Về với mẹ

Thứ ba, 10/05/2022 13:38
Bình yên. Đấy là cảm giác mỗi khi tôi ở bên mẹ. Cũng không quá xa xôi, chỉ khoảng 80 cây số mà sao chỉ đợi đến lúc đôi chân trên con phố quen thuộc đã rã rời vì mệt mỏi, vì chán chường mới tìm về với mẹ.

Giữa những rừng keo xanh mướt mờ, con đường về quê càng hun hút, quanh co. Đã đôi ba lần tôi dừng xe, nằm xoài trên thảm cỏ bên vạt đường, nhắm mắt lắng nghe tiếng thì thào của rừng. Đấy là tiếng vi vu gió thổi trên cành cây, tiếng chim chộn rộn trên cao và cả tiếng trò chuyện của những người phụ nữ đi làm nương rẫy. Bao nhiêu phiền muộn vương vãi hết trên con đường về nhà, lòng nhẹ tênh.

Bên phên cửa trống gió, mẹ lom khom thả từng bụm thóc cho đàn gà. Nghe bước chân sột soạt, lũ gà tan tác chạy tứ tung. "Tiếc gì một cuộc gọi mà sao không báo trước cho mẹ vui lâu hơn một tí hả con?". Tôi đặt vội ba lô lên tấm phản ôm chặt lấy mẹ làm hòa nhưng cốt chỉ để được hít hà búi tóc tuy đã được mẹ búi gọn lại nhưng vẫn phảng phất hương bồ kết, hương chanh vườn nhà. Đã hơn mười năm từ ngày cha mất, mẹ không còn thói quen thả tóc. Dẫu không nói ra, nhưng tôi biết vì mẹ sợ mái tóc ấy uống gió, uống khí trời bao la mà bay mất hết mùi hương mong manh cha còn để lại. Ngày xưa, cha yêu mẹ vì mái tóc dài thướt tha. Đã bao lần cha dùng gầu múc nước giếng làng cho mẹ gội đầu. Chỉ làn nước mát trong lành lúc sóng sánh ánh trăng, khi lại long lanh đầy sợi nắng chiều ấy vậy mà xoa dịu bao nỗi cơ cực má phải gánh chịu khi phải làm phận dâu xứ người.

Chưa kịp hết mừng mừng, tủi tủi, mẹ lại hối tôi rửa chân tay còn ăn tối. Mẹ gắp thức ăn, rồi nhìn dáng người gầy guộc lại càng xanh xao sau một chặng đường dài, buột miệng nói "ở với mẹ phổng phao giờ lên phố sao lại ốm thế con?". Không hiểu sao sau những ngày ngược gió ở phố thị với những lo toan tất tả mưu sinh, mỗi lần về với mẹ, vài ba bữa cơm đơn giản cùng đĩa rau lang vườn nhà, bát cháo gà mẹ nuôi ấy vậy mà da dẻ hồng hào, tóc tai không còn xác xơ… Mẹ hay hỏi chuyện trên phố, về công việc, về bạn bè của tôi như muốn chia sẻ bớt nỗi nhọc nhằn, vất vả. Trả lời từng câu mẹ hỏi nhưng mắt tôi cứ nhìn ra khoảng không mông lung ngoài vườn. Gió thổi lơ phơ qua mặt lành lạnh. Vài sợi ánh trăng nhợt nhạt, lách qua khe cánh cửa - điều tôi mong đợi cũng trở thành hiện thực, về với mẹ và được ngắm trăng ở làng.

Tôi đã từng lớn lên với bao mùa trăng quê. Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã nhô lên. Mặt trăng tròn, to và ửng vàng sau lũy tre làng. Bên những bờ giậu quanh nhà, tụi con nít trong làng í ới rủ nhau chơi trốn tìm, chơi trận giả, bịt mắt bắt dê,... Có hôm lại kéo nhau lên ụ rơm ngồi ngắm trăng và buôn chuyện rồi phá lên cười. Tôi còn nhớ như in những đêm trăng lén mẹ cùng đám bạn đi tìm bông dủ dẻ mang về đặt trên đầu giường, hương dủ dẻ lan tỏa thơm nức nhà đầy ánh trăng. Cả những đêm ngồi học bài bên ngọn đèn dầu, qua khung cửa, ánh trăng len lỏi, lênh láng trên từng con chữ, thi thoảng lại nghe tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm, tiếng ho khẽ của cha, tiếng mẹ trở mình vì lo lắng bao điều…

Sáng sớm, trời còn se sắt lạnh, tôi co ro trong tấm chăn mỏng, nghe tiếng sột soạt của mẹ trong chái bếp mới biết mình đã thiếp qua một đêm ở bên mẹ. Lá chuối, lá dừa khô cháy tí tách, thanh củi ẩm sùi bọt xèo xèo, khói hăng hắc cay xè mắt. Như đợi sẵn từ bao giờ, tôi vừa đặt chân xuống đất mẹ nói với lên "Mùa này buổi sáng sương giăng mắc cả thung lũng, đẹp lắm. Tí hai mẹ con mình tranh thủ dạo sương mai nhé". Tôi biết, ấy là mẹ chiều con gái chứ sáng nào mà mẹ chẳng dầm trong sương sớm để kịp lên rẫy.

Từng bước trong sương bồng bềnh tôi nghe rõ cả mùi quê đặc quánh. Đó là mùi ngai ngái của đất, mùi ngọt dịu của hương lúa rẫy, mùi cỏ tranh thoang thoảng… Bao thứ mùi quê rộn ràng theo từng bước chân hai mẹ con mà nghe lòng xốn xang như đang hò hẹn lần đầu.

Thanh Ly

Bình yên

bên mẹ.