Về Plei Ơi xem lễ cầu mưa

Thứ bảy, 04/05/2019 11:07

Khi mùa khô Tây Nguyên vào thời điểm khốc liệt nhất, Pơtao Apui cùng với chiếc gươm thần như cầu nối với Yang (thần linh) khẩn cầu ước nguyện của dân làng cho mưa xuống tưới mát ruộng rẫy. Vừa dứt, mây đen kéo đến, những giọt mưa như những giọt vàng đổ xuống trên ruộng, nương đang chờ vụ mùa mới.

Người phụ tá cho vị vua lửa cuối cùng – Rơ Lan Hieo thể hiện điệu múa cánh chim đại bàng đang bay lượn.

Ngay dưới chân đèo Chư Sê là một thung lũng trải dài rộng lớn, là cánh đồng lúa lớn nhất Gia Lai cùng với những nét văn hóa người Gia Rai vẫn còn lưu giữ qua bao đời nay. Giữa thung lũng là ngôi làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ, H. Phú Thiện, Gia Lai)-nơi cư trú của vị vua Lửa cuối cùng người Gia Rai. Trong tiếng Gia Rai, “Plei” nghĩa là “làng” và “Ơi” là “ông”–chỉ vua Lửa. Sự tôn kính đó dành cho vua Lửa không chỉ của người Gia Rai bản địa mà còn có các tộc người khắp Tây Nguyên, Lào và Campuchia.

Thưở trước, khi thấy trái rừng di-dô bắt đầu khô, người Gia Rai vùng thung lũng Ayun Pa (Gia Lai) lại chuẩn bị cho vụ mùa mới. Mỗi người góp một ghè rượu, con gà và đưa cả bành voi đến rước vị vua Lửa – Pơtao Apui để tổ chức lễ cầu mưa. Sau nhiều năm thất truyền, lễ cầu mưa đã được các nhà nghiên cứu văn hóa, chính quyền địa phương tìm cách phục dựng gần như nguyên bản với các nghi thức quan trọng. Đặc biệt, từ khi Lễ cầu mưa của Pơtao Apui được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015, việc gìn giữ, phát huy giá trị của lễ cúng càng được quan tâm hơn… Bên ngọn núi người Gia Rai vẫn gọi là Chư Tao Yang với 3 hòn đá được bàn tay siêu nhiên xếp chồng lên nhau, lễ cúng cầu mưa được UBND xã Ayun Hạ tái hiện. Dù trải qua bao thăng trầm, đến nay, người Gia Rai vẫn tin rằng, những lời khấn cầu mưa của Pơtao Apui chỉ thực sự linh nghiệm khi đó là ý nguyện chung của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng. Việc tái hiện được nguyên bản nghi lễ của một hoạt động văn hóa đậm nét của cư dân nơi đây đã chứng tỏ sức ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa. Giờ đây, lễ cúng cầu mưa không đơn thuần là nghi lễ cầu mong mưa thuận gió hòa mà còn là hoạt động tìm sự nhân hòa qua việc kết nối, thắt chặt hơn mối liên kết trong cộng đồng của các dân tộc anh em sinh sống nơi vùng đất này. Ông Rmah Thuyn, Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ cho biết: “Lễ cầu mưa nhằm duy trì lại phong tục tập quán bao đời nay, gồm 14 thứ bậc của vua Lửa để lại. Đồng thời, đây cũng là dịp giao lưu văn hóa, thắt chặt mối quan hệ các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn và để địa phương quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến du khách về những giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây”...

Cùng với lễ cầu mưa là những hoạt động văn hóa, ẩm thực đặc sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cư dân Tây Nguyên. 

Khi mặt trời phủ khắp ngọn Chư Tao Yang, dáng người nhỏ nhưng quắc thước, người phụ tá cho vị vua Lửa cuối cùng–ông Rơ Lan Hieo bước ra bên cây nêu vừa dựng, quay mặt về Chư Tao Yang. Với lễ vật gồm 1 ghè rượu, sáp ong se thành cây nến, 1 tô gạo, thịt cắt ra thành từng miếng bày sẵn, Rơ Lan Hieo bước vào buổi lễ cầu mưa. Cùng với những người phụ tá là những người già trong làng, Rơ Lan Hieo dùng củ Jrao hchich chính tay ông lấy từ rừng về hòa với rượu để tẩy rửa những ô uế trên người trước lễ. Trong tiếng Jrai, củ Jrao hchich nghĩa là “rửa sạch tội lỗi”. Tiếng chiêng, tiếng trống nổi lên, Rơ Lan Hieo cẩn trọng ngồi xuống bên cạnh ché rượu, cắm chiếc cần rượu cúng của Pơtao Apui vào ché. Xoay đầu cần về phía đối diện, ông cúi lạy 3 lạy rồi thắp nến chào thần linh. Ngọn nến từ sáp ong cháy bừng lên như báo các Yang đang về dự. Rơ Lan Hieo lẩm bẩm đọc lời khấn: “Ơi Yang, ơi Pơtao Apui, ơi thần hàng ngàn, hàng vạn, mẹ ở thượng nguồn sông Ba, cha ở thượng nguồn biển cả… Mong các vị thần phù hộ và che chở cho dân làng được nhiều sức khỏe, cho mưa thuận gió hòa và cho mùa màng tốt tươi…”. Lần lượt, Rơ Lan Hieo lấy gạo trong tô vãi ra chiếu cúng mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá... cùng về dự lễ. Vẫn tay trái nắm cổ tay phải (thể hiện sự kính trọng với các đấng thần linh), tay phải Ơi Hieo lấy thịt ném 3 lần ra phía trước, mỗi lần ném đọc một điều cầu xin.

Trong tiếng trống, tiếng chiêng thúc giục, bầu trời cũng như vần vũ theo. Miệng vừa đọc lời khấn, Rơ Lan Hieo thể hiện điệu múa mô phỏng cánh chim đại bàng đang bay lượn như lời ước cho khát vọng của cư dân Gia Rai được nâng cánh bay về cõi trời mênh mông. Ở đó, trong sâu thẳm tín ngưỡng cũng như mạch nguồn văn hóa vẫn chảy qua bao đời nay của cư dân nơi đây về một thế giới thiêng liêng có thể chế ngự được thiên tai, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ấm no cho muôn loài–thế giới của các vị Pơtao Apui... Trời đang nắng bỗng chốc gió nổi lên, mây kéo che khuất ánh mặt trời như ở cõi khác: các Pơtao Apui đang về thỏa ước nguyện của người dân ở thung lũng này.

MINH TÂN