Về Tam Thăng nghe hô hát bài chòi...

Thứ bảy, 21/12/2019 12:51

Tôi đã có dịp về Tam Thăng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) nhiều lần. Cứ mỗi lần lại có thêm những hiểu biết, khám phá thú vị và cảm xúc dâng trào... Bây giờ, trên con đường bê-tông chính của xã chạy dọc các thôn Vĩnh Bình, Thạch Tân, Kim Đới..., nhà cửa hai bên đường mọc lên san sát nhau. Nhớ lại có lần anh Trần Ngọc Duy- Phó phòng VH-TT TP Tam Kỳ có giới thiệu và tôi đã gặp anh Trương Minh Hạnh- theo lời anh Duy thì đây là "anh hiệu bài chòi đất Tam Thăng". Anh Hạnh nguyên là Bí thư Đảng ủy xã. Anh cho biết "cơ duyên" anh được có danh hiệu này vì anh nhận ra rằng: trong những ngày lễ tết, hội hè, anh cảm nhận bà con thiếu một cái gì đó khi bất chợt bâng quơ nghe một cụ già "tung hứng" hô hát vài câu bài chòi... Rồi anh nghĩ, sao không nuôi dưỡng "mảnh đất" bài chòi vốn có của cha ông mình? Nghĩ là làm, anh bắt tay vào vận động những người yêu thích bài chòi, lập ra đội hát bài chòi ban đầu với hơn 12 thành viên. Trong đó, đội nhạc cổ 3 người, 2 người chạy hiệu, 4- 6 người diễn, cặp đôi nam- nữ là diễn viên hát chính (anh hiệu - chị hiệu), còn lại phụ trách âm thanh, ánh sáng...

Bài chòi được đông đảo người dân Tam Thăng ưa thích, ủng hộ.

Hầu hết những người tham gia CLB bài chòi quanh năm bám ruộng, bám vườn sinh kế như các anh chị Vũ Công Minh, Trịnh Hồng Hà, Nguyễn Thị Tài, Châu Thị Tứ... Song, với nỗi đam mê bài chòi và có năng khiếu văn nghệ, họ tranh thủ tập tành, rèn giọng. Được chính quyền ủng hộ, đồng tình nên những đêm trăng sáng, sân nhà anh Hạnh trở thành nơi họ tụ họp. Các "diễn viên" tập trung học hát bài chòi, "tầm sư học đạo" những điệu hò, lý, vè. Bà con cô bác trong làng cũng vui không kém, nô nức đến nghe những làn điệu quê hương êm đềm lại ngân vang: "Ra về lòng lại dặn lòng/ Chanh chua chớ phụ, ngọt bồng chớ ham" (Con bát bồng), "Ước gì em chửa có chồng/ Anh thưa cha với mẹ mang rượu nồng đón em" (Con bảy thưa)...

Năm 2004, Câu lạc bộ Bài chòi xã Tam Thăng chính thức được thành lập. Anh Ung Nho Can, người con của quê hương Tam Thăng đang sinh sống tại TPHCM là một trong những người ủng hộ về nhiều mặt cho CLB ra đời và duy trì hoạt động. Hiện CLB đã có 18 thành viên do anh Hạnh làm chủ nhiệm. Mỗi tháng 2 lần, các thành viên của CLB lại tập trung sinh hoạt như tập hát thêm bài, chuẩn bị cho buổi diễn sắp tới...

Được chứng kiến những nghệ sĩ "chân đất" bày trò trong những ngày đầu xuân, tôi có cảm giác rằng, từ  CLB này mà bây giờ, ở xã Tam Thăng, hầu như ai cũng thuộc, cũng hát được những câu bài chòi. Còn nhớ cách đây mấy năm, Dự án "Sân khấu học đường" được thực hiện tại trường THCS Lê Lợi ở xã. Các nghệ sĩ như NSƯT Minh Hiệp, NSƯT Ngọc Thủy, diễn viên Minh Bá, Thu Hương, Văn Thìn... của Đoàn Ca kịch Quảng Nam đã hướng dẫn các em học sinh từng bước tiếp cận những làn điệu cơ bản của dân ca Quảng Nam như bài chòi, hò ba lý... và tập tành diễn xuất những trích đoạn sân khấu. Các nghệ sĩ đã phát hiện nhiều hạt nhân có tố chất tốt và say mê loại hình âm nhạc truyền thống này từ vùng đất Tam Thăng, để thấy rằng sẽ có một thế hệ nối tiếp.

Nhiều anh chị em của CLB tâm sự rằng, ngoài những lần họp mặt chính thức, thỉnh thoảng, một số thành viên trong CLB lại kéo đến nhà nhau, cùng so dây, nắn phím, hát những câu hò khoan, điệu lý, bài chòi, chung quy lại là tình yêu với những câu ca ông bà để lại, càng hát càng cứ thấy sâu đậm nghĩa tình với quê hương mình... Không chỉ hát, nhiều thành viên còn cố gắng sưu tầm những bài hát mới và sáng tác lời mới, nội dung ca ngợi về quê hương Tam Thăng anh hùng trong đấu tranh và xây dựng hôm nay. Đến nay, tuyển tập những bài hát bài chòi của xã Tam Thăng được biên soạn công phu, đã được in ấn và lưu truyền trong nhân dân toàn xã. Đây là ấn phẩm tinh thần nhằm lưu lại lời ca tiếng hát đằm thắm nghĩa tình của cha ông lưu truyền lại.                    

Không chỉ "tháng Giêng hội làng", ở Tam Thăng, ngoài những ngày lễ, Tết cổ truyền dân tộc, các ngày mồng 7 tháng Giêng (ngày hội đua ghe truyền thống) hay ngày mồng 10-3 hằng năm (ngày cúng trọng đình làng Vĩnh Bình)... người xa quê có dịp trở về, lắng nghe trong tiếng trống hội giòn giã, âm thanh những bài hát bài chòi và không khí lễ hội náo nức. Ngần ấy thôi cũng đủ ấm lòng: "Tay em đã trắng lại tròn/ Không cho anh gối sao mòn một bên" (Con gối), hay là "Anh nói anh là học trò/ Sao em lại thấy cỡi bò hôm qua? " (Con học trò)... 

Niềm vui của tất cả thành viên đứng hô bài chòi ở Tam Thăng là những niềm vui của những dân làng trong không khí chân tình đoàn kết sau những ngày lao động mệt nhọc, là truyền lại cho con cháu một loại hình dân gian độc đáo mà cha ông đã vun đắp gìn giữ bao đời nay...

THẢO NGUYÊN