đến Raqqa - nơi hiện nay đã trở thành thủ phủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.

Chuyến xe buýt trông khá bình thường, thậm chí cũ kỹ với cửa kính đầy vết rạn nứt và bụi bẩn, cùng với bảng điều khiển mất vài nút bấm. Khởi hành từ Beirut (Lebanon), chuyến xe sẽ băng qua biên giới để vào Damascus (Syria) sau đó đến Palmyra, nơi đang bị IS kiểm soát, trước khi di chuyển về phía bắc để vào Raqqa.

Tuyến xe này đã hoạt động nhiều năm qua nhưng từ khi Raqqa trở thành thành trì của IS, tuyến xe này phải đi qua vùng ranh giới nguy hiểm nhất trên thế giới. Thế nhưng vẫn có người tự nguyện trả tiền để có mặt trên chuyến xe này mặc dù họ biết mình có thể "một đi không trở lại". Nỗi sợ hãi bao trùm lên tất cả hành khách trên xe.

Những ngôi nhà đổ nát ở bên trong thành trì Raqqa của IS ở Syria. Ảnh: CNN

Kiểm soát gắt gao

Khi đến gần các trạm kiểm soát của IS, những điếu thuốc lá cuối cùng được hút sạch, không phải vì hành khách lo họ sẽ bỏ mạng sau chuyến đi, mà vì IS cấm hút thuốc.

Tổ chức khủng bố này còn cấm cả âm nhạc và nhiều hoạt động bình thường khác trong cuộc sống hiện đại. Nếu ai đó vi phạm sẽ bị đánh đập dã man, thậm chí bị chặt đầu. Vì vậy, những người hút thuốc thường nhúng ngón tay vào nước hoa để khử mùi thuốc lá và vứt hết thuốc đi. Nhạc, hình ảnh hay số điện thoại của những người bạn sống gần Syria đều được xóa sạch khỏi điện thoại di động. IS kiểm tra những điều này rất nghiêm ngặt. "Phụ nữ nào không mặc trang phục phù hợp sẽ bị đưa đi học lại luật lệ Hồi giáo. Ngoài ra, người phụ nữ này cần phải có một người thân là nam đi cùng. Đàn ông phải để râu dài tự nhiên với ria mép được tỉa gọn gàng. Không được mặc quần bó và quần phải có độ dài nhất định tính từ giày", một người quản lý giấu tên của xe buýt giải thích quy tắc cho chuyến đi cho biết.

Hiểm nguy

Ngoài trạm gác gắt gao của IS, chuyến đi còn gặp vô vàn nguy hiểm khác như có thể bị máy bay chiến đấu thả bom ở vị trí cách xe buýt không xa hay bị dính đạn bắn tỉa mà không biết chúng đến từ đâu. Điều này hết sức bình thường. Và đây chính là lúc mà hành khách cảm thấy sợ hãi nhất. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, các chuyến xe vẫn tiếp tục hành trình.

Sau khi đến Raqqa, chiếc xe buýt luôn quay trở về với những hàng ghế trống rỗng hành khách bởi IS hiếm khi cho những hành khách đó rời khỏi Raqqa. Thế nhưng một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao các hành khách này lại quyết định sống dưới trướng IS mặc dù họ biết kết cục của mình là thế nào? Chắc chắn họ biết mình đang làm gì. Ví như một nhóm hành khách chấp nhận đến Raqqa vì muốn đưa thi thể người thân về chôn cất ở quê nhà.

Thực tế, người dân vẫn có thể rời khỏi Raqqa bằng chuyến xe buýt này. Một người dân cho hay, người bị bệnh được phép rời khỏi thành phố trong 15 ngày để đi điều trị bệnh. Nhưng nếu quá thời hạn này, tài sản và nhà cửa sẽ bị IS tịch thu. Một trường hợp khác là, một người phụ nữ cho biết con gái bà ở Raqqa và cũng tìm cách thoát ra ngoài. Cô gái khẳng định đã lên chuyến xe đến vùng Vịnh và đang trên đường về nhà.

Một người đàn ông chia sẻ con cái ông thậm chí không dám ra khỏi nhà vào ban ngày để đi học suốt 4 năm qua. "Trước khi IS nắm quyền kiểm soát, Raqqa từng là thiên đường của tôi. Cuộc chiến chống lại IS, sự nghèo khổ mà chiến tranh đã gây ra và thậm chí rác thải trên đường phố đã biến nơi này thành địa ngục", ông nói.

Tuệ Khanh