Vệ sinh an toàn thực phẩm Tết còn bỏ ngỏ
(Cadn.com.vn) - Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Âm lịch nhưng hàng hóa Tết đã được bày bán khắp nơi. Cũng như mọi năm các ngành chức năng lại ra quân rầm rộ kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, tuy nhiên tình trạng mất VSATTP vẫn diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Nên kiểm tra từ đâu, siết chặt quản lý như thế nào, vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Tràn lan thực phẩm kém chất lượng
Dạo một vòng quanh các chợ đầu mối, chợ bán lẻ đã thấy hàng Tết được bày bán đa dạng cả về mẫu mã đến giá cả. Các mặt hàng như mứt, bánh kẹo, bò khô, mực rim…được chế biến và đóng gói sẵn rất tiện dụng. Những loại thực phẩm khô này được tiểu thương nhập với số lượng lớn rồi chia nhỏ ra để bán lẻ mà không cần bao bì nhãn mác.
Kể cả trà và các loại hạt dưa, hạt hướng dương cũng chỉ được đựng trong những bao nilon lớn, khi khách cần mua thì mang ra cân ký. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp cuối năm là vấn đề VSATTP lại trở thành chủ đề nóng. Thức ăn chăn nuôi bị cấm vẫn thoải mái bán trên thị trường, thực phẩm, rau củ nhiễm hóa chất vẫn đầy rẫy ở chợ…
Hơn một tháng qua, cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 10% mẫu thịt gà, thịt lợn sử dụng hóa chất cấm trong chăn nuôi. Đối với rau quả nhập khẩu cũng phát hiện tỷ lệ tương tự có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, trong đó có cả củ cải trắng, cà rốt, quýt...
Trong thời gian này, cả nước nhập khẩu gần 700.000 tấn hàng hóa có nguồn gốc thực vật, nhưng cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được 96 mẫu rau quả. Chính sự bất lực trong công tác quản lý đang khiến thực phẩm bẩn "rộng đường" tìm đến mâm cơm của nhiều gia đình. Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ ung thư cao, nguyên nhân chính cũng là do quá nhiều loại thực phẩm, rau, củ ngậm hóa chất đang hàng ngày "đầu độc" người tiêu dùng.
Có mặt tại chợ Cồn (Đà Nẵng) đã thấy vô số hàng Tết được bày bán. Hỏi mua một bịch mứt dừa, chị bán hàng tận tình chỉ dẫn cho tôi mứt loại 1, loại 2 với những giá khác nhau. Nhìn sơ qua những bịch mứt dừa này được chế biến rất đẹp mắt, trong veo, giòn tan nhưng trên bao bì chỉ thấy ghi giá thành chứ không có tên nhà sản xuất, thậm chí cũng không có cả thành phần chế biến. Tôi thắc mắc thì chị chủ gắt lên: "Mua nguyên kiện lớn mới có tên tuổi nhà sản xuất chứ còn mua lẻ ri ai hơi đâu mà in cái mác dán vô". Tôi ngỏ ý muốn xem nguyên thùng mứt thì chị bán hàng phẩy tay: "Tùy, không ưng mua thì để người khác mua".
Theo ghi nhận của phóng viên thì hàng kém chất lượng rất dễ nhận biết. Đó là những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác và được bày bán mất vệ sinh. Tại những khu chợ lớn như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Hòa Khánh xuất hiện những loại cá bò rim được bỏ trong những chiếc thau nhôm bán lẻ hoàn toàn không có hạn sử dụng hay nguồn gốc xuất xứ. Đây là loại thực phẩm ăn liền nhưng lại để gần chỗ đi lại, bụi bẩn nhưng vì giá thành rẻ nên bán rất chạy.
Thức ăn được bày bán mất vệ sinh trên đường. |
Siết chặt hệ thống quản lý
Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm đã xuất hiện tràn lan. Từ ngày 10-12 đến nay, tại Long An và Tiền Giang liên tiếp xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tại 3 Cty và một trường học khiến hơn 250 công nhân và học sinh phải nhập viện. Trong tuần đầu tháng 12, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 5 vụ ngộ độc do uống "Rượu nếp 29 Hà Nội" làm 15 người nhập viện, 6 người tử vong.
Tại Hà Nội, càng gần đến thời điểm cuối năm số bệnh nhân phải nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn càng gia tăng mạnh. Tại Đà Nẵng chưa có trường hợp ngộ độc nghiêm trọng xảy ra tuy nhiên đã xuất hiện những trường hợp ngộ độc do ăn phải thức ăn chứa chất độc hại.
Ngày 23-12, TP Đà Nẵng triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành kiểm soát về ATVSTP.
Theo kế hoạch, 3 đoàn kiểm tra liên ngành của sở Y tế, Sở Công thương, Sở NN& PTNT cùng các đoàn kiểm tra cấp quận huyện ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Minh Tiến-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố cho hay: "Quá trình kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh có dấu hiệu vi phạm như bia rượu, nước giải khát, thịt giò chả… và các cơ sở ăn uống". Theo Nghị định số 178/2013/NĐCP có hiệu lực kể từ ngày 31-12 tới các cơ sở vi phạm sẽ bị xử phạt nặng gấp đôi so với năm ngoái.
Hàng hóa không nhãn mác bày bán tràn lan. |
Cũng như mọi năm đợt ra quân kiểm tra ATVSTP diễn ra rầm rộ nhưng chưa sâu sát và đạt kết quả tốt. Hầu hết các thực phẩm được kiểm tra đều phát hiện có nhiễm hóa chất độc hại. Từ thịt gà chứa chất cấm, tôm có dư lượng kháng sinh đến thịt nhiễm thuốc tăng trọng và rau củ quả thì ngậm no hóa chất bảo quản và thuốc kích thích… Càng gần đến Tết vấn đề về ATVSTP càng báo động trong khi đó các ban, ngành cũng chỉ loanh quanh với những biện pháp giám sát, kiểm tra không mới dù không thực sự hiệu quả. Vấn đề đặt ra là cần xử lý vấn đề ATVSTP từ gốc chứ không phải khi diễn ra rầm rộ mới xử lý phần ngọn. Để xử lý tận gốc cần có biện pháp quản lý ngay từ khâu nhập khẩu thực phẩm.
Việc cấp phép quá nhiều cho doanh nghiệp sản xuất cũng như nhập khẩu mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, phụ gia thức ăn chăn nuôi, chất bảo quản… khiến việc quản lý trở nên khó khăn. Thêm vào đó, cơ quan quản lý cũng đang "bó tay" trước quá nhiều sản phẩm cần quản lý. Theo đó, chỉ riêng thức ăn chăn nuôi hiện đã có hơn 1 vạn loại. Trong khi đó, Cục Bảo vệ thực vật cho biết chưa cấp phép cho bất cứ chất điều hòa sinh trưởng và chất bảo quản trên rau quả. Vậy nhưng các hóa chất này vẫn được bày bán công khai trên thị trường với giá rất rẻ và ai cũng có thể mua bán được.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức cho người dân thì các ban, ngành liên quan cần có một chiến dịch lâu dài bởi đây không chỉ là vấn đề ngày một ngày hai.
Hà Dung